Cách để bảo quản thực phẩm an toàn cho ngày Tết

Dịp Tết mọi người có xu hướng mua nhiều thực phẩm hơn, nhưng nếu chúng ta bảo quản không đúng cách thực phẩm rất dễ bị hỏng. Vậy làm thế nào để bảo quản thực phẩm an toàn cho ngày Tết?
13/01/2022 09:59

Phân loại thực phẩm trước khi bỏ vào tủ lạnh

Thực phẩm khi mua về cần được chia ra làm 3 loại: thực phẩm sống, thực phẩm chín và thực phẩm đóng hộp. Sau đó, sẽ sắp xếp  ba loại thực phẩm này thành từng ngăn riêng biệt trong tủ lạnh.

- Nơi bảo quản thực phẩm tươi sống như thịt, cá là ngăn đá tủ lạnh. Trước khi cho vào hộp hoặc túi ni lông thì bạn nên rửa sạch và cắt miếng phù hợp khi chế biến. Đậy kín hộp và buộc chặt túi rồi cho vào ngăn đá tủ lạnh. Khi chế biến bạn lấy ra rã đông hoàn toàn và nhớ nấu hết thực phẩm đã rã đông.

- Bảo quản rau xanh tươi lâu trong ngày Tết thì bạn phải loại bỏ lá sâu, giập, cắt bỏ rễ và rửa sạch rồi cho vào túi thực phẩm buộc chặt và cho vào ngăn mát tủ lạnh.

- Trái cây thì cũng rửa sạch, để ráo rồi cho vào túi buộc kín đưa vào ngăn mát.

- Với củ quả thì bạn để nguyên, khi nào chế biến mới gọt vỏ và rửa. Nếu nó đã được bảo quản trong tủ lạnh thì khi mua về bạn cũng đưa vào tủ lạnh để bảo quản chúng. Những rau củ quả nào không gọt vỏ thì bạn phải rửa bằng nước muối loãng hay nước rửa rau quả chuyên dụng.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Bảo quản thức ăn nấu chín

- Thức ăn nấu chín nếu bảo quản lâu thì phải để nguội rồi đậy kín mới đưa vào tủ lạnh.

- Món kho như thịt kho trứng vịt, cá lóc kho, măng hầm chân giò, mướp đắng dồn thịt… bạn chỉ nên nấu đủ ăn cho 2 – 3 bữa và không nên hầm đi hầm lại nhiều lần.

- Bảo quản bánh chưng, bánh Tét: khi nấu chín vớt bánh chưng ra thì bạn nên rửa lại bằng nước sạch rồi ép bằng vật nặng để bánh ém chặt lại hơn. Cất bánh nơi thoáng mát và luộc, chiên hoặc hấp lại nếu thấy bánh bị cứng.

- Với món chiên, quay thì bạn đặt vào hộp lớn đổ ngập dầu rồi đặt vào ngăn mát. Khi cần ăn thì lấy đủ phần ăn hâm lại và ăn.

- Bảo quản giò chả, nem chua nếu không có tủ lạnh thì rất dễ bị thiu, hỏng. Bạn nên lột hết lớp vỏ bên ngoài tránh để đổ mồ hôi. Bảo quản trong rổ có lỗ nhỏ nhưng tránh nơi có gió. Giò chả và nem chua nên ăn trong khoảng 2 ngày, nếu bạn chưa ăn kịp nên luộc lại.

Lưu ý: Bạn nên để riêng thức ăn sống và thức ăn nấu chín trong những hộp riêng biệt. Bảo quản kín như vậy giúp thức ăn không bị khô, không bị bốc mùi, không lây nhiễm vi khuẩn sang các món ăn khác.

Không nên sử dụng thực phẩm đã dự trữ quá lâu

Mỗi loại thực phẩm đều có hạn sử dụng riêng, chính vì vậy, cần dán nhãn hạn sử dụng lên từng loại thực phẩm để tránh xảy ra hiện tượng ngộ độc thực phẩm.

Điển hình, thịt gia cầm chưa nấu chín có thể bảo quản trong ngăn mát từ 1-2 ngày, bảo quản trong ngăn đông khoảng 9 tháng (đã cắt), 1 năm (nếu để nguyên con). Cá sống có thể để ngăn mát từ 1-2 ngày, bảo quản trong ngăn đông khoảng 6 tháng. Đối với thịt, gia cầm, cá đã nấu có thể bảo quản trong ngăn mát từ 3-4 ngày, bảo quản trong ngăn đông 2 tháng.

Thường xuyên vệ sinh tủ lạnh

Tủ lạnh là môi trường của rất nhiều vi khuẩn. Do đó, muốn giữ cho thực phẩm, đồ ăn luôn tươi ngon, ta cần thường xuyên lau và dọn tủ lạnh. Lưu ý, khi vệ sinh tủ lạnh, hãy nhớ rút phích cắm tủ lạnh và để tủ xả hơi lạnh trong một thời gian.

Thu Trang (Tổng hợp)

comment Bình luận

largeer