Cách phòng bệnh ngộ độc thực phẩm ngày Tết hiệu quả và an toàn

Ngộ độc thực phẩm ngày Tết là một vấn đề nổi trội thời điểm hiện nay khi mà dịp Tết Nguyên đán đang đến gần, lượng thực phẩm tiêu thụ rất nhiều, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm không được đảm bảo. Nếu ngộ độc nhẹ có thể ảnh hưởng hệ tiêu hoá như đau bụng, nôn mửa, tiêu chảy, nặng có thể ảnh hưởng tới các cơ quan quan trọng khác, thậm chí tử vong.
06/02/2024 17:13

Ngộ độc thực phẩm là gì?

Ngộ độc thực phẩm (ngộ độc thức ăn) là hiện tượng người bị trúng độc, ngộ độc do ăn, uống phải những thực phẩm nhiễm khuẩn, nhiễm độc hoặc có chứa chất gây ngộ độc hoặc thức ăn bị biến chất, ôi thiu, vượt quá nồng độ chất bảo quản, chất phụ gia cho phép.

Các triệu chứng thường gặp của ngộ độc thực phẩm

Biểu hiện của ngộ độc thực phẩm thường xuất hiện sau khi ăn, uống các loại thực phẩm nhiễm từ 1-3h hoặc vài ngày, có thể nhẹ như đau bụng quặn từng cơn, buồn nôn, tiêu chảy hoặc biến chứng nặng ảnh hưởng đến tuần hoàn, hô hấp, thần kinh như khó thở, lơ mơ, co giật thậm chí tử vong tuỳ thuộc vào loại nguyên nhân gây ngộ độc:

- Đối với nhóm thực phẩm bị nhiễm độc do vi khuẩn hay độc tố của vi khuẩn: có biểu hiện như buồn nôn, nhức đầu, choáng váng, khó chịu, sốt, đau bụng sau đó có xuất hiện nôn mửa và tiêu chảy nhiều lần, đi toàn nước đôi khi có lẫn máu. Đa số bệnh nhân trở lại bình thường sau 1 đến 2 ngày không để lại di chứng.

- Đối với nhóm thực phẩm bị ô nhiễm độc tố của nấm mốc như độc tố aflatoxin trong các loại thực vật chứa dầu như đậu, đỗ, lạc,… biểu hiện có thể gây tổn thương gan như gây hoại tử gan, xơ gan, ung thư gan, nếu ngộ độc lượng lớn có thể dẫn tới tử vong.

- Đối với nhóm thực phẩm động vật chứa chất độc như cá nóc, cóc,… có thể thấy ngứa rồi tê lưỡi, tê miệng, môi mặt, ngón tay, bàn tay, ngón chân và bàn chân tiếp đó thấy đau đầu và mồ hôi, chóng mặt, choáng váng, đau bụng, buồn nôn và nôn. Ăn tiếp nước bọt tăng hơn có thể dẫn đến loạn ngôn, mất phối hợp, mệt lả, yếu cơ liệt toàn thân, suy hô hấp, tím tái, co giật, tỷ lệ tử vong tới 60% nếu cấp cứu chậm.

- Đối với nhóm thực phẩm thực vật chứa chất độc như nấm độc, khoai tây, măng và một số loại đậu có thể biểu hiện nhiều mức độ, từ nhẹ như đau bụng, nôn mửa, tiêu chảy, đến nặng có thể dẫn tới suy hô hấp, tuần hoàn, co giật thậm chí tử vong.

chebienantoan

Chế biến thức ăn cẩn thận và an toàn (Ảnh: Thaythuocvietnam.vn)

Cách phòng tránh ngộ độc thực phẩm trong ngày Tết

Cẩn thận khi chọn mua các thực phẩm có rủi ro gây ngộ độc cao

Ngày Tết, nhu cầu mua các loại thực phẩm tăng lên, để tránh ngộ độc thực phẩm ngày Tết, người dân cần lưu ý:

- Nên chọn thực phẩm ở những địa chỉ đáng tin cậy, các thực phẩm còn tươi, mới.

- Không mua các loại thực phẩm dập nát, có mùi lạ.

- Đối với thực phẩm chín không mua các thực phẩm có màu sắc lòe loẹt không tự nhiên.

- Nếu là thực phẩm bao gói sẵn thì không nên mua khi thực phẩm không có nhãn hàng hóa, hoặc nhãn không ghi đầy đủ nơi sản xuất, ngày sản xuất, hạn sử dụng.

