Cảnh báo nguy cơ sức khỏe khi ăn quá nhiều đạm

Việc bổ sung đủ đạm (protein) vào chế độ ăn hằng ngày có thể giúp bạn sở hữu cơ thể săn chắc hơn, no lâu, tăng tốc phục hồi cơ sau khi vận động cùng nhiều lợi ích khác. Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo việc tiêu thụ quá nhiều đạm có thể dẫn tới nhiều vấn đề sức khỏe.
19/04/2022 14:47

Ðầy hơi

Có nhiều nguyên nhân gây ra đầy hơi (như ăn quá nhanh, ăn thức ăn gây đầy hơi hoặc uống nước bằng ống hút) và ăn quá nhiều đạm cũng có thể góp phần gây ra tình trạng này. Theo chuyên trang sức khỏe The Nutrition Twins, mọi người thường nghĩ sẽ ít bị đầy hơi khi theo đuổi chế độ ăn giàu đạm, nhưng ít ai biết ăn nhiều đạm mà thiếu chất xơ cũng dễ gây táo bón, một nguyên nhân dẫn đến tình trạng căng tức bụng và đầy hơi.

Béo bụng

Ăn uống quá độ là một trong những nguyên nhân chính gây tăng cân và tích tụ mỡ bụng. Các chuyên gia dinh dưỡng cho biết ở hầu hết mọi người, ăn nhiều đạm không giúp phần cơ phát triển lớn hơn mà sẽ gây tích nhiều mỡ hơn trong cơ thể, bao gồm cả mỡ bụng. Bởi vậy, nếu bạn không phải là đối tượng tập tạ hoặc đang rèn luyện cơ bắp, thực sự cần bổ sung đạm để phát triển cơ, thì việc tiêu thụ thêm nhiều đạm chỉ khiến bản thân dễ béo bụng mà thôi.

Theo khuyến cáo từ Viện Mayo (Mỹ), một người có hoạt động thể chất bình thường nên tiêu thụ 1,2-2g prôtêin cho mỗi kg trọng lượng cơ thể.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Hôi miệng

Có những loại thực phẩm sẽ gây hôi miệng dù bạn ăn ít, trong đó có đạm. Ðặc biệt, nếu tiêu thụ quá nhiều đạm trong khi cắt bỏ hoàn toàn hoặc chỉ ăn một lượng nhỏ tinh bột-đường (carb) trong chế độ ăn hằng ngày, cơ thể bạn có thể chuyển sang quá trình trao đổi chất gọi là ketosis, với hệ quả là khiến hơi thở có mùi.

Trí não kém minh mẫn

Một chế độ ăn cân bằng lượng carb sẽ giúp cơ thể hoạt động bình thường. Nếu bạn ăn quá nhiều đạm mà lại không cung cấp đủ carb cho cơ thể, não bộ sẽ không đủ nhiên liệu hoạt động, dẫn đến kém tập trung và có thể gây ra chứng "sương mù não". Tình trạng này có thể được khắc phục khi bạn “nạp” thêm carb để cơ thể và não bộ hoạt động bình thường. Theo The Nutrition Twins, một cách đơn giản để bổ sung carb tức thì là ăn thêm trái cây.

Tổn hại thận

Thận là nội tạng quan trọng với chức năng chính là loại bỏ chất thải và chất lỏng dư thừa ra khỏi cơ thể, giúp đào thải lượng axít mà các tế bào sản xuất, đồng thời duy trì sự cân bằng lành mạnh về nước, muối và khoáng chất trong máu như natri, canxi, phốt-pho và kali. Tuy nhiên, ăn quá nhiều đạm khiến thận bị quá tải vì phải xử lý lượng nitơ từ các axít amin của đạm, cũng như làm tăng nguy cơ bị sỏi thận và tổn thương thận.

Dễ bị bệnh vặt

Nếu ăn quá nhiều đạm, bạn có thể sẽ không ăn đủ các thực phẩm như rau quả và ngũ cốc, trong khi đây là những thực phẩm dồi dào chất chống ôxy hóa mạnh và các hợp chất kháng viêm giúp bảo vệ hệ miễn dịch cơ thể và chống lại bệnh tật. Theo nghiên cứu đăng trên Tạp chí Y học Critical Care, tình trạng suy dinh dưỡng calorie - prôtêin có thể dẫn đến suy giảm khả năng miễn dịch của vật chủ với tác động gây hại đặc biệt lên hệ thống tế bào T, một phần của hệ miễn dịch và phát triển từ các tế bào gốc trong tủy xương, dẫn đến tăng nguy cơ nhiễm trùng và mắc bệnh, cũng như tăng tỷ lệ tử vong ở bệnh nhân điều trị nội trú.

Tăng nguy cơ máu nhiễm kim loại nặng 

Ðể tăng lượng đạm tiêu thụ, một số người chọn cách dùng thêm bột prôtêin, 1-2 phần/ngày. Tuy nhiên, nhiều loại bột prôtêin có thể chứa các kim loại nặng như asen, chì, cadmium và thủy ngân - những chất có thể dẫn đến một số vấn đề sức khỏe như tổn thương não và nội tạng. Do đó, The Nutrition Twins khuyến nghị người dùng cần kiểm tra kỹ thành phần trên bao bì sản phẩm bột prôtêin trước khi sử dụng.

Theo Eatthis.com

comment Bình luận

largeer