Cách đơn giản giúp giảm triệu chứng viêm mũi dị ứng

Bệnh viêm mũi dị ứng là một bệnh khá phổ biến ở trên thế giới cũng như ở Việt Nam.
05/09/2022 10:45

Theo những thông báo về dịch tế học tỉ lệ mắc các bệnh dị ứng đường hô hấp chiếm từ 10-15% dân số thế giới ở Việt Nam theo điều tra của Khoa Dị ứng-miễn dịch Bệnh viện TMHTW thì viêm mũi dị ứng chiếm 32,2% trong các bệnh về tai mũi họng. Viêm mũi dị ứng thường được chia thành các dạng bao gồm:

Viêm mũi dị ứng theo mùa (thể có chu kỳ): Hay còn gọi là viêm mũi dị ứng thời tiết, thường xảy ra ở một vài thời gian nhất định trong năm.

Viêm mũi dị ứng quanh năm (thể không có chu kỳ): Là tình trạng bất cứ khi nào gặp phải các yếu tố dị ứng thì mũi đều bị kích ứng và viêm.

Các triệu chứng diễn ra trong khoảng thời gian ngắn hoặc kéo dài vài ngày đến cả tuần rồi tự biến mất. Tuy không đặc biệt nghiêm trọng nhưng các triệu chứng kéo dài sẽ gây khó chịu, mệt mỏi, suy giảm miễn dịch, ảnh hưởng đến sinh hoạt, học tập và chất lượng cuộc sống của người bệnh.

Các cách trị viêm mũi tại nhà hiệu quả:

Dùng nước muối sinh lý – Cách trị viêm mũi dị ứng phổ biến nhất

Những triệu chứng khó chịu và phổ biến nhất của viêm mũi dị ứng chính là ngứa mũi và nghẹt mũi. Vì vậy, để làm giảm triệu khó chịu này khi viêm mũi dị ứng xuất hiện, người bệnh chỉ cần rửa mũi với dung dịch nước muối sinh lý NaCl 0,9%. Biện pháp này giúp loại bỏ dễ dàng các dịch nhầy – “thủ phạm” chính gây ra hiện tượng tắc nghẽn mũi. Đồng thời, tính sát khuẩn trong nước muối sẽ làm giảm triệu chứng viêm nhiễm. Tuy nhiên, người bệnh cần tham khảo cách rửa mũi sao cho đúng, tránh làm nước muối chảy ngược vào trong, gây sặc và gây ra nguy cơ viêm họng.

Bổ sung vitamin C

Không chỉ giúp tăng cường hệ miễn dịch, vitamin C còn có khả năng kháng viêm và chống oxy hóa. Do đó, vitamin C là thành phần không thể thiếu trong “công cuộc” kiểm soát và đẩy lùi các triệu chứng viêm mũi dị ứng. Không những thế, vitamin C còn giúp đẩy nhanh tốc độ hồi phục cho người bệnh. Những thực phẩm giàu vitamin C mà người bệnh có thể bổ sung vào các bữa ăn bao gồm:

Các loại trái cây có múi như cam, quýt, chanh, bưởi…

Các loại quả mọng như dâu tây, việt quất, mâm xôi…

Các loại rau củ giàu vitamin C như súp lơ xanh, cà chua, ớt chuông, kiwi…

Xông mặt hoặc ngâm bồn – Cách trị viêm mũi dị ứng nhanh chóng

Hơi nước nóng vừa giúp làm ẩm niêm mạc mũi, vừa giúp làm loãng dịch đờm, từ đó, giúp loại bỏ dễ dàng chúng ra khỏi mũi. Nhờ đó, những triệu chứng khó chịu như nghẹt mũi, chảy nước mũi, đau họng sẽ nhanh chóng thuyên giảm, người bệnh cũng sẽ cảm thấy dễ chịu hơn. Người bệnh có thể thêm vào nước xông một vài giọt dung dịch (bạc hà, tràm trà, sả…) để tăng thêm hiệu quả điều trị. Đối với trẻ nhỏ, việc xông hơi không phù hợp, cha mẹ có thể nhỏ tinh dầu vào nước tắm cho trẻ

Sử dụng nghệ

Với thành phần chính là curcumin, nghệ có khả năng chống viêm, tăng cường hệ miễn dịch. Vì thế, dùng nghệ có thể giúp kiểm soát tốt nhiều dấu hiệu của viêm mũi dị ứng, bao gồm: khô miệng, ho, hắt hơi, chảy nước mũi, khô miệng và nghẹt mũi. Hãy thêm một ít tinh bột nghệ vào các món ăn để giúp tăng hương vị và làm giảm các triệu chứng khó chịu mà viêm mũi dị ứng gây ra.

Sử dụng máy tạo độ ẩm

Viêm mũi dị ứng thời tiết chuyển biến nặng hơn thời tiết chuyển lạnh, khô hanh. Độ ẩm thấp khiến niêm mạc mũi bị kích ứng, khô và dễ ngứa ngáy. Vì vậy ngoài rửa mũi bằng nước muối sinh lý, bệnh nhân có thể dùng máy tạo độ ẩm để cải thiện triệu chứng.

Quan trọng nhất là người bệnh nên hạn chế tiếp xúc với những tác nhân gây bệnh bởi vì viêm mũi dị ứng là bệnh cơ địa. Nếu sau 3 – 5 ngày áp dụng những phương pháp trên mà không thấy hiệu quả, người bệnh hãy nhanh chóng tới gặp bác sĩ để được thăm khám và điều trị phù hợp.

Theo Lao động

comment Bình luận

largeer