Bảo quản thực phẩm đúng cách

- Trường hợp phải chế biến hãy chuẩn bị thực phẩm trước khi ăn trong khoảng thời gian lâu hoặc có ý định phải bảo quản thực phẩm còn thừa. Nếu muốn bảo quản nóng thì phải để ở nhiệt độ 60 độ C trở lên hoặc nếu muốn bảo quản lạnh thì phải để ở nhiệt độ 10 độ C trở xuống.

- Thực phẩm chế biến cho trẻ nhỏ nấu chín xong phải cho trẻ ăn ngay và trẻ ăn còn thừa thì bỏ đi.

- Không nên để quá nhiều thực phẩm vẫn còn ấm trong tủ lạnh, thực phẩm trong tủ lạnh quá nhiều không thể lạnh nhanh được khi bên trong của thực phẩm vẫn còn nóng lớn hơn 10 độ C, các loại vi khuẩn có thể phát triển tới mức gây bệnh.

- Để thực phẩm trong các đồ chứa được đậy kín để tránh các loại côn trùng như ruồi, gián kiến, chuột.

- Tránh để lẫn thực phẩm sống và thực phẩm chín, không nên dùng chung dụng cụ chế biến bởi thực phẩm chín cũng có thể bị nhiễm khuẩn gián tiếp bởi thực phẩm sống.

Chế biến thức ăn một cách cẩn thận và an toàn

- Nhiều loại thực phẩm tươi sống như thịt, gà, thịt vịt, các loại thịt khác, trứng và sữa trước tiệt trùng có thể bị nhiễm bệnh bởi các vi sinh vật gây bệnh qua nấu nướng. Có thể diệt được các vi khuẩn gây bệnh này nhưng lưu ý nhiệt độ tất cả các phần của thực phẩm phải đạt được ít nhất là 70 độ C. Nấu chín có nghĩa là phải chín đến cả phần xương.

- Thực phẩm đông lạnh phải được làm tan băng hoàn toàn trước khi nấu.

- Khi sơ chế thực phẩm phải được rửa sạch ít nhất 3 lần, đối với rau quả phải ngâm và rửa kỹ. 

Cẩn thận khi ăn ngoài 

- Ăn uống ở vỉa hè, lề đường từ lâu luôn được khuyến cáo là không đảm bảo vệ sinh, từ khâu chế biến đến bảo quản vì phải phục vụ số lượng khách đông cũng như đảm bảo lợi nhuận, một số cửa hàng lựa chọn thực phẩm không tươi, sạch, bỏ qua nhiều công đoạn để đảm bảo vệ sinh an toàn trong khâu chế biến.

- Chúng ta cần hạn chế ăn uống ở ngoài vỉa hè vào dịp Tết, nếu ăn thì nên tìm những quán ăn uy tín, sạch sẽ, chế biến đảm bảo để tránh ngộ độc thực phẩm ngày Tết.

Giữ vệ sinh sạch sẽ

Rửa tay nhiều lần:

- Rửa tay kỹ trước khi nấu ăn hoặc sau mỗi lần tạm ngừng công việc. Đặc biệt, sau khi thay tã lót cho trẻ em hoặc sau khi đi đại tiện, sau khi thái rửa thực phẩm sống như cá, thịt, gia cầm hoặc rửa tay trước khi chế biến thực phẩm khác.

- Nếu tay bị nhiễm trùng phải băng lại khi tiếp xúc với thực phẩm và nấu nướng.

- Cần chú ý là những vật nuôi trong nhà như chó, mèo, chim, gà đặc biệt là rùa và ba ba thường là nơi chứa mầm bệnh và có thể truyền qua bàn tay vào thực phẩm.

Nơi chế biến và dụng cụ chế biến bảo quản thực phẩm phải thật sạch sẽ:

- Tất cả các đồ dùng để đựng thực phẩm ở các nơi sơ chế thực phẩm phải giữ sạch.

- Giẻ lau bát đĩa và dụng cụ cần được thay thường xuyên và luộc khi dùng lại.

- Nên để tách riêng giẻ lau nhà với giẻ lau bát đĩa.

Sắp đến những ngày giáp Tết, nhu cầu ăn uống vào ngày Tết rất nhiều, nguy cơ ngộ độc thực phẩm cao, chính vì vậy chúng ta nên nắm vững những kiến thức kể trên về các biểu hiện của ngộ độc thức ăn và cách phòng bệnh ngộ độc thực phẩm ngày Tết hiệu quả và an toàn.

 Theo Thaythuocvietnam.vn

comment Bình luận

largeer