Cấp cứu bệnh nhân sốc nhiễm khuẩn nặng vì nhiễm xoắn khuẩn vàng da

Gia đình có xưởng làm mì khô, bà V. T. G (62 tuổi), ở Văn Quan, Lạng Sơn, lấy nước nguồn từ khe đá chảy ra làm nguồn nước chính cho xưởng sản xuất mì. Công việc thường xuyên ngâm chân trong nước nên không lúc nào chân bà khô ráo.
23/12/2024 15:19

3 năm trở lại đây, chân bà G xuất hiện những nốt phỏng nước. Bà G mua thuốc về bôi nhưng do chân vẫn thường xuyên tiếp xúc với nước nguồn, không lúc nào khô nên các vết phỏng nước không thể khỏi dù đã bôi thuốc liên tục nhiều ngày. Đầu năm 2024, các vết phỏng nước ở chân bà G chuyển biến nặng hơn. Thấy người mệt mỏi, hai chân đau nhức từ đầu gối trở xuống, người gây sốt, cứ nghĩ mình bị cảm cúm nên bà G cũng không đi khám.

Sau 4 ngày các cơn đau ngày càng tăng dần, chân đau không đi lại được, khi ấn vào cũng gây đau, giọng nói khàn, bà G được gia đình đưa vào bệnh viện đa khoa tỉnh. Tại đây, bà Giang được làm các xét nghiệm cho thấy bà bị nhiễm vi khuẩn không xác định, các chỉ số suy gan, suy thận rõ rệt, huyết áp tụt, bắt đầu cảm thấy khó thở nên được chuyển tuyến đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.

471326956_609156531770248_1976051509339117151_n

Bệnh nhân được điều trị tại Bệnh viện

“Bà G được chuyển đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương trong tình trạng hai chân sưng nề đau cơ vùng bắp chân, đùi hai bên và đau cơ cánh cẳng tay bên phải, không vận động đi lại được hai bên chân phù nề. Ngoài ra bà còn đau cơ, đau bắp chân và vùng đùi hai bên, không đi lại được. Kèm theo đó bà G có tình trạng nặng sốc nhiễm khuẩn, suy hô hấp, suy gan, suy thận phải dùng thuốc hỗ trợ tim mạch, thở ô xy. Với những biểu hiện lâm sàng, xét nghiệm và yếu tố dịch tễ của bệnh nhân, chúng tôi chẩn đoán bà G bị nhiễm trùng do vi khuẩn Leptospira (xoắn khuẩn vàng da)”, bác sĩ Võ Đức Linh, Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết.

Bác sĩ Linh cho biết thêm: “Bệnh xoắn khuẩn vàng da là bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn hình xoắn ốc Leptospira gây ra ở người và động vật. Ở người, bệnh này gây ra hàng loạt triệu chứng, người mắc bệnh nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời sẽ gây ra các biến chứng nguy hiểm đến tính mạng. Với những trường hợp bị nhiễm vi khuẩn Leptospira thường chuyển biến nặng khá nhanh, thời gian điều trị bệnh trung bình từ 10 đến 14 ngày với những bệnh nhân đáp ứng tốt với thuốc. Bệnh nhân G cũng rất may mắn khi được nhập viện kịp thời”.

Để phòng bệnh Leptospira, theo Bác sĩ Linh người dân cần chú ý: Các nhà xưởng sản xuất, chuồng trại chăn nuôi súc vật, lò mổ…phải cao ráo, dễ thoát nước, thường xuyên cần được cọ rửa sạch sẽ và khử trùng tẩy uế. Những người làm việc trong môi trường lao động hoặc nghề nghiệp có nguy cơ bị nhiễm Leptospira phải được trang bị các phương tiện bảo hộ lao động, như quần áo lao động, tạp dề, ủng, găng tay, kính mắt... Tại các cơ sở chăn nuôi súc vật, các lò mổ, bể bơi... cần phải kiểm tra thường xuyên, định kỳ nước thải, các chất thải để xử lý kịp thời phòng chống chuột và vệ sinh môi trường. Hạn chế tắm tại hồ ao, nơi nước tù đọng.

Mạnh Hà

comment Bình luận

largeer