Cách các nước tổ chức Euro giữa COVID-19

Sau một năm hoãn vì COVID-19, Euro được tổ chức tại 10 quốc gia thay vì một nước, với số khán giả hạn chế, biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt.
23/06/2021 21:14

 Giải vô địch bóng đá châu Âu (Euro) khai mạc hôm 11/6 tại sân Olimpico ở Rome bằng trận đấu giữa chủ nhà Italy với Thổ Nhĩ Kỳ. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Euro không diễn ra vào năm chẵn như truyền thống 4 năm một lần, từ khi ra đời năm 1960. Do ảnh hưởng của COVID-19, Liên đoàn Bóng đá châu Âu (UEFA) phải lùi giải đấu đáng lẽ diễn ra từ 12/6 đến 12/7/2020 sang hè năm nay.

10 nước đã tham gia đăng cai giải đấu, với các trận được tổ chức tại 11 sân vận động, bao gồm hai sân tại Anh là Wembley và Hampden Park. 51 trận đấu sẽ diễn ra tại các thành phố Amsterdam, Baku, Bucharest, Budapest, Copenhagen, Glasgow, London, Munich, Rome, St. Petersburg và Seville.

Trong bối cảnh châu Âu vẫn phải nỗ lực đối phó đại dịch, với số ca nhiễm tăng đột biến tại một số quốc gia và lo ngại về những biến chủng virus mới, UEFA được cho là đang đối mặt thử thách đầy khó khăn khi quyết tâm tổ chức Euro với sự xuất hiện của người hâm mộ trên khán đài.

s1

Các cổ động viên trên khán đài sân vận động Puskas Arena ở Budapest hôm 19/6, trong trận đấu giữa chủ nhà Hungary và Pháp. Ảnh: AFP.

Theo bình luận viên Mark Ogden của ESPN, một thay đổi quan trọng được đưa ra nhằm giảm thiểu tác động tiềm ẩn nếu COVID-19 xuất hiện là việc UEFA tăng quy mô các đội tuyển từ 23 cầu thủ lên 26. Điều này nhằm đề phòng trường hợp có cầu thủ nhiễm virus, hoặc phải tự cách ly vì tiếp xúc ca nhiễm.

Nếu bất kỳ đội tuyển nào xuất hiện ca nhiễm COVID-19 trong giải đấu, các cầu thủ hoặc nhân viên phải cách ly. Trận đấu sẽ được hoãn tối đa 48 giờ nếu các đội chỉ còn dưới 13 cầu thủ có thể thi đấu. Những người bổ sung sẽ được triệu tập, nhưng chỉ khi những cầu thủ bị cách ly "rút lui hoàn toàn" khỏi đội hình 26 người, UEFA cho biết. Nếu một đội không thể tiến hành trận đấu trong vòng 48 giờ, kể từ thời gian bắt đầu dự kiến, trận đấu sẽ bị hủy và đội đó bị xử thua 3-0.

UEFA hy vọng những biện pháp hiện nay, nhằm đảm bảo "vòng tròn an toàn" cho các cầu thủ, nhân viên và nhân sự chủ chốt trong các đội tuyển, sẽ giúp hạn chế tối thiểu sự gián đoạn đối với giải đấu. Các cuộc họp báo cũng được tổ chức trực tuyến và không có khu vực để các cầu thủ trả lời truyền thông, nhằm giảm khả năng lây nhiễm virus.

Tất cả địa điểm tổ chức Euro năm nay đều cam kết giảm số lượng khán giả trong sân vận động, trừ thủ đô Budapest của Hungary có kế hoạch lấp đầy 100% sân Puskas Arena. Tuy nhiên, quy trình đảm bảo an toàn tại đây nghiêm ngặt hơn, người hâm mộ cũng phải đáp ứng nhiều yêu cầu, bao gồm xuất trình giấy chứng nhận tiêm chủng hoặc kết quả âm tính với COVID-19 để được phát vòng tay vào sân.

Theo các quy định của địa phương, sân Allianz Arena tại Munich, Đức, sẽ mở cửa cho 14.500 cổ động viên, tương đương 22% sức chứa, trong khi sân Wembley ở London ban đầu dự kiến cho phép tối thiểu 22.500 khán giả, tức là 25% sức chứa.

