Các vị thuốc có tác dụng giải biểu (phần 1)

Thuốc giải biểu là những thuốc có tác dụng phát tán, phát hãn (làm ra mồ hôi) giải biểu, giảm đau đầu thúc đẩy ban chẩn, sởi đậu mọc. Thuốc giải biểu được dùng khi hàn tà hoặc nhiệt tà còn ở phần biểu. Có thể chia thuốc giải biểu làm 2 loại để điều trị 2 loại cảm mạo có triệu chứng khác nhau: Thuốc tân ôn giải biểu và thuốc tân lương giải biểu.
14/09/2022 16:02

Vị thuốc quế chi

Tác dụng dược lý: Phát hãn, giải biểu (làm ra mồ hôi), thông dương khí, hành huyết, ấm kinh thông mạch (giảm đau, giảm co quắp).

Quế chi là một vị thuốc giải biểu (làm ra mồ hôi). Ảnh: Internet

Quế chi là một vị thuốc giải biểu (làm ra mồ hôi). Ảnh: Internet

Công năng chủ trị:

- Giải biểu tán hàn, dùng để chữa các bệnh cảm mạo phong hàn, biểu hiện sốt cao, có rét run, không đổ mồ hôi. Khi dùng có thể phối hợp với Ma hoàng trong bài ma hoàng thang với người không ra mồ hôi, với người cảm ra nhiều mồ hôi có thể dùng bài quế chi thang.

- Làm thông dương khí: Những trường hợp dương khí bị ứ trệ, dẫn đến phần nước trong cơ thể bị ngưng đọng gây phù nề, hoặc dùng trong chứng đờm ẩm, khí huyết lưu thông kém có thể sử dụng sinh khương kết hợp với các vị thuốc hành khí khác.

- Làm ấm kinh thông mạch, dùng điều trị các bệnh phong hàn, thấp trệ dẫn đến đau nhức xương khớp, có thể phối hợp với bạch chỉ.

- Hành huyết giảm đau, dùng trong các trường hợp bế kinh đau bụng, thống kinh, phối hợp với xuyên khung, đương quy, ngô thù du, xích thược. Trường hợp thai chết lưu phối hợp với xạ hương, đau bụng do lạnh phối hợp với hương phụ.

- Làm ấm thận hành thủy: Dùng cho chức năng thận suy yếu, tiểu tiện bí tức, hen suyễn phối hợp với mộc thông, uy linh tiên.

Liều dùng: 4- 20 g.

Ứng dụng lâm sàng

Quế chi thang (Thương hàn luận) gồm: Quế chi 12g, Bạch thược 12g, Chích thảo 6g, Sinh khương 12g, Đại táo 4 quả sắc nước uống. Dùng tốt đối với bệnh nhân cơ thể vốn yếu mắc ngoại cảm phong hàn.

Trị chứng phong thấp đau các khớp, không sốt dùng bài: Quế chi phụ tử thang: Quế chi 12g, Phụ tử 12g, Cam thảo 8g, Sinh khương 12g, Đại táo 3 quả, Sắc nước uống ấm.

Hành huyết thông kinh: Trị chứng phụ nữ đau bụng kinh do ứ huyết, thai chết lưu, bụng dưới có cục, tắt kinh, dùng Quế chi phục linh hoàn: Quế chi, phục linh, Đơn bì, Bạch thược, Đào nhân, mỗi thứ 8g sắc nước uống hoặc tán bột mịn làm hoàn.

Bài thuốc trị u xơ tử cung: Quế chi, Đào nhân, xích thược, Hải tảo, Mẫu lệ, Miết giáp mỗi thứ 160g, Phục linh Mẫu đơn bì, Qui vĩ mỗi thứ 240g, Hồng hoa 100g, Nhũ hương, Mộc dược, Tam lăng, Nga truật mỗi thứ 80g, tất cả tán mịn, luyệt mật làm hoàn, mỗi lần uống 10-12g ngày 2-3 lần.

Ôn thận hành thủy: Quế chi có tác dụng thông dương lợi thủy, phối hợp với các vị thuốc ôn thận kiện tỳ lợi thủy khắc trị các chứng phù (trong bệnh viêm thận, thận hư nhiễm mỡ) hoặc đàm ẩm (trong bệnh viêm phế quản mạn), Trị các chứng phù, thường dùng bài Ngũ linh tán (bạch linh, Bạch truật, Trư linh mỗi thứ 12g, Trạch tả 16g, Quế chi 4g, tán bột mịn mỗi lần uống 8-12g hoặc làm thuốc sắc. Trị viêm phế quản hoặc hen phế quản mạn tính. Nhiều đàm dùng bài Linh quế truật cam thang (Bạch linh 12g, Bạch truật 8g, quế chi 8g, Cam thảo 4g sắc nước uống.

