Cẩn trọng với sốt mò - căn bệnh dễ gây nhầm lẫn

Sốt mò thường dễ bị nhầm lẫn với các bệnh lý khác vì không có xét nghiệm đặc hiệu để chẩn đoán. Nếu bệnh sốt mò không được chẩn đoán sớm và điều trị kháng sinh đặc hiệu kịp thời, thì bệnh nhân dễ bị suy đa tạng, thậm chí là tử vong.
26/11/2020 10:20

Nhiễm độc sau khi... nhặt củi

Mới đây, TS.BS Hoàng Công Tình - Trưởng khoa Hồi sức tích cực, Chống độc tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình cho biết: “Chúng tôi đang điều trị một bệnh nhân sốt mò (Rickettsia). Người này nhập khoa khi bệnh ở giai đoạn nặng với tình trạng nhiễm trùng nhiệm độc, rối loạn nước điện giải, suy chức năng gan, viêm phổi, sốt cao mê sảng và nôn nhiều”.

Theo TS Tình, cách vào viện 1 tuần, bệnh nhân sốt cao liên tục, sưng hạch góc hàm, có 1 vết loét ở vùng cổ bên trái. Trước đó, bệnh nhân có đi nhặt củi ở trong vườn nhà. 

Sau khi sốt và sưng hạch góc hàm, bệnh nhân đi khám ở y tế cơ sở, được truyền dịch và dùng kháng sinh. Tuy nhiên, tình trạng không cải thiện. Bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình.

Trong quá trình thăm khám, TS Tình cho biết đã phát hiện một vết thương ở bệnh nhân. Vết thương nghi do mò đốt ở vùng cổ bên trái, không gây đau. Dựa vào dấu hiệu lâm sàng, yếu tố dịch tễ, đặc điểm của vết thương, các bác sĩ chẩn đoán, bệnh nhân bị sốt mò và điều trị bằng kháng sinh đặc hiệu. 

Sau 2 ngày điều trị, tình trạng sốt của bệnh nhân được kiểm soát, các tạng bị tổn thương có dấu hiệu hồi phục. 

“Nếu không được chẩn đoán kịp thời, điều trị kháng sinh đặc hiệu với Rickettsia, bệnh sẽ tiến triển nặng hơn và có nguy cơ tử vong”, TS Tình cảnh báo.

Sốt gần 1 tháng nếu không điều trị

14

Cục Y tế Dự phòng cho biết, sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính, do tác nhân Rickettsia orientalis (Orientia tsutsugamushi) có ổ dịch thiên nhiên, truyền ngẫu nhiên sang người khi bị ấu trùng mò đốt. Theo thống kê, sốt mò chiếm 38,51% số bệnh nhân sốt nhập viện, không rõ căn nguyên. Khoảng 31,8% bệnh nhân sốt mò không rõ nốt loét đặc trưng.

Thông thường, thời gian ủ bệnh trung bình từ 8 - 12 ngày (hoặc 6 - 21 ngày). Thời gian đầu, tại nơi ấu trùng mò đốt có một nốt phỏng nước bằng hạt đỗ, không đau. Do đó, bệnh nhân thường không chú ý. Cục Y tế Dự phòng cho biết, sau một số ngày, bệnh phát ra với những triệu chứng như sốt liên tục trên 38 độ C.

Người bệnh có thể bị sốt từ 15 - 20 ngày, thậm chí 27 ngày nếu không điều trị. Có khi rét run 1- 2 ngày đầu kèm theo sốt thường, nhức đầu nặng, đau mỏi cơ.

Bên cạnh đó, người bị sốt mò cũng có những nốt loét đặc trưng. Nốt loét thường ở vùng da mềm, ẩm, như bộ phận sinh dục, vùng hạ nang, hậu môn, bẹn, nách, cổ… Hoặc cũng có thể ở vị trí trong vành tai rốn, mi mắt. 

