Cách chữa đau đầu tại nhà

Dưới đây là một vài mẹo vặt hoặc điều chỉnh trong cuộc sống có thể giúp bạn chữa khỏi chứng đau đầu ngay tại nhà.
22/11/2022 10:26

Khi nào cơn đau đầu là tình trạng nguy hiểm?

Đau đầu là trạng thái bất thường về sức khỏe phổ biến. Chính vì quá phổ biến nên người bị đau đầu thường chủ quan, không thăm khám mà chủ yếu là dùng thuốc giảm đau loại paracetamol. Thế nhưng, đau đầu cũng là một trong các dấu hiệu cảnh báo những vấn đề nghiêm trọng của sức khỏe thậm chí là triệu chứng của các bệnh lý nguy hiểm có thể gây tử vong nhanh chóng.

Những cơn đau đầu nguy hiểm có xu hướng xảy ra đột ngột và trở nên tồi tệ hơn theo thời gian. Chúng phổ biến hơn ở những người lớn tuổi, người có bệnh lý nền như bệnh tim mạch, rối loạn chuyển hóa… Nếu gặp một trong số các tình trạng đau đầu dưới đây, bạn cần đi khám và nhận sự tư vấn của bác sĩ:

- Cơn đau đầu xảy ra sau một chấn thương hoặc va chạm vùng đầu.

- Đau đầu tăng dần và kèm theo sốt.

- Cơn đau tự phát xuất hiện một cách đột ngột.

- Cơn đau đầu kèm theo tê, yếu, liệt 1 vùng cơ thể, nói khó, mất thăng bằng, bất thường về thị giác như nhìn mờ, nhìn đôi…

- Cơn đau đầu kèm theo các rối loạn trí nhớ, rối loạn hành vi, tính cách.

- Đau đầu kèm theo nôn mửa, cứng gáy.

- Đau đầu trong khi đang mắc một loại ung thư.

- Cơn đau đầu khác với những cơn đau đầu đã xảy ra trong quá khứ.

- Đau đầu tăng lên khi thay đổi tư thế, ho, hắt hơi….

- Đau nửa đầu theo nhịp mạch, nhạy cảm với ánh sáng và âm thanh.

- Đau đầu tăng dần hoặc đau đầu dai dẳng.

- Đau đầu không đáp ứng với các thuốc giảm đau…

- Đau đầu ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, công việc và sinh hoạt.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Cách chữa đau đầu tại nhà

Nếu sau khi thăm khám kiểm tra về tình trạng đau đầu, nếu đó không phải là tình trạng nguy hiểm bạn có thể điều trị chúng tại nhà.

Mỗi nguyên nhân gây đau đầu khác nhau sẽ có hướng điều trị khác nhau.

Sử dụng thuốc Tây y

Đối với những cơn đau đầu không do bệnh lý hoặc không phải tình trạng nguy hiểm (thường là đau đầu do căng thẳng, đau đầu do thức khuya, đau đầu do thay đổi thời tiết…) người bị đau đầu có thể sử dụng các thuốc giảm đau không kê đơn như paracetamol hoặc paracetamol + codein, một số thuốc giảm đau chống viêm như ibuprofen…

Tuy nhiên, không nên lạm dụng các loại thuốc này vì chúng có nhiều tác dụng phụ và chỉ nên coi đó là giải pháp tình thế khi chưa thể đi thăm khám được ngay.

Thuốc nguồn gốc thảo dược

Một số vị thuốc có nguồn gốc thảo dược được dùng nhiều trong các bài thuốc điều trị đau đầu của y học cổ truyền như:

- Thiên ma: Thường dùng trong các bài thuốc trị đau đầu, chóng mặt, đau nửa đầu, đau đầu do tăng huyết áp. Thiên ma có thể dùng trong bài thuốc hoặc dùng trong nấu canh trị đau đầu như canh thiên ma hầm đầu cá, thiên ma hầm thịt gà…

- Câu đằng: Cũng giống như thiên ma, câu đằng cũng được dùng nhiều trong điều trị đau đầu, chóng mặt, co giật, tăng huyết áp. Nó thường dùng cặp với thiên ma trong các bài thuốc.

