Cách xử lý khi bị say nắng vào mùa hè tuyệt đối không nên bỏ qua

Mùa hè nhiệt độ không khí cao cộng với việc phải tiếp xúc với ánh nắng ngoài trời lâu hoặc lao động cường độ cao dưới nắng dễ khiến chúng ta bị say nắng. Vậy, khi bị say nắng, chúng ta nên xử lý thế nào để người bị say nhanh chóng hồi phục và không bị ảnh hưởng đến sức khỏe.
30/03/2021 16:16

Say nắng là gì? Biểu hiện của say nắng

Say nắng là tình trạng khá phổ biển xảy vào mùa hè, nhất là đối với những người lao động thường xuyên ngoài trời, người già, trẻ em, người có sức chịu nóng kém. 

Các bác sĩ đã chỉ ra, say nắng là tình trạng rối loạn thần kinh trung ương và các cơ quan trong cơ thể do thân nhiệt tăng quá cao. Không chỉ có biểu hiện mệt mỏi, hoa mắt chóng mặt, nhức đầu…mà người bị say nắng còn có thể dẫn đến co giật, đột quỵ. Nếu không xử trí kịp thời có thể dẫn tới di chứng thần kinh không hồi phục hoặc tổn thương đa cơ quan và tử vong.

lao dong ngoai troi

Người làm việc cường độ cao dưới nắng có thể bị say nắng. Hình minh họa.

Thông thường, người say nắng thường có một số biểu hiện như sau:

Có biểu hiện sốt cao trên 39,8 độ C, lúc đầu thở sâu, mạch nhanh, sau đó là thở nông và mạch yếu, đồng tử giãn, lú lẫn, mê sảng, co giật, ngất.

Sờ vào da thấy da nóng và khô.

Người mệt lả, đau đầu, khó ở, đỏ mặt, nôn mửa và tiêu chảy.

Đối với trẻ em bị say nắng sẽ có biểu hiện mệt mỏi, mắt lờ đờ, cơ thể nóng ran, mặt đỏ gay, thân nhiệt có thể lên đến 40-41 độ C; nhịp thở nhanh nông; mạch yếu, khó bắt hoặc không bắt được. Nếu trẻ bị nặng có thể lên cơn co giật, hôn mê.

Cách xử lý khi bị say nắng: Khi phát hiện có người bị say nắng cần nhanh chóng đưa người bệnh ra chỗ mát, thoáng gió, cởi bớt quần áo, chườm nước mát để hạ thân nhiệt, có thể tưới nước mát lên cơ thể kết hợp với quạt nhưng không nên ngâm trong nước mát vì gây co mạch ngoại vi làm giảm thải nhiệt. Cho người bệnh uống nước đường pha chút muối, hoặc oresol. Nếu xuất hiện các triệu chứng như vật vã, co giật, hôn mê cần đưa ngay tới bệnh viện để cấp cứu.

Một số việc sai lầm khi xử trí người bệnh bị say nắng

say nang

Hình minh họa.

Nhiều người cho rằng, người bị say nắng cần phải uống nhiều nước hoặc cần phải đưa ngay vào chỗ mát, nhiệt độ càng thấp càng tốt, ví dụ đưa vào khu vực có điều hòa... nhưng đây là việc làm tai hại có thể phản tác dụng.

Với việc cho người bệnh uống nhiều nước cùng một lúc không những ảnh hưởng đến chức năng tiêu hóa mà còn làm loãng dịch dạ dày, khiến cơ thể ra quá nhiều mồ hôi, từ đó gây mất nước và lượng muối trong cơ thể. Trường hợp nghiêm trọng còn gây chuột rút đường đột.

Cũng không nên chuyển người bệnh đến khu vực nhiệt độ quá thấp vì có thể gây ra sự biến đổi nhiệt độ đột ngột khiến cơ thể chưa thích ứng được, dễ gây ra tình trạng nguy hiểm.

Một số việc không nên làm khác khi bị say nắng liên quan đến việc ăn uống như:

- Không nên cho ăn hoa quả lạnh: Những người thường xuyên bị say nắng khi ra ngoài trời thường bị suy nhược về tì và vị (dạ dày), nếu ăn quá nhiều hoa quả lạnh, những thực phẩm tính hàn dễ làm tổn thương đến dạ dày, gây trướng bụng, tiêu chảy, đau bụng.

- Không ăn thực phẩm nhiều dầu mỡ: Sau khi bị cảm nắng, tuyệt đối tránh xa các loại thực phẩm nhiều dầu mỡ, để phần nào giúp cơ thể thích ứng với chức năng tiêu hóa của dạ dày trong mùa hè oi bức. Nếu ăn quá nhiều thực phẩm chiên rán nhiều dầu mỡ, dạ dày bị tăng thêm gánh nặng khiến lượng lớn máu của cơ thể dồn đọng ở đường tiêu hóa, lúc đó sẽ thiếu máu để đưa lên não, làm cho cơ thể có cảm giác mệt mỏi hơn, chứng khó tiêu hóa lại thêm trầm trọng.

- Không nên ăn nhiều thực phẩm giàu dinh dưỡng: Sau khi bị say nắng, hơi nóng vẫn chưa hoàn toàn hạ hỏa. Việc ăn uống các loại thực phẩm quá giàu chất dinh dưỡng không những chẳng có tác dụng giải cơn say nắng, ngược lại còn kéo dài thêm khí nóng trong người, gây thêm mệt mỏi và hại cho đường tiêu hóa.

Lưu ý: Để phòng tránh bị say nắng vào mùa hè, chúng ta nên uống nhiều nước, nghỉ ngơi hợp lý, không làm việc quá lâu dưới nắng. Mặc quần áo bảo hộ, mặc đồ thấm hút mồ hôi tốt...

Lưu Huỳnh (tổng hợp)

comment Bình luận

largeer