Các chuyên gia nhận định vũ khí vaccine chưa đủ trong cuộc chiến với COVID-19
Không lâu sau khi nới lỏng biện pháp hạn chế, những ngày đen tối của đại dịch đã trở lại châu Âu, bất chấp khu vực này có tỷ lệ tiêm vaccine hàng đầu thế giới hiện nay. Ngày 15/11, Cơ quan Đặc trách Dịch bệnh châu Âu (ECDC) đánh giá tình hình ngày càng xấu đi tại lục địa này.
“Hầu hết quốc gia sẽ tiếp tục chứng kiến những làn dịch sóng mới”, giáo sư Suzanne Judd tại Trường Y tế Cộng đồng thuộc Đại học Alabama, Mỹ nhận định
Lý giải nguyên nhân dịch COVID-19 bùng phát mạnh ở châu Âu dù có tỷ lệ tiêm chủng cao, ông Martin McKee - giáo sư y tế công cộng tại Trường Vệ sinh Dịch tễ và Y học Nhiệt đới London - nói rằng con người không thể chỉ phụ thuộc vào vaccine trong cuộc chiến chống COVID-19.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trong khi thế giới chứng kiến các ca mắc và tử vong có dấu hiệu giảm hoặc dần ổn định, một bức tranh khác đang diễn ra ở châu Âu.
Trong tuần đầu tiên của tháng 11, số ca tử vong do COVID-19 ở châu Âu tăng 10% và chiếm hơn một nửa trong số 48.000 trường hợp thiệt mạng được báo cáo toàn cầu.
Bà Judd cho rằng có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình huống này: Biến chủng mới xuất hiện, tỷ lệ tiêm chủng thấp và do hành vi của công chúng. Vì vậy bà cho rằng các nước cần chuẩn bị thay đổi hành vi trong những đợt bùng phát dịch mới, nhưng có thể nới lỏng hạn chế khi số ca mắc COVID-19 giảm.
“Virus sẽ tiếp tục khiến số ca mắc tăng”
“Dù vaccine có khả năng giúp giảm số ca nhập viện, virus sẽ tiếp tục khiến số ca mắc tăng rồi lại giảm”, giáo sư Suzanne Judd nhận định.
Nhờ vaccine, các bệnh viện không phải chịu áp lực lớn như trước. Theo dữ liệu từ Đại học John Hopkins, tỷ lệ tử vong ở châu Âu thua xa Mỹ. Tuy vậy, nhiều cơ sở vẫn gặp khó khăn khi số ca bệnh tăng.
Trên thực tế, biến chủng Delta có tính lây nhiễm cao, lây lan cả ở những người đã tiêm phòng đầy đủ, theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ cảnh báo. Người đã tiêm vaccine vẫn có thể nhiễm virus SARS-CoV-2, và khi nhiễm virus vẫn có thể lây cho người khác, khiến những người chưa tiêm gặp rủi ro.
Bên cạnh đó, các chuyên gia khuyến nghị để ngăn chặn sự lây lan của virus, tỷ lệ tiêm chủng hiện tại vẫn chưa đủ, ngay cả ở những quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) đã đạt tỷ lệ tiêm chủng cao cho dân số trưởng thành và thanh thiếu niên.
Độ phủ tiêm chủng của châu Âu cao nhất ở miền Nam, với Bồ Đào Nha, Malta và Tây Ban Nha có tỷ lệ tiêm đủ hai mũi cho hơn 80% người dân, trong khi Italy cách không xa phía sau với tỷ lệ 73%, theo dữ liệu từ Our World in Data.
Những nước trên cũng có số ca mắc mới trung bình mỗi ngày trong một tuần trở lại thấp nhất trong cả châu Âu, với tỷ lệ 100 ca/1 triệu người. Nhưng con số này đang tăng dần, thậm chí là tăng mạnh ở những nơi có độ phủ vaccine thấp.
Mọi người xếp hàng chờ tiêm vaccine tại Thư viện Quốc gia ở Bucharest, Romania
Với biến chủng Delta, giờ đây, các quốc gia không được phép hài lòng với tỷ lệ tiêm chủng 70%, mặc dù một năm qua, tỷ lệ này được coi là ngưỡng giúp vượt qua đại dịch.
