Cần Thơ: Có 8 bệnh viện dã chiến với quy mô 2.400 giường

Tại Cần Thơ, số ca dương tính với SARS-CoV-2 phát hiện mỗi ngày đã tăng lên mức 3 con số. Ban chỉ đạo phòng chống dịch thành phố Cần Thơ đã quyết định thành lập và đưa vào hoạt động ngay các bệnh viện dã chiến quy mô lớn.
27/07/2021 08:26

Trường Chính trị TP Cần Thơ là trụ sở của Bệnh viện dã chiến số 1, có quy mô 600 giường, sẽ tiếp nhận, phân loại, cấp cứu điều trị cho những bệnh nhân ở mức độ trung bình, vừa và nhẹ. Ngoài ra, 3 bệnh viện dã chiến khác là Bệnh viện dã chiến số 2, Bệnh viện dã chiến Phong Điền và Bệnh viện dã chiến Thốt Nốt.

Như vậy, hiện nay TP Cần Thơ có 8 bệnh viện dã chiến, với quy mô 2.400 giường.

Sau hơn 1 tuần giãn cách xã hội theo nguyên tắc Chỉ thị 16 của Chính phủ, nhiều địa phương tại ĐBSCL đang khẩn trương tận dụng thời gian này để khống chế dịch bệnh.

benh-vien-da-chien-so-2cantho-plo-1627326857978928084156

Tín hiệu tích cực nhất và dễ nhìn thấy nhất là ý thức chấp hành quy định phòng chống dịch của người dân. Như tại thành phố Cần Thơ, số người và phương tiện ra đường vào ban ngày rất ít.

Hiện địa phương đã cho ngưng các chốt kiểm soát dịch và duy trì một số đội tuần tra. Ở các tỉnh thành khác, người dân cũng rất nghiêm chỉnh chấp hành quy định. Nhờ đó, công tác truy vết các trường hợp mắc bệnh khá thuận lợi.

Các địa phương cũng đã lên kế hoạch đón người lao động ở TP Hồ Chí Minh có nhu cầu về quê. Thống kê sơ bộ, tỉnh Kiên Giang có khoảng 700 - 800 người có nhu cầu. Tỉnh đang thành lập các khu cách ly. Dự kiến đầu tháng 8 sẽ tiến hành tiếp nhận.

Công tác điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19 cũng đang có những dấu hiệu tích cực. Chỉ hơn 10 ngày vào hỗ trợ tỉnh Đồng Tháp, đoàn công tác của Bệnh viện đa khoa Trung ương Huế đã giúp cứu sống 50 bệnh nhân mắc COVID-19 bị nặng. 

Đồng Tháp đã tổ chức thí điểm vaccine cho người dân ở khu vực đang có dịch. 2.300 liều vaccine Astrazeneca đã được tiêm cho người dân ở phường 2, thành phố Sa Đéc trong ngày 26/7.

Còn tại tỉnh Bạc Liêu và Thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang, người dân trên địa bàn được yêu cầu không ra đường sau 18h đến 5h sáng hôm sau, trừ trường hợp cấp cứu, công vụ hoặc theo yêu cầu điều phối để phòng chống dịch.

Từ 6h ngày 27/7, các chốt kiểm soát phương tiện và các tổ kiểm tra lưu động của TP Long Xuyên không giải quyết các trường hợp công nhân ra đường đi làm; dừng việc thu tiền điện, tiền nước, cước phí đối với nhân viên các công ty điện, nước, viễn thông.

Còn tỉnh Tiền Giang quy định từ 27/7, người dân không ra đường từ 18h đến 6h hôm sau cho đến khi có thông báo mới.

Bình Minh

comment Bình luận

largeer