Vị thuốc ma hoàng

Ma hoàng dùng toàn cây bỏ rễ và đốt của cây ma hoàng. Ảnh: Internet

Ma hoàng dùng toàn cây bỏ rễ và đốt của cây ma hoàng. Ảnh: Internet

Thuốc có vị cay đắng, tính ấm, quy vào kinh phế và bàng quang kiêm kinh tâm, đại tràng.

Tác dụng dược lý:

- Tác dụng phát hãn: Những trường hợp chỉ dùng lúc nóng ở người thấy có tác dụng làm tăng bài tiết mồ hôi. Thử độc vị trên thực nghiệm chưa thấy rõ.

- Tác dụng giải nhiệt: Tinh dầu ma hoàng có tác dụng hạ nhiệt đối với chuột nhắt bình thường.

- Tác dụng chống co thắt phế quản từ từ  và kéo dài do ephedrin làm  giãn cơ trơn khí quản.

- Tác dụng lợi tiểu: Alcaloid ma hoàng có tác dụng lợi tiểu rõ.

- Có tác dụng làm co thắt cơ vòng bàng quang gây ra ứ nước tiểu.

Công năng, chủ trị:

- Giải cảm hàn do khả năng phát hãn, hạ nhiệt của nó thường được dùng khi cảm gió mưa lạnh, cơ thể bị sốt cao kèm theo rét run, đau đầu, nhức răng, ngạt mũi. Thường phối hợp với quế chi, bạch chỉ.

- Làm thông phế khí, bình suyễn, dùng trong các trường hợp phế khí tắc, dẫn đến ho, suyễn như khi bị cảm hàn có kèm theo ho, hoặc viêm phế quản mạn tính, hen phế quản, ho gà. Có thể phối hợp với thuốc thanh nhiệt hóa đờm.

- Lợi niệu tiêu phù thũng, dùng cho các trường hợp phù mới mắc do viêm thận cấp tính.

Ứng dụng lâm sàng

Ma hoàng thang: Ma hoàng 12g, Quế chi 8g, Hạnh nhân 12g, Chích thảo 4g. Sắc uống ngày 3 lần, uống lúc thuốc nóng khi ra mồ hôi là được, không cần uống tiếp. Tác dụng phát hãn, giải biểu, tuyên phế, bình suyễn.

Ma hoàng thạch cao: Ma hoàng 8g, thạch cao 4g, hạnh nhân 12g, cam thảo 4g. Dùng cho trường hợp khí phế tắc dẫn đến ho.

Trị viêm phế quản cấp tính, viêm phổi có sốt cao, ho, khó thở: Ma hoàng 8g, hoàng cầm 12g, thạch cao 40g, cát cánh 12g, hạnh nhân 8g, bách bộ 8g, cam thảo 8g.

Vị thuốc ngưu bàng tử

Vị thuốc là quả cây ngưu bàng. Vị cay đắng, tính hàn, quy vào kinh phế và vị.

Công năng chủ trị:

- Giải cảm nhiệt, dùng khi phong nhiệt phạm biểu, gây sốt, miệng khô khát, ho khan viêm amidan, khạc ra đờm đặc vàng.

- Giải độc, làm sởi mọc nhanh

- Nhuận tràng thông tiện: dùng cho các trường hợp họng đau có sốt.

Liều dùng: 4 -12 g.

Ứng dụng lâm sàng:

- Dùng ngưu bàng tử 12g, bạc hà 6g, thuyền thoái 6g sắc uống để giải cảm nhiệt.

- Thúc sởi, tống độc: Dùng khi bệnh sởi chưa mọc, phát ban, mụn nhọt.

Bài 1: Ngưu bàng tử 16g,  cát căn 12g, kinh giới tuệ 8g, liên kiều 12g, hạnh nhân 12g, tiền hồ 8g, cát cánh 8g, bạc hà 4g, Sắc uống.

Bài 2: Ngưu bàng tử 8g, kinh giới tuệ 6g, cát cánh 6g, cam thảo 3g, sắc uống trong ngày. Nếu đậu chẩn đã mọc vẫn uống được nhưng không dùng cho người bị đi phân lỏng, tỳ vị hư hàn.

Trừ đờm, dịu hen: Khi phong nhiệt nhiễm vào phổi, ho, hen có đờm.

Bài thuốc: Ngưu bàng tử 12g, kinh giới 12g, cam thảo 4g. Sắc uống ngày 1 thang.

 

Theo Thaythuocvietnam

comment Bình luận

largeer