“Châu Âu vẫn chưa đạt được mức độ tiêm chủng cao cần thiết. Chúng tôi mới chỉ bắt đầu tiêm chủng cho trẻ em. Và chúng tôi đang thấy một số dấu hiệu của sự suy giảm khả năng miễn dịch, đặc biệt là ở những người lớn tuổi”, ông Martin McKee nói.
Trong bối cảnh đó, ông McKee cho hay giới chức các quốc gia châu Âu cần tăng cường chương trình tiêm vaccine, bao gồm tiêm cho thanh thiếu niên và áp dụng mũi thứ ba đối với các nhóm rủi ro.
Tại Anh, Ủy ban Hỗn hợp về vaccine và miễn dịch (JCVI) thông qua quyết định mở rộng đối tượng cho chương trình tiêm mũi tăng cường vaccine ngừa COVID-19, The Times đưa tin.
Trong khi đó, sau khi thông báo về việc triển khai mũi tiêm thứ 3 vaccine COVID-19 cho những người trên 50 tuổi từ đầu tháng 12, Tổng thống Emmanuel Macron cũng cho biết từ giữa tháng, “thẻ xanh y tế" của những người trên 65 tuổi cần phải có thông tin về mũi vaccine thứ 3.
Giáo sư Martin McKee cũng cho rằng các biện pháp giãn cách xã hội và y tế công cộng đóng vai trò quan trọng không kém giữa lúc đại dịch diễn ra ở châu Âu.
“Ngay cả khi không gặp phải những vấn đề kể trên, chúng ta vẫn cần phải làm nhiều hơn, với các biện pháp giảm thiểu như thông gió tốt hơn và chú ý tới việc sử dụng khẩu trang”, ông cho biết.
Cần hành động sớm và dứt khoát
Giáo sư Martin McKee cho rằng quyết định có phong tỏa trở lại hay không tùy thuộc vào thực trạng của từng quốc gia. Điều quan trọng mà châu Âu nên rút ra từ những đợt bùng dịch trước đó chính là việc chính phủ nên hành động sớm và dứt khoát, trước khi tình hình chuyển xấu.
Phó giáo sư Alex Cook, Phó hiệu trưởng Trường Y tế Công cộng Saw Swee Hock thuộc Đại học Quốc gia Singapore (NUS), từng nhận định với Zing rằng biện pháp nghiêm ngặt như phong tỏa không được khuyến khích, trừ khi hệ thống y tế đứng trước nguy cơ vỡ trận.
Theo giáo sư Suzanne Judd, để giảm thiểu khả năng bùng phát thành đợt dịch lớn, biện pháp giãn cách xã hội và đeo khẩu trang nên áp dụng trở lại khi các quốc gia đạt tỷ lệ mắc trên 100/100.000 người một tuần.
Một vài quốc gia đã phải siết chặt các phương án phòng dịch, từ những nước có tỷ lệ tiêm chủng cao cho đến khu vực có độ phủ vaccine thấp.
Dù 73% dân số đã tiêm chủng đầy đủ, Hà Lan phải phong tỏa một phần trong 3 tuần từ ngày 13/11, sau khi số ca mắc lập kỷ lục mới. Quán bar, nhà hàng và cửa hàng thiết yếu đóng cửa từ 22h, dịch vụ không thiết yếu ngưng hoạt động từ 18h, buổi gặp gỡ ở nhà riêng chỉ đón tối đa 4 khách.
Từng là nước nới lỏng đa số biện pháp giới hạn trong mùa hè, tuần qua Hà Lan ghi nhận trung bình 609 ca/1 triệu người mỗi ngày.
Nhiều nước châu Âu siết chặt các hạn chế phòng dịch
Khu vực Đông Âu có tỷ lệ tiêm vaccine thấp hơn hẳn, trong đó có Romania (34,5%) và Bulgaria (23,04%) - thấp nhất trong 27 nước EU.
Cả hai nước nói trên gần đây siết chặt hơn nữa biện pháp chống dịch, trong khi Latvia - nơi 58,1% dân số nhận đủ liều - đã phong tỏa bốn tuần từ giữa tháng 10. Cộng hòa Czech, Slovakia và Nga cũng siết giới hạn chống dịch.
Ông Martin McKee cho rằng rất khó để dự đoán tình hình dịch ở châu Âu trong tương lai do vẫn còn nhiều ẩn số chưa có lời giải đáp.
