Cấp thuốc BHYT tối đa 90 ngày: Hợp lý nhưng cần theo dõi sát để tránh lạm dụng

Chính sách cấp thuốc bảo hiểm y tế (BHYT) cho bệnh nhân tối đa 90 ngày giúp người bệnh mãn tính tiết kiệm thời gian, chi phí và công sức đi khám. Tuy nhiên, giới chuyên môn cảnh báo cần thận trọng trong khâu giám sát để hạn chế nguy cơ cấp phát thuốc không phù hợp hoặc trục lợi BHYT.
15/07/2025 09:10

Từ ngày 1/7/2023, Thông tư 26/2025/TT-BYT chính thức có hiệu lực, người bệnh điều trị ngoại trú theo diện BHYT có thể được cấp thuốc cho một lần khám tối đa 30 ngày, 60 ngày hoặc 90 ngày tùy theo tình trạng sức khỏe, phác đồ điều trị và đánh giá của bác sĩ. Quy định mới này đã và đang tạo thuận lợi lớn cho những người mắc bệnh mãn tính như tăng huyết áp, đái tháo đường, hen phế quản… vốn cần điều trị lâu dài, liên tục.

Theo ông Vương Ánh Dương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), Thông tư số 26/2025/TT-BYT là bước điều chỉnh kịp thời, phù hợp với xu thế gia tăng bệnh mạn tính hiện nay ở nước ta; đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho người bệnh, đặc biệt là người dân ở vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo - nơi việc tiếp cận dịch vụ y tế chuyên sâu còn gặp nhiều khó khăn. Trước đây, việc phải đến bệnh viện mỗi tháng để lấy đơn thuốc dù bệnh đã ổn định, thực sự gây ra nhiều phiền toái và gánh nặng cho người bệnh và gia đình.

Việc cấp thuốc BHYT tới 90 ngày đang tạo điều kiện thuận lợi lớn cho người dân nhưng cần cẩn trọng. (Ảnh: TTXVN)

Việc cấp thuốc BHYT tới 90 ngày đang tạo điều kiện thuận lợi lớn cho người dân nhưng cần cẩn trọng. (Ảnh: TTXVN)

Tuy nhiên, thực tế trong quá trình triển khai các bác sĩ cho biết, việc kê đơn thuốc dài ngày cần được cân nhắc thận trọng và không phải tất cả người mắc bệnh lý mạn tính trong 252 bệnh, nhóm bệnh đều được kê đơn thuốc dài ngày hơn so với trước.

Trước đó, Bộ Y tế cũng đã có yêu cầu không áp dụng quy định này một cách đại trà. Bác sĩ phải đánh giá đầy đủ tình trạng lâm sàng, tiên lượng ổn định mới được kê đơn kéo dài. Bộ cũng đặc biệt khuyến cáo, người bệnh và gia đình cũng cần nâng cao ý thức trách nhiệm trong tuân thủ điều trị, bảo quản thuốc đúng cách và theo dõi các dấu hiệu bất thường để kịp thời tái khám khi cần.

Trong lần tái khám gần đây, bà Lê Thị Minh (65 tuổi, ngụ phường Thạnh Mỹ Lợi) không khỏi bất ngờ khi được các bác sĩ Bệnh viện Lê Văn Thịnh kê đơn thuốc 2 tháng thay vì 1 tháng như trước đây. Bà minh mắc bệnh tiểu đường từ hai năm nay, tháng nào cũng phải đến bệnh viện để tái khám và lấy thuốc, mất khá nhiều thời gian đi lại và chờ lấy thuốc. Nhiều bà Minh xin bác sĩ kê đơn thuốc trong hai tháng để hạn chế thời gian đi lại nhưng không được vì liên quan đến Bảo hiểm y tế. Quy định mới đã "cởi trói" cho những người bệnh mạn tính như bà Minh, giúp tiết kiệm được thời gian, chi phí đi lại và đang nhận được những phản hồi tích cực.

Tương tự là phản hồi của ông Võ Văn Điền (75 tuổi, ngụ phường Phú Thọ, Thành phố Hồ Chí Minh) - một bệnh nhân thoái hóa khớp gối: “Tôi bị bệnh xương khớp đi lại rất khó khăn. Mỗi lần tái khám, các con phải thay nhau nghỉ việc để đưa tôi đến bệnh viện. Nay được cấp thuốc 3 tháng một lần như thế này thật tốt”. Hiện tại, ông Điền đang điều trị tại Bệnh viện Quận 11 và được các bác sĩ kê đơn thuốc 3 tháng thay vì 1 tháng như trước đây, 

Theo Bác sĩ Trần Văn Khanh, Giám đốc Bệnh viện Lê Văn Thịnh thì khi áp dụng quy định mới của Thông tư 26/2025/TT-BYT vào thực tế, nhiều bệnh nhân rất vui mừng bởi họ giảm được thời gian phải đi lại tái khám nhiều lần, nhất là những bệnh nhân neo đơn, di chuyển khó khăn, người cao tuổi….

Tuy nhiên, quá trình triển khai quy định mới, các bệnh viện cũng tiếp nhận không ít thắc mắc, phản hồi từ người bệnh, đặc biệt là những người cũng có bệnh lý mãn tính nhưng không được kê đơn thuốc dài.

Theo bác sĩ Phạm Nguyễn Anh Vũ, Phó Giám đốc Bệnh viện Bình Chánh cho biết, trước các thắc mắc của bệnh nhân, bệnh viện phải giải thích rất kỹ bởi không phải trường hợp nào cũng có thể kê đơn thuốc dài ngày. Thông tư  mới thực sự đã giao quyền cho bác sĩ đánh giá, quyết định việc kê đơn thuốc bao nhiêu ngày cho người bệnh. Tuy nhiên, yếu tố an toàn của người bệnh vẫn phải được chúng tôi đặt lên hàng đầu.

Bác sĩ Trần Phủ Mạnh Siêu, Giám đốc Bệnh viện Gò Vấp cũng đồng tình với quan điểm cần cẩn trọng khi kê đơn dài cho các bệnh nhân mạn tính bởi không phải bệnh nhân nào cũng có thể kéo dài lịch tái khám hoặc kê đơn dài ngày. Mỗi người bệnh phải được bác sĩ đánh giá lâm sàng kỹ càng, đảm bảo ổn định và không có biến chứng thì mới xem xét áp dụng. Riêng với những trường hợp đang điều chỉnh liều thuốc, điều trị giai đoạn đầu cần được tái khám đúng hẹn để thực hiện xét nghiệm, đánh giá đáp ứng điều trị và điều chỉnh thuốc khi cần thiết.

Nguyên An (tổng hợp)

comment Bình luận