Quy định pháp luật về hoạt động từ thiện

Để hoạt động từ thiện không bị biến tướng, từ thiện và các vấn đề xung quanh đã được pháp luật quy định cụ thể.
17/10/2020 06:38

Dọc miền đất nước của chúng ta vẫn còn rất nhiều hoàn cảnh khó khăn, cần sự trợ giúp của cộng đồng, đặc biệt là người dân sống ở vùng sâu vùng sa, vùng phải chịu nhiều thiệt hại do thiên tai. Vừa qua, "khúc ruột" miền Trung đã phải gánh chịu những hậu quả nặng nề do lũ lụt, nhà cửa hoa màu bị ngập lụt, người dân gặp phải nhiều khó khăn.

Trước những hoàn cảnh đáng thương, rất nhiều các mạnh thường quân đã kêu gọi ủng hộ giúp đỡ đồng bào và nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình. Mỗi sự sẻ chia giúp vơi bớt những khó khăn mà người dân phải gánh chịu. Các hoạt động từ thiện diễn ra, nhiều tổ chức, cá nhân đứng lên kêu gọi giúp đỡ. Vậy, từ thiện có được quản lý dưới góc độ pháp luật hay không, chúng ta cần hiểu những gì để tổ chức từ thiện đúng cách và không vi phạm.

tu thien

Hình minh họa.

Trong bài viết dưới đây, Tạp chí Sức Khỏe Cộng Đồng sẽ giúp bạn đọc có những nhìn nhận về từ thiện thông qua những chia sẻ pháp lý của luật sư Trần Sỹ Hoàng – Văn phòng Luật sư Ánh Sáng Công Lý, Đoàn Luật sư TP Hà Nội.

Theo Luật sư Hoàng, "từ thiện" là hoạt động đã được pháp luật Việt Nam ghi nhận trong nhiều văn bản. Cụ thể, theo khoản 3,4 Điều 4 Nghị định 93/2019/NĐ-CP ban hành ngày 25/22/2019 quy định về tổ chức, hoạt động của quỹ xã hội, quỹ từ thiện:

Quỹ từ thiện: Là quỹ được tổ chức, hoạt động với mục đích hỗ trợ khắc phục sự cố do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh, tai nạn và các đối tượng khác thuộc diện khó khăn, yếu thế cần sự trợ giúp của xã hội, không vì mục tiêu lợi nhuận.

Không vì mục tiêu lợi nhuận: Là lợi nhuận có được trong quá trình hoạt động không để phân chia mà chỉ dùng cho các hoạt động theo điều lệ của quỹ đã được công nhận.

Điều kiện thành lập quỹ từ thiện

Để thành lập quỹ từ thiện cần phải tuân thủ những điều kiện nhất định. Trong đó, mục đích hoạt động phù hợp với quy định tại Điều 3 Nghị định 93/2019 về tổ chức và hoạt động nhằm mục đích hỗ trợ, khuyến khích phát triển văn hóa, giáo dục, y tế, thể dục, thể thao, khoa học, công nghệ, cộng đồng và từ thiện, nhân đạo, không vì mục tiêu lợi nhuận.

Sáng lập viên thành lập quỹ từ thiện phải tuân theo các quy định của pháp luật được quy định tại Nghị định 93/2019/NĐ-CP. Cụ thể: 

Đối với cá nhân, tổ chức là người Việt Nam:  Sáng lập viên thành lập quỹ phải là công dân, tổ chức Việt Nam; Nếu là công dân phải có đủ năng lực hành vi dân sự và không có án tích. Nếu là tổ chức phải được thành lập hợp pháp, có điều lệ hoặc văn bản quy định chức năng, nhiệm vụ của tổ chức; có nghị quyết của tập thể lãnh đạo hoặc quyết định của người đứng đầu có thẩm quyền về việc tham gia thành lập quỹ; quyết định cử người đại diện của tổ chức tham gia tư cách sáng lập viên thành lập quỹ; trường hợp tổ chức Việt Nam có vốn đầu tư nước ngoài thì người đại diện tổ chức làm sáng lập viên thành lập quỹ phải là công dân Việt Nam.

Các cá nhân, tổ chức phải đóng góp tài sản hợp pháp thành lập quỹ theo quy định. Sáng lập viên thành lập quỹ nếu thuộc diện quản lý của cơ quan có thẩm quyền thì phải được sự đồng ý bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền theo quy định về phân cấp quản lý cán bộ trước khi gửi hồ sơ về cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định tại Điều 18 Nghị định này cấp giấy phép thành lập và công nhận điều lệ quỹ

tu thien

Đã có nghị đinh 93/2019/NĐ-CP quy định về từ thiện.

