Cảnh báo ung thư vòm họng từ dưa muối xổi

Ở Việt Nam, tỷ lệ người mắc ung thư vòm họng là 12%, chiếm tỷ lệ khá cao so với các bệnh ung thư khác. Một trong những nguyên nhân được xác định có thể từ thói quen ăn dưa muối xổi của người Việt.
05/10/2020 08:54

Bệnh khá thường gặp ở cộng đồng người châu Á, đặc biệt ở khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Độ tuổi có nguy cơ mắc bệnh nhiều nhất là khoảng 40-60. Nam giới có nguy cơ mắc bệnh nhiều gấp 3 lần nữ.

Ở Việt Nam, tỷ lệ người mắc ung thư vòm họng là 12%, chiếm tỷ lệ khá cao so với các bệnh ung thư khác. Trong số đó có tới 70% bệnh nhân mắc ung thư vòm họng phát hiện bệnh ở giai đoạn cuối khiến cho việc điều trị trở nên rất khó khăn.

ung thu vom hong

Những nguyên nhân gây ung thư vòm họng

Nguyên nhân gây ra ung thư vòm họng cho tới nay chưa được xác định rõ ràng. Tuy nhiên có rất nhiều giả thiết:

Thức ăn và cách chế biến: Thức ăn chế biến qua các khâu lên men như rượu, bia, cá muối, dưa muối, nước mắm có chứa nhiều nitrosamine có liên quan đến ung thư vòm họng. Đáng chú ý, các loại dưa muối xổi được chuyên gia cảnh báo là có nguy cơ cao hơn dưa muối nén truyền thống.

Cụ thể, theo nhiều kết quả nghiên cứu, các loại rau dùng để muối dưa hiện được bón bằng phân đạm urê nên vẫn còn tồn dư một lượng nitrat đáng kể. Khi muối dưa, nitrat trong rau sẽ bị vi sinh vật chuyển hóa thành nitrit.

Hàm lượng nitrit đặc biệt tăng cao trong mấy ngày đầu rồi giảm đi và mất hẳn khi dưa đã chua vàng. Như vậy, trong dưa muối xổi chứa nhiều nitrit, khi chúng ta ăn vào cơ thể, axit trong dạ dày sẽ tạo điều kiện cho nitrit tác động vào các axit amin từ các thực phẩm khác như thịt, cá… để tạo thành hợp chất nitrosamine. 

dua muoi xoi

Vì thế, để hạn chế quá trình hình thành nitrosamine trong cơ thể, chúng ta nên tránh ăn dưa, cà muối xổi, hoặc những loại dưa muối còn chưa đủ thời gian, dưa chưa vàng, ăn hãy còn cay.

Virus: Qua nhiều nghiên cứu cho thấy bệnh ung thư vòm họng có liên quan đến virus Epstein-Barr (EBV).

Bất thường nhiễm sắc thể: Các nghiên cứu về biến đổi di truyền ở những bệnh nhân ung thư vòm họng đã phát hiện những tổn thương trên các nhiễm sắc thể 3p, 9p, 11q, 13a, 14q và 16q có ảnh hưởng tới vùng chứa các gen ức chế hình thành u.

Môi trường: Một thống kê cho thấy, người Trung Quốc sống ở Mỹ ít bị ung thư vòm họng hơn ở trong nước làm người ta nghĩ tới vai trò của môi trường tác động vào bệnh này.

Triệu chứng ung thư vòm họng

Giai đoạn sớm

Do vị trí nằm ở sâu nên ung thư vòm họng thường khó phát hiện được sớm. Các dấu hiệu của bệnh ở giai đoạn đầu thường không rõ ràng, không được lưu ý, và hay nhầm với các bệnh viêm mũi xoang. 

Bệnh nhân có thể bị đau đầu, ngạt mũi thoáng qua. Các triệu chứng thường xảy ra ở một bên. Đôi khi có xuất hiện hạch cổ ngay từ đầu, hạch nhỏ không đau. 

Bệnh nhân thường đến viện muộn hoặc đã được điều trị ở những chuyên khoa khác như tai mũi họng, mắt, thần kinh.

Các dấu hiệu muộn

Thường có sau 6 tháng kể từ khi có triệu chứng đầu tiên do khối u phát triển tại chỗ hoặc xâm lấn gây ra:

- Triệu chứng hạch cổ: Phổ biến nhất là vị trí hạch cổ cao, đặc biệt là hạch cổ sau trên.

- Triệu chứng mũi: Ngạt tắc mũi, chảy máu mũi, hay xì ra nhầy lẫn máu do u lớn gây bít tắc hoặc do hoại tử u.

- Triệu chứng tai: Phổ biến nhất là mất nghe một bên do u làm tắc vòi Eustachio dẫn tới viêm tai thanh dịch. Sự mất chức năng của vòi Eustachio có thể là kết quả từ sự xâm lấn các cơ nuốt hoặc liệt các cơ mở họng.

- Triệu chứng mắt: Vào giai đoạn muộn khi u xâm lấn rộng sẽ gây chèn ép làm tổn thương dây thần kinh chi phối vận động mắt, khi đó bệnh nhân có biểu hiện lác, nhìn đôi, sụp mi, giảm hoặc mất thị lực.

Chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhân ung thư vòm họng

Theo PGS. BS Lê Bạch Mai, nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia, khi xây dựng chế độ ăn cho bệnh nhân bị ung thư vòm họng đang điều trị, nên bổ sung các loại thực phẩm sau:

Thứ nhất là rau củ quả non. Chúng ta có thể chế biến bằng cách xay, nghiền thành dạng lỏng, súp để người bệnh dễ dàng sử dụng, giúp cung cấp các dưỡng chất cần thiết, giúp người bệnh nhanh chóng phục hồi thể trạng.

Thứ hai là nhóm các thực phẩm giàu protein như cá, thịt, trứng, sữa… Hàm lượng protein có trong những loại thực phẩm này sẽ giúp cho cơ thể được bổ sung đầy đủ chất, giúp cải thiện thể trạng, phục hồi sức khỏe sau các đợt điều trị. Đồng thời mang đến cho bệnh nhân một sức khỏe tốt nhất, để tiếp tục chống chọi với bệnh tật. Việc nấu nhừ hoặc xay cũng giúp người bệnh dễ nuốt, dễ hấp thu hơn.

Thứ ba là nước ép hoa quả. Chúng chứa các loại vitamin, chất khoáng… cần thiết, dễ uống rất phù hợp cho các bệnh nhân bị tổn thương vùng họng, không thể ăn các loại thực phẩm cứng.

Thứ tư là bột ngũ cốc, dễ sử dụng, dễ nuốt và tiêu hóa, phù hợp với người bệnh ung thư vòm họng.

Theo Dân trí

comment Bình luận

largeer