Cách phòng tránh đột quỵ ở người cao tuổi khi trời lạnh

Thời tiết lạnh, người cao tuổi dễ bị tổn thương mạch não, cơ chế điều hòa tuần hoàn não cũng kém hơn bình thường nên dễ dẫn đến đột quỵ.
07/01/2023 12:04

Theo Sở Y tế tỉnh Cao Bằng, đột quỵ là bệnh lý cấp tính, không có dấu hiệu báo trước. Tuy nhiên ở giai đoạn sớm thường bắt đầu với các triệu chứng như xây xẩm chóng mặt, mặt lệch, tê yếu tay chân, đi không vững hay méo miệng, nói khó, nuốt nghẹn, uống sặc, mắt mờ...

Đột quỵ ở người cao tuổi là tình trạng phổ biến, có đến 66% trường hợp là những người trên 65 tuổi. Đặc biệt, trong thời tiết lạnh, người cao tuổi dễ bị tổn thương mạch não, cơ chế điều hòa tuần hoàn não cũng kém hơn bình thường dẫn đến đột quỵ.

phong-soc-nhiet-troi-ret-cao-bang-16721364147851837340137-16721364690731338213422-crop-1673023690711977650680

(Ảnh minh hoạ)

Đột quỵ có hai dạng là đột quỵ do thiếu máu não (chiếm 80%) và vỡ mạch máu não. Tất cả đều gây tổn thương mạch máu não. Bệnh xuất hiện ở cả người trẻ và người già, song người cao tuổi có nhiều yếu tố nguy cơ thuận lợi dẫn đến xuất hiện đột quỵ hơn.

Theo đó, nguyên nhân gây nên chứng đột quỵ có thể do chảy máu não vì tăng huyết áp hoặc nhồi máu não vì tắc nghẽn mạch máu. Nếu do chảy máu não, các triệu chứng bệnh lý thường xảy ra đột ngột. Nếu do nhồi máu não thì những triệu chứng bệnh lý xuất hiện một cách từ từ trong vòng nhiều giờ.

Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới, tại nước ta, đột quỵ là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong và tàn phế. Mỗi năm nước ta có hơn 200.000 ca đột quỵ, trong đó có đến 50% số ca đột quỵ diễn biến xấu đi và tử vong... Một số bệnh nhân đột quỵ đã không trở lại cuộc sống bình thường để lại di chứng lớn và là gánh nặng cho gia đình và xã hội.

Đột quỵ là một trong ba nguyên nhân gây tử vong hàng đầu, chi phí tốn kém mà hiệu quả không cao, thường để lại di chứng nặng nề như tàn phế, liệt, khiếm khuyết một chức năng nào đó, không thể sinh hoạt một cách bình thường, sống thực vật.

Phần lớn những người sống sót sau cơn đột qụy có thể phục hồi các chức năng theo thời gian. Tuy nhiên, có đến 25% người bị khuyết tật nhẹ và 40% người bị khuyết tật từ vừa đến nặng. Các nghiên cứu cho thấy, 60 - 70% người bệnh sau đột quỵ phải có sự trợ giúp một phần hay hoàn toàn, trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội. Vì vậy, nếu chẳng may bị đột quỵ, việc phát hiện sớm rất có lợi cho người bệnh, có thể hạn chế khả năng tử vong cũng như di chứng sau đó.

Do đó, phát hiện sớm những triệu chứng của đột quỵ, điều trị kịp thời cũng như chú ý quan tâm đến các biện pháp phòng ngừa bằng dinh dưỡng, bằng lối sống hợp lý thì tỷ lệ tử vong và biến chứng do đột quỵ sẽ giảm đi đáng kể.

Đối tượng nào dễ mắc đột quỵ?

- Những người tăng huyết áp mà không được phát hiện và điều trị, tăng huyết áp làm gia tăng gấp 4 lần nguy cơ đột quỵ so với những người không bị tăng huyết áp. Nguy cơ tử vong sẽ tăng gấp đôi khi huyết áp tối đa tăng.

- Bệnh tim mạch: bệnh van tim, thiếu máu cơ tim, rung nhĩ.

- Đái tháo đường thường gây nhồi máu não, nguyên nhân là do insulin tăng cao trong máu có thể gây tăng tuần hoàn và tăng lắng động các xơ vữa động mạch, làm cho thành mạch máu não ngày càng hẹp đi, cuối cùng dẫn đến đột quỵ.

