Các trường học trên địa bàn quận Kiến An: Tích cực tuyên truyền, cải cách nội dung dạy học phù hợp theo thông tư 29

Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư 29 quy định về dạy thêm, học thêm vừa có hiệu lực từ ngày 14-2-2025 được các trường trên địa bàn quận Kiến An thực hiện nghiêm túc và trách nhiệm với một loạt các công tác tuyên truyền, cải cách nội dung dạy học... Tuy nhiên, vẫn còn có những băn khoăn của giáo viên, phụ huynh học sinh về cơ chế và chất lượng giáo dục.
20/02/2025 15:12

 Thực hiện nghiêm túc Thông tư 29

Nhận được các văn bản chỉ đạo trực tiếp từ UBND quận Kiến An, Phòng giáo dục và đào tạo quận Kiến An, đồng chí Nguyễn Thị Liên, Hiệu trưởng Trường THCS Bắc Sơn, quận Kiến An cho biết: Trong các cuộc họp và trên các nhóm nghiệp vụ, Nhà trường đã tích cực truyền thông về thông tư 29 đến cán bộ, giáo viên, nhân viên trong nhà trường. Đồng thời, nhà trường tổ chức các chuyên đề chuyên môn nhằm bồi dưỡng và nhân rộng phương pháp dạy học hiệu quả, sự sáng tạo trong việc sử dụng công nghệ mới trong dạy học. Theo đó, học sinh sẽ chủ động trong việc làm bài tập trắc nghiệm, tự học qua các phần mềm hỗ trợ với sự đồng hành của phụ huynh học sinh. Đối với học sinh lớp 9, nhà trường thực hiện tổ chức ôn tập cho các em theo đúng tinh thần của thông tư 29 để bảo đảm chất lượng đầu ra của nhà trường.

THCS Bac son

Giờ học tại Trường THCS Bắc Sơn, quận Kiến An

Thuộc khối trường tiểu học không có các lớp học thêm tại trường, Hiệu trưởng Trường tiểu học Ngọc Sơn, đồng chí Bùi Thị Phi Nga thông tin: Trường hiện có 1.176 học sinh chia làm 30 lớp học. Từ tháng 1, nhà trường tích cực tuyên truyền thông tư 29 đến toàn bộ giáo viên, nhân viên trong nhà trường. Đến thời điểm hiện tại, nhà trường vẫn tổ chức dạy theo chương trình 2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa dạy kiến thức mới, vừa dạy kiến thức bổ sung. Theo đó, trong buổi học tiết bổ sung các thầy cô sẽ tập trung dạy theo từng khả năng tiếp nhận của học sinh. Nên hiện tại, nhà trường chưa nhận được đơn xin dạy các môn nghệ thuật, kỹ năng sống… của các cô.

Theo thông tin từ Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng, Sở đã có công văn số 311/SGDĐT- GDTrH về việc thực hiện công tác dạy thêm, học thêm theo quy định tại Thông tư 29 ngày 16-1-2025 gửi đến các Phòng Giáo dục Đào tạo quận, huyện, thành phố, các đơn vị trực thuộc. Theo đó, Sở Giáo dục và Đào tạo hiện đang triển khai các văn bản trình UBND thành phố ban hành các quy định về dạy thêm, học thêm theo hướng dẫn của thông tư 29 thay thế cho các văn bản quy định về dạy thêm, học thêm trước đó. Trong thời gian đợi các văn bản hướng dẫn của UBND thành phố, Sở Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các đơn vị trực thuộc, các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố thực hiện nghiêm túc các quy định về dạy thêm, học thêm tại thông tư số 29. Đồng thời, Sở thành lập các đoàn kiểm tra đột xuất tình hình thực hiện trên địa bàn một số quận, huyện trong đó có quận Kiến An. Kết quả ban đầu cho thấy, các phòng giáo dục và Đào tạo, nhà trường thực hiện nghiêm túc quy định dạy thêm, học thêm, tích cực tuyên truyền đến các giáo viên, học sinh, phụ huynh học sinh tạo sự thấu hiểu và đồng thuận.

Cần cơ chế phù hợp

Thấu hiểu và đồng thuận với thông tư 29 nhưng trước bài toán về chất lượng giáo dục, đời sống giáo viên thì cần những quy định hỗ trợ phù hợp. Hiệu trưởng Trường THCS Bắc Sơn, quận Kiến An, đồng chí Nguyễn Thị Liên chia sẻ: Trước tình hình đội ngũ hiện có, để tạo điều kiện cho hoạt động dạy ôn tập cho  học sinh lớp 9 đạt kết quả tốt, rất cần có cơ chế phù hợp hỗ trợ các thầy cô để họ tiếp tục cống hiến, tâm huyết với nghề.

