Cần cẩn trọng trước tình trạng đổ nhiều mồ hôi

Đổ mồ hôi là cơ chế làm mát tự nhiên của cơ thể khi thân nhiệt tăng cao vì môi trường nóng hoặc do vận động thể chất. Tuy vậy, các chuyên gia da liễu cho biết đôi khi tình trạng đổ mồ hôi quá nhiều có thể đến từ các nguyên nhân khác.
20/07/2022 16:21

Điều gì quyết định lượng mồ hôi đổ ra?

Trên thực tế, lượng mồ hôi mà chúng ta tiết ra phần lớn được quyết định bởi 2 yếu tố là đặc điểm di truyền và môi trường sống. Theo Giáo sư Sarah Everts tại Đại học Carleton (Canada), đặc điểm di truyền quyết định số lượng tuyến mồ hôi (một người bình thường có từ 2-5 triệu tuyến mồ hôi) và tốc độ đổ mồ hôi.

Còn xét về môi trường sống, nhiều nhà sinh học cho rằng giai đoạn đầu đời là khoảng thời gian các tuyến mồ hôi hoạt động tích cực. Bởi lúc này cơ thể chưa phát triển hoàn thiện, đang học hỏi về môi trường sống cũng như học cách điều chỉnh hoạt động của tuyến mồ hôi. Về sau, cơ thể chúng ta sẽ tự điều chỉnh tốc độ đổ mồ hôi khi đi đến vùng khí hậu nóng hơn hoặc tập luyện trong không gian nóng và ẩm hơn.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Nhưng nếu mồ hôi ra quá nhiều mà không liên quan đến nhiệt độ môi trường hoặc vận động thì rất có thể bạn đang mắc chứng tăng tiết mồ hôi, với hai dạng chính là nguyên phát và thứ phát. Trong đó, tăng tiết mồ hôi nguyên phát thường không rõ nguyên nhân và gây tăng tiết mồ hôi ở vùng nách, bàn tay và bàn chân. Tình trạng này gây cản trở sinh hoạt hằng ngày và khiến bệnh nhân thấy thiếu tự tin. Trái lại, tăng tiết mồ hôi thứ phát có thế do nhiều bệnh lý nghiêm trọng hơn (như tiểu đường, suy tim hoặc bệnh cường giáp), do tác dụng phụ của một số loại thuốc (như thuốc chống trầm cảm, opioid, trị đau nửa đầu, bệnh Parkinson và ung thư vú).

Làm gì khi bị tăng tiết mồ hôi?

Một người bình thường tiết ra ít nhất 1 lít mồ hôi/ngày, trong khi bệnh nhân tăng tiết mồ hôi có thể đổ mồ hôi gấp 5 lần lượng này. Tuy chưa thể chữa trị dứt điểm, nhưng có nhiều biện pháp để kiểm soát lượng mồ hôi tiết ra, như bôi thuốc, uống thuốc và tiêm thuốc. Ví dụ, thay vì dùng sản phẩm khử mùi, bệnh nhân có thể sử dụng các sản phẩm chống mồ hôi có chứa các thành phần như nhôm, giúp chặn tuyến mồ hôi lại và khiến nó không thể tiết ra mồ hôi.

Trong trường hợp đổ mồ hôi quá mức gây ảnh hưởng đến chất lượng sống, bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ để lựa chọn phương pháp điều trị thích hợp, cũng như giảm bớt tình trạng chảy mồ hôi liên tục của bản thân.

Theo Real Simple

comment Bình luận

largeer