Đối với cá nhân, tổ chức nước ngoài: Phải có cam kết nộp thuế và chịu trách nhiệm về tính hợp pháp của tài sản đóng góp; Cam kết thực hiện nghiêm chỉnh pháp luật Việt Nam và mục đích hoạt động của quỹ; Có tài sản đóng góp thành lập quỹ theo quy định tại Điều 14 Nghị định này. Tài sản đóng góp thành lập quỹ của cá nhân, tổ chức nước ngoài không được vượt quá 50% số tài sản đóng góp thành lập quỹ theo quy định.

Để thành lập được quỹ từ thiện, ban sáng lập quỹ phải có đủ số tài sản đóng góp. Tài sản có thể là tiền đồng Việt Nam; Tài sản được quy đổi ra tiền đồng Việt Nam (bao gồm: Hiện vật, ngoại tệ, giấy tờ có giá, các quyền tài sản khác) của công dân, tổ chức Việt Nam là sáng lập viên, của cá nhân, tổ chức nước ngoài góp với công dân, tổ chức Việt Nam để thành lập quỹ. Đối với tài sản là trụ sở, trang thiết bị, công nghệ phải do tổ chức thẩm định giá được thành lập hợp pháp định giá, thời điểm định giá tài sản không quá 06 tháng tính đến thời điểm nộp hồ sơ thành lập quỹ.

Trường hợp tài sản đóng góp thành lập quỹ bao gồm cả tài sản khác không bao gồm tiền đồng Việt Nam thì số tiền đồng Việt Nam phải đảm bảo tối thiểu 50% tổng giá trị tài sản.

Đối với quỹ do công dân, tổ chức Việt Nam thành lập phải đảm bảo tài sản đóng góp thành lập quỹ được quy đổi ra tiền đồng Việt Nam như sau: Quỹ hoạt động trong phạm vi toàn quốc hoặc liên tỉnh là 6.5 tỷ đồng; phạm vi cấp tỉnh là 1.3 tỷ đồng; phạm vi cấp huyện là 130 triệu đồng; phạm vi cấp xã là 25 triệu đồng.

Đối với trường hợp có cá nhân, tổ chức nước ngoài góp tài sản với công dân, tổ chức Việt Nam thành lập quỹ phải đảm bảo tài sản đóng góp thành lập quỹ được quy đổi ra tiền đồng Việt Nam, cụ thể: Quỹ hoạt động trong phạm vi toàn quốc hoặc liên tỉnh là 8.7 tỷ đồng, phạm vi cấp tỉnh là 3.7 tỷ đồng; phạm vi cấp huyện là 1.2 tỷ đồng và phạm vi cấp xã là 620 triệu đồng.

Tài sản đóng góp thành lập quỹ phải được chuyển quyền sở hữu cho quỹ trong thời hạn 45 ngày làm việc kể từ ngày quỹ được cấp giấy phép thành lập và công nhận điều lệ. Tài sản đóng góp để thành lập quỹ không bị tranh chấp hoặc thực hiện nghĩa vụ tài chính khác.

Ngoài ra, để thành lập quỹ từ thiện, cá nhân, tổ chức sáng lập phải chuẩn bị hồ sơ để trình lên cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định.

Sau khi được cấp phép hoạt động quỹ từ thiện, tổ chức, cá nhân phải hoạt động tuân theo mục đích đã cam kết, không vì mục tiêu lợi nhuận.

Các hành vi nghiêm cấm khi thành lập quỹ từ thiện

Điều 9 Nghị định 93/2019 quy định nghiêm cấm lợi dụng việc thành lập và tổ chức các hoạt động của quỹ để thực hiện các hành vi sau:

Làm ảnh hưởng đến uy tín của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, cá nhân, cộng đồng; gây phương hại đến lợi ích quốc gia, an ninh, quốc phòng, khối đại đoàn kết dân tộc; xâm hại đạo đức xã hội, thuần phong, mỹ tục, truyền thống, bản sắc dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo; tư lợi, gian dối về tài chính trong quá trình thành lập quỹ và quỹ hoạt động; rửa tiền, tài trợ khủng bố và các hoạt động trái pháp luật.

Trên đây là một số nội dung liên quan đến các vấn đề pháp lý của hoạt động từ thiện mà Tạp chí Sức Khỏe Cộng Đồng muốn bạn đọc có cái nhìn sâu hơn về vấn đề này, tránh vướng phải những biến tướng xấu lợi dụng danh nghĩa từ thiện để tư lợi, không vì mục đích cộng đồng cao cả. 

Trên thực tế, bên cạnh một số tổ chức, cá nhân hoạt động từ thiện với đúng ý nghĩa vẫn còn có một số đối tượng lợi dụng lòng hảo tâm của mọi người, công tác cứu trợ, từ thiện để trục lợi bản thân, làm những việc trái quy định của pháp luật. Thậm chí, từ thiện đang có xu hướng biến tướng thành một “nghề” mang lại siêu thu nhập. Điều này làm cho nhiều người tỏ ra có cái nhìn tiêu cực đối với việc từ thiện vốn được coi là việc làm "tốt đời đẹp đạo", giúp ích cho cộng đồng.

Thùy Dương

 

comment Bình luận

largeer