Thầy giáo trường THCS trên địa bàn quận Kiến An, Hải Phòng (xin được giấu tên) đưa ra quan điểm cá nhân của mình: Việc siết chặt dạy thêm, học thêm không chỉ ảnh hưởng đến kết quả học tập của học sinh, mà còn ảnh hưởng đến tâm tư tình cảm của không ít thầy cô giáo, bởi vì lương thì thấp, giáo viên chỉ trông chờ vào tiền thu nhập từ hoạt động dạy thêm. Có lẽ ngành sư phạm tới đây sẽ không còn là ngành có thể thu hút được người tài nếu hoạt động dạy thêm, học thêm bị siết chặt, giáo viên không có thu nhập tăng thêm và Nhà nước không có cơ chế chính sách đặc thù đối với giáo viên. Do vậy, việc thắt chặt quản lý dạy thêm, học thêm là cần thiết, nhưng nên chuyển trọng tâm vào việc quản lý các trung tâm dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường vì tại các trung tâm này hầu như điều kiện cơ sở vật chất không đáp ứng được, thu tiền học cao gấp nhiều lần trong trường, trong khi chất lượng dạy và học lại không có ai kiểm tra, đánh giá.

 Ngay sau khi Thông tư 29 được ban hành, đã nhận được thông tin trái chiều từ các bậc phụ huynh học sinh. Một bộ phận phụ huynh lên tiếng ủng hộ mạnh mẽ quy định này, họ cho rằng, việc cấm dạy thêm sẽ giúp giảm áp lực học tập đè nặng lên vai học sinh, cùng với đó là việc giảm gánh nặng về tài chính cho các gia đình. Không ít phụ huynh lại tỏ ra lo lắng, việc siết chặt hoạt động dạy thêm, học thêm khiến việc quản lý các con ở nhà rất khó khăn? học thêm ở trung tâm có đảm bảo chất lượng không, trong khi hoạt động dạy học lại được coi là một nghề kinh doanh? Chưa kể tiền học ở các trung tâm sẽ cao hơn gấp nhiều lần tiền học thêm trong nhà trường. Anh Nguyễn Văn Phúc ở phường Trần Thành Ngọ, quận Kiến An có con học cấp 3 trên địa bàn quận Ngô Quyền tâm tư: Tôi hoàn toàn đồng ý với việc Bộ Giáo dục và Đào tạo cấm dạy thêm, học thêm đối với bậc tiểu học vì các con còn quá nhỏ, không nên nhồi nhét quá nhiều kiến thức vào đầu, phải để cho các con vừa học vừa chơi. Còn đối với học sinh THCS và THPT, không nên cấm dạy thêm, học thêm trong nhà trường, mà có thể khống chế về thời gian dạy thêm, học thêm như cấm tuyệt đối việc dạy, học thêm vào chủ nhật, học 3 ca/ngày…Việc dạy thêm trong nhà trường chắc chắn sẽ tốt hơn ở trung tâm ngoài trường bởi nó được thực hiện bởi chính các thầy cô giáo đang trực tiếp chủ nhiệm, giảng dạy các con. Từ đó họ sẽ nắm bắt được con nào học được, con nào không học được, con nào hư, con nào ngoan, để ngoài việc giảng dạy về kiến thức, các thầy cô còn uốn nắn, dạy bảo về tư cách đạo đức cho các con. Chưa kể, để bảo đảm chất lượng giáo dục, các trường sẽ tăng cường bài tập tự học cho các con qua những phần mềm trên internet với sự đồng hành của phụ huynh học sinh. Tuy nhiên, hầu hết các gia đình chưa có máy tính, việc tự học sẽ bị ảnh hưởng khi các bậc phụ huynh bận rộn. Chưa kể đến việc ảnh hưởng đến sức khỏe khi các con phải dùng đến điện thoại trong thời gian dài.

Thực tế cho thấy, Thông tư 29 của Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa được ban hành đã nhận được rất nhiều thông tin trái chiều từ dư luận xã hội. Việc siết chặt dạy thêm, học thêm là một bước đi mạnh mẽ của Bộ Giáo dục và Đào tạo nhằm chấn chỉnh tình trạng dạy thêm tràn lan và giảm áp lực cho học sinh. Tuy nhiên, để thông tư đi vào cuộc sống và thực sự đạt hiệu quả, cần phải có những giải pháp, cơ chế đồng bộ, phải lắng nghe ý kiến từ các thầy cô giáo - những người đang trực tiếp giảng dạy, từ phụ huynh học sinh và dư luận xã hội

Trúc Lâm

comment Bình luận

largeer