TP.HCM nâng tầm y tế cơ sở: Biến trạm y tế thành “bệnh viện mini”

Trong nỗ lực củng cố hệ thống chăm sóc sức khỏe ban đầu, TP.HCM đang đẩy mạnh chuẩn hóa các trạm y tế phường, xã theo hướng hiện đại, chuyên sâu hơn. Không chỉ đơn thuần là nơi khám chữa bệnh thông thường, các trạm y tế sẽ được đầu tư để hoạt động như “bệnh viện thu nhỏ”, góp phần giảm tải cho tuyến trên và nâng cao chất lượng phục vụ ngay từ cơ sở.
11/07/2025 14:06

Sau hợp nhất, TP.HCM có 168 trạm y tế xã, phường và 298 điểm trạm. Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, Thành phố sẽ chuẩn hóa ít nhất 125 trạm y tế có diện tích trên 500 m², được đầu tư đầy đủ các khoa, phòng, trang thiết bị y tế cần thiết để đáp ứng yêu cầu chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế và định hướng phát triển y tế cơ sở, TP.HCM đang từng bước triển khai mô hình “trạm y tế điểm” tại các địa phương. Theo đó, mỗi trạm y tế sẽ được nâng cấp về cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân lực, đáp ứng tiêu chí về môi trường khám chữa bệnh hiện đại, an toàn, thân thiện.

Ông Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết mục tiêu của thành phố là chuẩn hóa toàn bộ hệ thống trạm y tế để hoạt động hiệu quả như các bệnh viện tuyến quận, huyện. Trạm y tế không chỉ khám bệnh bảo hiểm y tế, mà còn triển khai các dịch vụ y tế dự phòng, quản lý bệnh mạn tính, tiêm chủng, chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em...

Các trạm y tế được đầu tư đầy đủ các khoa, phòng, trang thiết bị y tế cần thiết để đáp ứng yêu cầu chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân.   Ảnh minh họa: Mai Trang - TTXVN

Các trạm y tế được đầu tư đầy đủ các khoa, phòng, trang thiết bị y tế cần thiết để đáp ứng yêu cầu chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân. Ảnh minh họa: Mai Trang - TTXVN

Tính đến nay, TP.HCM đã triển khai 53 trạm y tế điểm tại 22 quận, huyện và TP Thủ Đức. Các trạm này đều được trang bị máy siêu âm, máy điện tim, xét nghiệm đường huyết, mỡ máu… Bên cạnh đó, nhân lực cũng được tăng cường với các bác sĩ trẻ tình nguyện về tuyến cơ sở, đặc biệt là từ các bệnh viện lớn như Bệnh viện Nhân dân 115, Bệnh viện Nhi đồng, Bệnh viện Ung bướu…

Ngoài ra, mô hình bác sĩ gia đình cũng được đẩy mạnh tại các trạm y tế. Điều này không chỉ giúp người dân được quản lý sức khỏe toàn diện mà còn tạo sự gắn bó lâu dài giữa bác sĩ và người bệnh. Thay vì phải lên tuyến trên, người dân có thể tiếp cận dịch vụ y tế chất lượng ngay tại địa phương.

Theo lãnh đạo ngành Y tế Thành phố nhận định, các trạm y tế là nơi gần dân nhất, dân tin nhất, phải trở thành “cửa ngõ” trong chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Người dân sẽ được khám, phân loại và điều trị bước đầu tại tuyến cơ sở, chỉ chuyển tuyến khi thực sự cần thiết.

Dù đạt nhiều kết quả tích cực, việc thu hút bác sĩ về tuyến y tế cơ sở vẫn là một thách thức lớn. Sở Y tế TP.HCM đang kiến nghị cơ chế ưu đãi đặc biệt như tăng thu nhập, tạo điều kiện học tập, chuyển tuyến, để giữ chân nhân lực chất lượng cao.

Mỗi trạm y tế tại TP.HCM sẽ trở thành một

Mỗi trạm y tế tại TP.HCM sẽ trở thành một "bệnh viện mini" để gần gũi và kịp thời hơn với người dân.

Thống kê cho thấy, sau hợp nhất, dân số Thành phố tăng từ hơn 9,9 triệu lên 13,7 triệu người; số bệnh viện tăng từ 134 lên 164 cơ sở. Tuy nhiên, tỷ lệ giường bệnh lại giảm từ 42 giường/10.000 dân xuống còn 35 giường/10.000 dân. Đây là thách thức rất lớn trong bảo đảm dịch vụ y tế chất lượng cho người dân.

Trong bối cảnh dân số đông, nhu cầu khám chữa bệnh ngày càng tăng, việc chuẩn hóa và hiện đại hóa trạm y tế theo mô hình bệnh viện thu nhỏ được kỳ vọng là giải pháp lâu dài, góp phần xây dựng hệ thống y tế công bằng, hiệu quả và bền vững cho thành phố.

Nguyên An (tổng hợp)

comment Bình luận