4 trận đấu tại sân Estadio la Cartuja ở thành phố Seville của Tây Ban Nha sẽ được tổ chức với tối đa 18.000 khán giả, tương đương 30% sức chứa, trong khi tỷ lệ này tại Baku ở Azerbaijan và St. Petersburg của Nga là 50%.

Tuy nhiên, một số địa điểm có thể tăng số lượng khán giả trong quá trình tổ chức, phụ thuộc vào lệnh nới lỏng hạn chế tại mỗi nước. Chính phủ Anh hôm 22/6 thông báo hơn 60.000 cổ động viên sẽ được phép vào sân Wembley để xem các trận bán kết và chung kết Euro, tương đương 2/3 sức chứa. Đây sẽ là đám đông lớn nhất tại một sự kiện thể thao ở Anh sau hơn 15 tháng.

"Chúng tôi đã làm việc vô cùng chặt chẽ với UEFA và Liên đoàn Bóng đá Anh (FA) để vừa đảm bảo thực hiện các biện pháp y tế cộng đồng nghiêm ngặt, vừa cho phép nhiều người hâm mộ đến xem trực tiếp hơn. Trận chung kết hứa hẹn sẽ là khoảnh khắc đáng nhớ trong quá trình hồi phục sau đại dịch của đất nước", Oliver Dowden, Bộ trưởng Kỹ thuật số, Văn hóa, Truyền thông và Thể thao Anh, cho hay.

s2

Các cầu thủ đội tuyển Anh sau trận đấu với đội tuyển Czech tại sân vận động Wembley ở London. Ảnh: AFP.

Bên ngoài sân vận động, khu vực cổ động viên với sức chứa 12.500 người tại quảng trường Trafalgar được mở cửa trong các trận đấu của đội tuyển Anh, cùng các trận bán kết và chung kết. Mặc dù những người có vé mới được vào cửa, việc không cần xuất trình kết quả xét nghiệm COVID-19 khiến Tiến sĩ Sakthi Karunanith, một quan chức y tế Anh, cảnh báo khu vực cổ động viên có thể trở thành "sự kiện siêu lây nhiễm".

Khu vực cổ động viên tại các thành phố tuân theo quy định của địa phương. Trước diễn biến phức tạp của COVID-19 tại Nga, thành phố St. Petersburg, nơi tổ chức 7 trận đấu Euro, bao gồm một trận tứ kết, đã thắt chặt các biện pháp hạn chế như không bán đồ ăn trong khu vực cổ động viên. Thủ đô Moskva, tâm dịch của Nga, đã đóng cửa khu tập trung xem Euro.

Về vấn đề di chuyển, các đội tuyển được phép đi lại tự do giữa những địa điểm tổ chức Euro, nhưng người hâm mộ lại gặp khó khăn do quy định khác nhau của 11 thành phố đăng cai. Azerbaijan miễn cách ly cho cổ động viên những đội tuyển thi đấu ở thủ đô Baku, chỉ cần xuất trình kết quả xét nghiệm âm tính với COVID-19. Hungary cũng có chính sách tương tự.

Chính phủ Nga cũng miễn cách ly cho những người có vé xem các trận đấu ở St. Petersburg. Tuy nhiên, do lo ngại biến chủng Delta đang lan rộng khắp nước Anh, bất kỳ cổ động viên nào nhập cảnh từ Anh đều phải cách ly trong khách sạn Nga trong vòng 14 ngày. Chính quyền Munich ra quy định tương tự, nhưng thời gian cách ly là 10 ngày. Bản thân chính phủ Anh cũng quy định khá chặt chẽ với việc nhập cảnh.

Tuy nhiên, bất chấp hàng loạt biện pháp và quy định để tổ chức một giải đấu mà UEFA cho rằng "muộn còn hơn không", Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vẫn bày tỏ lo ngại trước việc các nước đăng cai Euro nới lỏng biện pháp phòng dịch, trong khi ca nhiễm tại một số nơi đang gia tăng.

"Một số sân vận động tổ chức giải đấu đang tăng số lượng khán giả được cho phép. Chúng ta phải hành động nhanh trước các dấu hiệu cho thấy số ca nhiễm đang gia tăng. Cần mở rộng xét nghiệm và giải trình tự, đẩy mạnh truy vết, tăng tốc tiêm chủng cho những người dễ bị tổn thương và có nguy cơ cao nhất", giám đốc văn phòng khu vực châu Âu của WHO Robb Butler cho biết.

(Theo Vnexperss)

comment Bình luận

largeer