Tuy nhiên, nốt loét không gây đau hay ngứa. Người bệnh thường chỉ có một nốt. Nốt loét có hình tròn hoặc bầu dục, đường kính 1 mm - 2 cm. Nốt ban đầu phát triển thành dịch đục trên một nền sẩn đỏ. Sau 4 - 5 ngày vỡ ra thành nốt có vẩy nâu nhạt hoặc sẫm. 

Sau một thời gian, vẩy bong để lộ nốt loét đáy nông, hồng nhạt, không mủ, không tiết dịch, bờ viền hồng đỏ hoặc thâm tùy theo bệnh đang phát triển hay đã lui. Từ khi hết sốt, nốt loét liền dần. 

Ngoài ra, hạch và ban dát sẩn cũng là một trong những triệu chứng của sốt mò. Hạch khu vực nốt loét thường hơi sưng và đau, không đỏ, vẫn di động, xuất hiện cùng với sốt hoặc sau 2 - 3 ngày, là chỉ điểm tìm nốt loét. Hạch toàn thân sưng đau nhẹ hơn, trừ những ca nặng. Trong khi đó, ban dát sẩn mọc vào cuối tuần thứ nhất, đầu tuần thứ hai. Ban có khắp người, trừ lòng bàn tay và chân. Chúng tồn tại vài giờ đến 1 tuần.

Cục Y tế Dự phòng lưu ý, bệnh nhân nặng có thể có tiếng tim mờ, huyết áp thấp, mạch chậm so với nhiệt độ, chảy máu cam, viêm phế quản, viêm phổi không điển hình... Đặc biệt, sốt mò có thể ẩn và thể không điển hình (không có nốt loét).

Tuy nhiên, nếu được điều trị bằng kháng sinh thích hợp, người bệnh sẽ cắt sốt nhanh. 

Căn bệnh dễ gây nhầm lẫn

Chia sẻ về căn bệnh này, bác sĩ Võ Hà Băng Sương - Khoa Khám bệnh và Nội khoa, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, cho biết: “Bệnh sốt mò hay còn gọi là sốt bờ bụi, là một loại sốt phát ban do Rickettsia gây ra. Đây là vi trùng lây truyền từ chuột sang người thông qua vết cắn của ấu trùng con mò (Trombicula)”.

Cần nghĩ đến sốt mò khi người bệnh có tiền sử sống hoặc đi đến các vùng có sốt mò lưu hành. Hoặc, người có bệnh cảnh sốt cấp tính với tổn thương ở nhiều cơ quan và phủ tạng. 

Chuyên gia này cho rằng, trong trường hợp người bệnh không có vết loét, việc chẩn đoán gặp nhiều khó khăn. Bởi, những biểu hiện của bệnh rất đa dạng, giống nhiều bệnh sốt cấp tính khác như thương hàn, leptospirosis, nhiễm một số loại virus, và nhiễm các rickettsia khác.

Trong khi đó, TS.BS Hoàng Công Tình cảnh báo, nếu không được chẩn đoán sớm và điều trị kháng sinh đặc hiệu, bệnh nhân sốt mò dễ bị suy đa tạng và tử vong.

Ngoài ra, sốt mò không có xét nghiệm đặc hiệu để chẩn đoán xác định. Biểu hiện của sốt mò rất giống với các bệnh lý nhiễm khuẩn khác. Do đó, khiến nhiều người nhầm và bỏ sót bệnh, đặc biệt là các trường hợp không tìm được vết mò đốt. 

Để phòng bệnh sốt mò, tránh ấu trùng mò đốt, TS Tình khuyến cáo, cần mặc quần áo kín, có tẩm hóa chất chống côn trùng như benzyl benzoate.

Ngoài ra, nên bôi hóa chất xua côn trùng lên các vùng da hở khi đi vào nương rẫy, đồi núi. Tránh ngồi, nằm, phơi quần áo, đặt balô trên bãi cỏ, gần bờ bụi, gốc cây. Diệt chuột, sử dụng hóa chất diệt côn trùng.

Theo GDTĐ

comment Bình luận

largeer