- Xuyên khung: Là vị thuốc đầu tay trong điều trị các bệnh lý vùng đầu mặt trong đó có đau đầu. Xuyên khung giúp tăng lưu lượng tuần hoàn, trấn kinh an thần. Xuyên khung vừa dùng trong bài thuốc vừa có thể chế biến món ăn.

- Bạch chỉ: Có tác dụng chống viêm, hạ sốt, giảm đau, thường dùng trong điều trị các chứng đau đầu do cảm, đau nửa đầu, đau đầu khi đến kỳ kinh nguyệt… Trong đông y thường sử dụng bộ đôi xuyên khung, bạch chỉ để tăng hiệu quả điều trị.

- Cúc hoa: Là vị thuốc đầu tay trong điều trị các chứng đau đầu do căng thẳng, mất ngủ. Trong đông y thường dùng cúc hoa phối với kỷ tử làm thành hoàn hoặc trà điều trị tốt cho các chứng đau đầu, mắt mờ, khó ngủ…

Mặc dù tương đối an toàn nhưng các vị thuốc cần phối ngũ và theo liều lượng nhất định tùy vào cơ địa và tình trạng bệnh của mỗi người. Bạn vẫn cần tham vấn ý kiến của bác sĩ chuyên khoa trước khi sử dụng.

Chữa đau đầu không cần dùng thuốc

So với phương pháp dùng thuốc thì điều trị đau đầu tại nhà không dùng thuốc thường đơn giản và an toàn hơn. Áp dụng được cho nhiều trường hợp đau đầu do các nguyên nhân khác nhau:

- Ngủ đủ giấc.

- Bấm huyệt: Các huyệt bách hội, nội quan, thái dương, ấn đường, hợp cốc… Mõi huyệt day ấn trong khoảng 30 giây - 1 phút/1 lượt. Tổng thời gian bấm tất cả các huyệt khoảng 30 phút.

- Massage vùng cổ – vai – gáy – da đầu để làm giảm co cứng, cải thiện lưu thông máu lên não.

- Uống đủ nước.

- Nên ăn nhiều trái cây và rau xanh. Bổ sung vitamin nhóm B, magie vào chế độ ăn (hạt bí ngô, cá thu, cá hồi, hạnh nhân, bơ, đậu, bông cải xanh…). Hạn chế ăn các loại thức ăn chế biến sẵn, rượu, chất kích thích, thịt đỏ (thịt bò, thịt trâu, thịt chó…).

- Sử dụng các tinh dầu thảo dược để xông phòng tạo cảm giác thư giãn như tinh dầu oải hương, bạc hà, nghệ tây, lan, nhài…

- Trà gừng có thể tốt trong các trường hợp đau đầu do cảm lạnh.

- Hạn chế căng thẳng, áp lực trong công việc và cuộc sống. Nghỉ ngơi đầy đủ.

- Tập luyện thể dục thể thao: Yoga, thiền, bơi lội đi bộ…

- Sử dụng gối ngủ có chứa thảo dược như gối ngải cứu, gối mạn kinh tử…

Hầu hết các cơn đau đầu đều vô hại và đáp ứng với các biện pháp điều trị đơn giản. Tuy nhiên việc tìm ra nguyên nhân và điều trị đúng cách sẽ luôn đem lại những lợi ích tốt đẹp cho sức khỏe. Hãy luôn coi trọng cơn đau đầu của bạn, tốt nhất bạn nên đi thăm khám để biết chính xác tình hình sức khỏe của mình và nhận sự tư vấn của bác sĩ trước khi quyết định điều trị đau đầu tại nhà.

Theo Thaythuocvietnam

comment Bình luận

largeer