Guardian phân tích tình hình dịch ở Vương quốc Anh đang ngược dòng với phần còn lại ở châu Âu, khi Anh chứng kiến số ca mắc mới hàng tuần giảm mạnh nhất trong năm 2021 - với khoảng 17% hai tuần gần đây. Điều này đặt ra câu hỏi: Liệu số ca mắc của châu Âu có đạt đỉnh và bắt đầu giảm, giống như tình huống ở Anh không?
Nhiều chuyên gia cho rằng Anh đã “đi trước một bước” trong đợt dịch này, và các quốc gia châu Âu đang trải qua tình huống mà Anh chứng kiến từ vài tháng trước. Điều này được lý giải là do Anh triển khai chương trình tiêm chủng sớm, do đó tác động của việc suy giảm khả năng miễn dịch cũng tới sớm hơn.
“Hiện chúng tôi không thấy dấu hiệu gia tăng số ca mắc ở mức độ tương tự châu Âu, phần lớn là do số ca mắc ở Anh đã tăng cao trong những tháng gần đây trong khi châu Âu thì không”, Giáo sư Paul Hunter của Đại học East Anglia cho biết.
Giáo sư Neil Ferguson từ Đại học Hoàng gia London cho rằng đợt bùng dịch mạnh ở Anh có tác dụng thúc đẩy khả năng miễn dịch cộng đồng so với các quốc gia như Đức, Hà Lan và Pháp - nơi có số trường hợp thấp hơn nhiều và hiện mới tăng lên.
Ông Hunter cho biết thêm đây chính là dấu hiệu điển hình cho thấy dịch bệnh thành bệnh đặc hữu.
“Khi tiến đến trạng thái đặc hữu, sẽ có dao động trước khi đạt được trạng thái cân bằng cuối cùng. Vì vậy, số ca mắc ở châu Âu sẽ tiếp tục dao động trong một năm hoặc lâu hơn”, ông nói.\
(Theo The Times)
- Sản phẩm vì sức khỏe
-
Hội nghị Quốc tế “Cập nhật chẩn đoán và điều trị bệnh lý mũi xoang và đầu – cổ”
Tại Việt Nam, mỗi năm có hơn 20% dân số phải sống chung với viêm mũi xoang mạn tính, trong khi ung thư đầu cổ chiếm tới 10% tổng số ca ung thư - những con số vô cùng đáng báo động. Trước sự gia tăng nhanh chóng của các ca bệnh, việc nâng cao chất lượng chẩn đoán và điều trị bệnh lý mũi xoang và đầu - cổ đã trở nên vô cùng cấp thiết.November 22 at 3:53 pm -
Đau hơn sau khi tiêm tế bào gốc trong điều trị thoái hóa khớp: Điều bình thường và cách xử lý
Liệu pháp tế bào gốc mang lại hy vọng cho người bệnh trên hành trình tìm kiếm giải pháp cải thiện và giảm bớt đau đớn từ chấn thương hoặc các bệnh lý mãn tính.November 20 at 5:33 pm -
Mở khóa thanh xuân, trẻ khỏe toàn diện với liệu pháp tế bào gốc
Lão hóa là một quá trình phức tạp, không chỉ ảnh hưởng đến làn da, mái tóc mà còn tác động đến cấu trúc và chức năng của các cơ quan bên trong cơ thể. Ngày nay với sự phát triển vượt bậc của y học tái tạo, liệu pháp tế bào gốc được ứng dụng toàn diện giúp cơ thể khỏe mạnh từ bên trong, đồng thời duy trì nét tươi trẻ, rạng rỡ bên ngoài, làm chậm quá trình lão hóa.November 20 at 5:33 pm -
Tầm nhìn “Borderless Future” - Định hình tương lai không biên giới tại nơi làm việc tốt nhất Việt Nam
Ngày 19/11/2024, tại Hội nghị Nơi làm việc tốt nhất Việt Nam 2024, khi cái tên Unilever Việt Nam được xướng lên ở vị trí số 1 trong danh sách 100 doanh nghiệp lớn có môi trường làm việc tốt nhất, đó không chỉ là khoảnh khắc đáng tự hào mà còn là sự khẳng định cho tầm nhìn, những nỗ lực bền bỉ của một doanh nghiệp Top 1 ngành FMCG trong hành trình xây dựng môi trường làm việc hiện đại, bền vững.November 20 at 5:20 pm