Điều hành giá cả: Linh hoạt, kịp thời và hiệu quả để ổn định kinh tế vĩ mô

Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới còn nhiều biến động, việc điều hành giá cả tại Việt Nam đang được đánh giá là linh hoạt, kịp thời và hiệu quả, góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ sản xuất - kinh doanh, bảo vệ đời sống người dân.
09/07/2025 13:40

Sáng 9/7, tại Hà Nội, Học viện Tài chính phối hợp với Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề “Diễn biến thị trường, giá cả ở Việt Nam 6 tháng đầu năm và dự báo cả năm 2025”. Hội thảo đã quy tụ nhiều chuyên gia, nhà hoạch định chính sách và đại diện các cơ quan nghiên cứu để phân tích tình hình giá cả và đưa ra các kiến nghị điều hành phù hợp cho nửa cuối năm.

Phát biểu khai mạc, PGS.TS Nguyễn Đào Tùng - Giám đốc Học viện Tài chính cho biết, nền kinh tế Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2025 đã ghi nhận những dấu hiệu khởi sắc rõ rệt. Theo đó, GDP quý II tăng 7,96%, đưa mức tăng trưởng chung 6 tháng lên 7,52% - cao nhất trong vòng hơn một thập kỷ qua.

Động lực tăng trưởng chủ yếu đến từ tiêu dùng nội địa và đầu tư. Tổng mức tiêu dùng tăng 7,95%, trong khi đầu tư toàn xã hội tăng 7,98%. Những kết quả này có được nhờ sự đồng bộ của các chính sách kích thích kinh tế như miễn giảm thuế, đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, hạ lãi suất và mở rộng tín dụng. Ngoài ra, việc điều chỉnh tỷ giá linh hoạt cũng giúp tăng sức cạnh tranh cho xuất khẩu và hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sau đại dịch.

Empty

Quang cảnh buổi hội thảo

Đáng chú ý, trong khi tăng trưởng được cải thiện, lạm phát vẫn được kiểm soát ở mức hợp lý. Tính đến hết tháng 6, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân tăng 3,2% so với cùng kỳ năm trước, nằm trong mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4% mà Quốc hội và Chính phủ đề ra.

Mặc dù đạt nhiều kết quả tích cực, các chuyên gia tại hội thảo cũng chỉ ra rằng 6 tháng cuối năm 2025 vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro, có thể gây áp lực lên thị trường giá cả.

TS Nguyễn Đức Độ, chuyên gia kinh tế thuộc Học viện Tài chính, nhận định rủi ro từ bên ngoài như chính sách lãi suất cao kéo dài tại các nền kinh tế lớn, xung đột thương mại hoặc bất ổn địa chính trị có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng toàn cầu, gián tiếp tác động đến kinh tế Việt Nam.

Trong nước, tỷ giá có xu hướng tăng mạnh trong nửa đầu năm cũng được cho là yếu tố cần theo dõi chặt chẽ, vì có thể đẩy chi phí nhập khẩu tăng, gây áp lực lên giá cả hàng hóa. Bên cạnh đó, giá xăng dầu, dịch vụ công, học phí, y tế và các mặt hàng thiết yếu cũng có thể điều chỉnh theo lộ trình thị trường, ảnh hưởng đến CPI những tháng cuối năm.

Dự báo cho cả năm 2025, TS Nguyễn Đức Độ cho rằng lạm phát sẽ được kiểm soát tốt, ở mức khoảng 3,4%. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này, cần tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa và tiền tệ hợp lý, đồng thời chú trọng theo dõi sát sao diễn biến thị trường để có giải pháp kịp thời.

Tại hội thảo, đại diện Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) khẳng định, việc điều hành giá 6 tháng đầu năm đã được triển khai theo hướng linh hoạt, sát với tình hình thực tế và đạt hiệu quả cao. Cơ quan quản lý đã chủ động theo dõi sát diễn biến thị trường, phân tích xu hướng giá cả, đồng thời phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành để điều hành giá các mặt hàng thiết yếu, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp kiểm soát lạm phát, không để xảy ra tăng giá đột biến gây ảnh hưởng đến đời sống người dân. Việc điều chỉnh giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý sẽ được thực hiện theo lộ trình phù hợp, gắn với khả năng chi trả của người dân và tác động đến chỉ số giá tiêu dùng.

Empty

Các đại biểu tham dự hội thảo

Cục Quản lý giá cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác dự báo, cảnh báo sớm và phối hợp liên ngành để kịp thời xử lý các tình huống bất thường của thị trường. Ngoài ra, cần tăng cường minh bạch thông tin, nâng cao trách nhiệm giải trình trong điều hành giá, từ đó củng cố niềm tin của người dân và doanh nghiệp vào chính sách kinh tế vĩ mô của Chính phủ.

Tổng kết hội thảo, các chuyên gia thống nhất rằng việc điều hành giá cả trong năm 2025 cần tiếp tục phát huy tinh thần “linh hoạt, kịp thời và hiệu quả”, với mục tiêu kép: kiểm soát lạm phát và thúc đẩy tăng trưởng.

Điều này đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành, sự chủ động của doanh nghiệp và sự đồng thuận từ xã hội. Chỉ khi có sự kết hợp hài hòa giữa các chính sách kinh tế vĩ mô và điều hành thị trường giá cả, Việt Nam mới có thể duy trì ổn định kinh tế, bảo vệ đời sống người dân và tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững trong những năm tiếp theo.

Nguyễn Nghị - Thanh Tùng

comment Bình luận