- Rối loạn lipid máu và béo phì: các nghiên cứu cho thấy nồng độ các chất mỡ trong máu và tình trạng béo phì ở các mức độ khác nhau đều làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, đặc biệt là tăng huyết áp, nhồi máu cơ tim, dễ dẫn đến tình trạng đột quỵ.

- Ngoài ra các yếu tố khác cũng đưa đến tình trạng đột quỵ như hút thuốc lá, bệnh mạch máu ngoại biên, uống nhiều rượu bia…

Các dấu hiệu cảnh báo đột quỵ

Triệu chứng đột quỵ thường xảy ra đột ngột với rất ít những triệu chứng báo trước. Những dấu hiệu cảnh báo thường xuất hiện:

- Đột ngột đau đầu dữ dội, choáng váng, buồn nôn…

- Đột ngột xuất hiện cảm giác tê mặt, tay chân một bên hoặc liệt nửa người.

- Đột ngột nói đớ, nói khó khăn hoặc nói lẫn lộn.

- Đột ngột thấy mắt mờ hoặc không nhìn thấy hoặc nhìn đôi.

- Đi tiểu không tự chủ.

- Mất ý thức: người bệnh đột ngột lú lẫn không biết gì, khó đánh thức hoặc đột ngột hôn mê, đôi khi tử vong.

Một số người chỉ bị đột quỵ nhẹ hoặc những triệu chứng trên có thể xảy ra nhưng sau đó biến mất trong vòng 24 giờ được gọi là "cơn thoáng thiếu máu não". Thiếu máu não thoáng qua là những dấu hiệu báo trước sắp xảy ra một cơn đột quỵ nặng thực sự. Vì vậy, người bệnh cần đến khám bác sĩ để được điều trị triệt để nhằm phòng tránh mối nguy hiểm đe dọa tính mạng trong tương lai

Phòng ngừa đột quỵ ở người lớn tuổi

Để việc phòng ngừa đột quỵ, các bác sĩ khuyến cáo, người dân nên thường xuyên kiểm tra huyết áp, mỡ máu, tim mạch, không chỉ có nguy cơ đột quỵ xảy ra với người già, người trẻ cũng nên chụp CT mạch não hoặc cộng hưởng từ để tầm soát dị dạng mạch não.

Đặc biệt trong những ngày thời tiết rét đậm kéo dài, mọi người luôn phải mặc ấm, hạn chế tối đa việc ra ngoài vào ban đêm hoặc dậy sớm tập thể dục khi ngoài trời lạnh sâu. Tránh những nơi gió lùa, không nên thay đổi cơ thể nóng lạnh đột ngột. Ngoài ra, nên đi ngủ và thức dậy đúng giờ, tập thể dục, uống nhiều nước ấm vào sáng sớm lúc mới ngủ dậy, ăn đủ bữa trong ngày, nhất là bữa sáng.

Ăn nhiều rau xanh, hoa quả, đậu nành, nhiều cá, ít thịt. Sử dụng vừa phải lượng muối, mỡ trong món ăn, bỏ thuốc lá, hạn chế rượu bia...

Riêng với người bị tăng huyết áp, cần tuân thủ lối sống khoa học, kiểm soát tốt chỉ số huyết áp, nhằm ngăn ngừa bệnh đột quỵ có thể xảy ra.

Không tự ý sử dụng thuốc điều trị bệnh khi chưa được thăm khám và tư vấn của bác sĩ. Những người mắc bệnh mãn tính như: Tăng huyết áp, tim mạch, tiểu đường... cần tuyệt đối tuân thủ y lệnh của bác sĩ trong quá trình theo dõi sức khỏe và sử dụng thuốc điều trị bệnh tại nhà.

Đặc biệt ở người cao tuổi, cần kiểm soát tăng huyết áp; giải quyết rối loạn mỡ máu; quản lý bệnh đái tháo đường; dùng thuốc chống đông theo chỉ định của bác sĩ…

Việc tuân thủ các biện pháp trên rất quan trọng ở người cao tuổi, đặc biệt là bệnh nhân bị rung nhĩ. Do rung nhĩ là rối loạn nhịp tim liên quan nhiều nhất đến đột quỵ tắc mạch máu não hay nhồi máu não ở những người dưới 75 tuổi. Tuy vậy, nếu tuân thủ dùng thuốc chống đông theo đơn của bác sĩ giúp phòng ngừa 60-70% nguy cơ đột quỵ.

Theo VTV

comment Bình luận

largeer