Cao Bằng điều trị cho nhiều trường hợp bị rắn cắn

Thời tiết nồm, ẩm là điều kiện lý tưởng để loài rắn bắt đầu sinh sôi, phát triển, đặc biệt là các loại rắn. Từ đầu mùa hè đến nay khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cao Bằng tiếp nhận điều trị cho nhiều trường hợp bị rắn cắn.
15/06/2023 12:00

Các trường hợp nhập viện hầu hết có các triệu chứng: Bầm tím, sưng nề vùng da bị rắn cắn,… Trong đó có nhiều trường hợp biến chứng nặng.Với đặc thù là tỉnh miền núi, diện tích đồi rừng lớn nên loài rắn có điều kiện phát triển.

354037122_1000959837714581_4116321412074028602_n

Xử trí vết thương bị rắn cắn cho bệnh nhi

Đặc biệt, thời điểm này là giai đoạn sinh sản của rắn nên chúng có xu hướng tìm nơi kín đáo, khô thoáng để sinh sản. Khi rắn mang bầu thì nọc độc cao hơn bình thường. Mỗi loại rắn cắn có đặc điểm khác nhau, rắn độc thường cắn người rồi nhả ra ngay, nọc rắn gây tử vong giai đoạn đầu do gây liệt cơ hô hấp, cơ hầu họng, loạn nhịp tim, tụt huyết áp, giai đoạn sau do rối loạn đông máu nặng, hoại tử, tiêu cơ, suy thận cấp...

Nếu nạn nhân không được đưa đến các cơ sở Y tế, điều trị, cấp cứu kịp thời có thể có nguy cơ tử vong. Nhiều trường hợp sẽ để lại nhiều di chứng nặng nề như nhiễm trùng, viêm cơ xương khớp kéo dài gây biến dạng, suy thận, suy thần kinh….

Các bước sơ cứu rắn cắn

Nếu bị rắn độc cắn, nhanh chóng gọi dịch vụ cấp cứu khẩn cấp tại cơ sở y tế gần nhất.

Trong thời gian chờ sự trợ giúp y tế, người thực hiện sơ cứu nên tuân theo các bước sau:

- Di chuyển nạn nhân xa ra khỏi tầm hoạt động của con rắn.

Trấn an người bị rắn cắn, giữ tâm lý bình tĩnh, hạn chế cử động, bất động chi bị cắn bằng nẹp, để làm chậm sự lây lan của nọc độc.

- Tháo bỏ đồ trang sức và nới lỏng quần áo nhằm tránh gây chèn ép và làm sưng vết thương.

- Điều chỉnh tư thế cho vùng bị rắn cắn nằm thấp hơn tim, ngay cả trong lúc được vận chuyển đến bệnh viện (có thể cầm theo xác con rắn hay chụp lại hình ảnh rắn cắn, mô tả loại rắn cắn).

- Làm sạch vết thương bằng xà phòng và nước muối sinh lý.

- Dùng một miếng gạc khô và sạch để băng kín vùng bị cắn.

Điều quan trọng nhất, sau khi bị rắn tấn công, nạn nhân cần được nhanh chóng đưa đến cơ sở y tế gần nhất để được xử trí bằng huyết thanh kháng nọc rắn càng sớm càng tốt, ít nhất trong 12 giờ đầu. Ngoài ra, tùy trường hợp nạn nhân còn có thể cần phải thực hiện các kỹ thuật chuyên sâu như lọc máu, điều trị kháng sinh,…

Vì thế, việc nhanh chóng đưa nạn nhân đến cấp cứu sẽ giúp tăng hiệu quả điều trị, giảm những biến chứng nghiêm trọng cho người bệnh.

Theo Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cao Bằng

comment Bình luận

largeer