Cách trị tiêu chảy theo phương pháp y học cổ truyền

Tiêu chảy theo Y học cổ truyền có bệnh danh là tiết tả. Tiết chỉ tình trạng phân lỏng, loãng, khi đi khi ngừng, số lần đi thưa. Tả là tình trạng phân lỏng loãng, đi xổ ra như dội nước, nhanh và gấp. Thường tiêu chảy có bao gồm cả 2 quá trình trên nên gọi chung là tiết tả.
28/11/2022 15:31

Theo thời gian bị bệnh, tiết tả cũng bao gồm 2 loại chính là bạo tả (cấp tính, thường do ngoại cảm, thương thực) và cửu tiết (thường do rối loạn công năng tạng phủ).

Nguyên nhân tiêu chảy và cơ chế bệnh sinh

Nguyên nhân tiêu chảy bao gồm cả 3 loại: Nội nhân, ngoại nhân và bất nội ngoại nhân:

Do cảm phải ngoại tà

Do cảm phải ngoại tà (Phong, Hàn, Thử, Thấp, Nhiệt) mà chủ yếu là do thấp làm tỳ vị bị tổn thương, mất chức năng kiện vận, không phân biệt được thanh trọc, thăng giáng thất thường sinh ra tiết tả.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Do thương thực

Ăn uống không điều độ, ở không thích nghi, làm thức ăn đình trệ lại; hoặc ăn quá nhiều thức ăn béo bổ, sống lạnh làm cho chức năng vận hóa của tỳ vị bị ảnh hưởng.

Do tỳ vị dương hư

Tỳ vị hư yếu hay tỳ vị hư hàn. Khi đó tỳ vị mất chức năng vận hóa làm thức ăn đình trệ, tỳ khí bị hạ hãm, thanh khí không thăng gây ra tiết tả.

Do thận dương hư

Do thận dương hư hoặc mệnh môn hỏa suy: Bệnh lâu ngày hoặc tiết tả kéo dài làm cho thận dương bị tổn thương, không ôn ấm được tỳ dương. Trung dương không đủ không vận hóa được thủy cốc, âm hàn nhiều làm hại tỳ vị gây ra tiết tả.

Do tình chí thất điều

Tình chí thất điều làm can khí uất kết, can mộc khắc tỳ thổ. Hoặc do tỳ khí vốn hư yếu, can khí thừa cơ xâm phạm làm hại thêm tỳ khí khiến quá trình vận hóa bị rối loạn gây ra tiết tả.

Cách trị tiêu chảy theo y học cổ truyền

Dùng sắn dây, cam thảo, mã đề

Thành phần: 50g sắn dây; 20g cam thảo dây; 20g mã đề thảo.

Cách làm: Sắc với khoảng 400ml nước cho tới khi lượng nước còn lại khoảng 1 nửa thì dùng được.

Cách dùng: Người lớn uống 2 lần/ngày; Trẻ em uống 3-4 lần/ngày.

Dùng sắn dây, kim ngân hoa, rau má, cam thảo

Thành phần: 12g sắn dây; 12g kim ngân hoa; 10g mã đề; 12g rau má; 10g cam thảo dây; 12g hậu phác; 10g hoàng liên.

Thực hiện: Sắc lấy nước uống.

Cách dùng: Uống 2-3 lần/ngày.

Dùng chuối tiêu xanh

Gọt mỏng lớp vỏ xanh bên ngoài quả chuối tiêu, sau đó xay nhuyễn rồi nấu cùng cháo cho bé ăn, chứng tiêu chảy của trẻ sẽ giảm.

Dùng búp ổi

Hái một vài búp ổi non, rửa sạch, sắc lấy nước uống.

Dùng gừng tươi và chè khô

Thành phần: 100g gừng tươi; 1 ít chè khô.

Thực hiện: Cho gừng tươi và chè khô vào đun cùng với 1 lượng nước vừa đủ (khoảng 800ml) cho tới khi còn khoảng 600ml nước; Cho thêm khoảng 15ml giấm gạo, sau đó tắt bếp.

Cách dùng: Uống 3 lần/ngày.

Theo Nội khoa Việt Nam

comment Bình luận

largeer