Các ổ dịch nguy hiểm nhất về cơ bản đã được "khóa chặt" không còn khả năng lây lan cho cộng đồng

Chuyên gia dịch tễ nhận định các ổ dịch Covid-19 nguy hiểm nhất cơ bản đã được khống chế, không còn khả năng lây lan cho cộng đồng.
07/02/2021 09:04

Luôn cảnh giác với tình huống phức tạp

Tối cùng ngày, có 2 trường hợp ghi nhận dương tính SARS-CoV-2. Trong đó, 1 người ở Gia Lai, 1 người ở Bình Dương.

Từ ngày 27-1 đến nay, đã có 12 tỉnh, TP ghi nhận ca bệnh Covid-19 trong cộng đồng. Liên quan đến ổ dịch Hải Dương và Quảng Ninh, đã có 394 ca Covid-19 lây nhiễm trong nước, đa số ca mắc ở Hải Dương (290 ca), Quảng Ninh (47 ca), Hà Nội (23 ca), Gia Lai (18 ca), Bình Dương (6 ca), Bắc Ninh (4 ca), Điện Biên (3 ca), Hòa Bình (2 ca), Hải Phòng (1 ca), TP HCM (2 ca), Bắc Giang (1 ca), Hà Giang (1 ca). Đến nay, Việt Nam có tổng cộng 1.091 ca mắc Covid-19 do lây nhiễm trong nước.

4-chot-16126270857661900472817

Bộ Y tế cho biết chiều 6-2, tại Bệnh viện dã chiến số 2 (Trường ĐH Kỹ thuật Y tế Hải Dương), 3 bệnh nhân (BN) mắc Covid-19 đầu tiên của đợt dịch này đã được công bố khỏi bệnh (BN 1664, 1665 và 1690).

Theo bác sĩ Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh - Bộ Y tế, 3 BN khỏi bệnh trong đợt dịch này chính là thành quả ban đầu của việc nhanh chóng khoanh vùng, truy vết, cách ly và điều trị các ca bệnh. Thành công bước đầu này là nhờ có sự hỗ trợ vào cuộc của tỉnh Hải Dương, sự hy sinh, chấp nhận thử thách của Trường ĐH Kỹ thuật Y tế Hải Dương và sự vào cuộc quyết liệt, tinh thần trách nhiệm cao của Bệnh viện Bạch Mai (TP Hà Nội) hỗ trợ cho Bệnh viện dã chiến số 2 cũng như sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Bộ Y tế.

Trực tiếp tham gia đoàn công tác chống dịch Covid-19 của Bộ Y tế tại Hải Dương, PGS-TS Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, nhận định các ổ dịch nguy hiểm nhất cơ bản đã được khống chế và được "khóa chặt", không còn khả năng lây lan cho cộng đồng, tình hình dịch bệnh trên cả nước đã được kiểm soát tốt. Ngoài ra, các ổ dịch xâm nhập ở các địa phương khác cũng đã được khoanh vùng xử lý triệt để ngay.

Theo PGS Trần Như Dương, trong đợt dịch này, 12 tỉnh, thành đã ghi nhận gần 400 ca mắc, trong đó số ca ghi nhận nhiều nhất là tại tỉnh Hải Dương. Ngay từ khi dịch bắt đầu xuất hiện, tất cả địa phương đã rất nỗ lực và trách nhiệm với tinh thần cao nhất. Toàn bộ hệ thống chính trị, các lực lượng chống dịch được huy động, phối hợp sức mạnh của toàn thể nhân dân tham gia chống dịch với những biện pháp quyết liệt, đúng đắn, nhanh chóng. Bộ Y tế đã lập tức huy động một lực lượng rất lớn các đoàn chuyên gia ở tất cả lĩnh vực chuyên môn, cung cấp trang thiết bị, sinh phẩm, hóa chất để hỗ trợ kịp thời cho các địa phương như Hải Dương, Điện Biên, Gia Lai...

"Tuy nhiên, chống dịch chưa bao giờ là đơn giản, luôn có những tình huống mới nảy sinh phức tạp. Vì vậy, tất cả chúng ta đều nhận thức được rằng không được phép lơ là, chủ quan và phải cùng nhau chống dịch với những nỗ lực cao nhất" - ông Trần Như Dương nhấn mạnh.

Lực lượng chức năng tỉnh Quảng Ninh kiểm tra khai báo y tế tại cầu Bạch Đằng trên đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng. Ảnh: TRỌNG ĐỨC

Người mang virus không triệu chứng rất cao

PGS-TS Trần Như Dương cho rằng đợt dịch lần này, nước ta phải đối mặt với kẻ thù vô hình nguy hiểm hơn nhiều, đó là biến chủng kiểu Anh của virus. Biến chủng này có đặc điểm là lây lan rất nhanh và mạnh. Bên cạnh đó, số người mang virus không triệu chứng cũng rất cao. Cho nên, để phát hiện được người nhiễm bệnh tại cộng đồng đòi hỏi phải truy vết, xét nghiệm thật nhanh trên diện rộng với số lượng lớn.

Để đáp ứng được yêu cầu xét nghiệm trong tình hình mới, Việt Nam phải thay đổi chiến lược gộp mẫu xét nghiệm. Nếu như trước đây chủ yếu làm xét nghiệm mẫu đơn hoặc nhiều lắm là gộp mẫu 5 thì ở Quảng Ninh và Hải Dương, Bộ Y tế đã cho phép làm gộp từ 10-16 mẫu.

"Gộp theo hộ gia đình hoặc trong một nhóm cùng cơ quan, đơn vị. Nhóm mẫu nào xuất hiện dương tính lập tức cho cách ly ngay và tiến hành tách ra làm mẫu đơn để phát hiện chính xác được người nhiễm bệnh. Cách làm này vừa nhanh lại tiết kiệm được rất nhiều sinh phẩm" - PGS Trần Như Dương giải thích.

Đến nay, Việt Nam vẫn thực hiện cách ly tập trung các trường hợp F1 - người đã tiếp xúc trực tiếp với ca bệnh dương tính. Đây là đối tượng có nguy cơ bị mắc bệnh rất cao, cũng là nguồn lây tiềm tàng nhất. Nếu cách ly F1 tại nhà thì nguy cơ lây nhiễm cho các thành viên khác trong gia đình là rất lớn.

"Các gia đình ở Việt Nam có nhiều thế hệ cùng sinh sống: người già có, trẻ con có, phụ nữ mang thai, người có bệnh lý nền... Khi bị lây nhiễm trong gia đình sẽ gây bệnh nặng và tử vong. Nhiều nước áp dụng việc này và đã có những hậu quả nghiêm trọng" - ông Trần Như Dương nhấn mạnh.

Tuy nhiên, theo quy định mới, trường hợp F1 là trẻ dưới 5 tuổi sẽ được cách ly nghiêm ngặt tại nhà. Trẻ từ 6 tuổi trở lên cũng được áp dụng mô hình phân kỳ cách ly tập trung một cách phù hợp dễ áp dụng hơn mà vẫn bảo đảm an toàn.

"Chúng ta cũng sẽ vừa làm vừa suy nghĩ tổng kết kinh nghiệm để có những điều chỉnh phù hợp nhất mà vẫn bảo đảm an toàn. Tết đang đến rất gần rồi, tình hình dịch bệnh vẫn còn phức tạp nên mỗi người dân đón Tết vui tươi nhưng cần nhớ giữ an toàn cho mình và cho mọi người bằng cách thực hiện tốt thông điệp 5K" - PGS Trần Như Dương khuyến cáo. 

Theo NLĐ

comment Bình luận

largeer