Quần thể Yên Tử – Vĩnh Nghiêm – Côn Sơn, Kiếp Bạc chính thức trở thành Di sản Văn hóa thế giới

Ngày 12/7/2025 đánh dấu một mốc son lịch sử khi Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử – Vĩnh Nghiêm – Côn Sơn, Kiếp Bạc được UNESCO chính thức công nhận là Di sản Văn hóa thế giới. Sự kiện trọng đại này không chỉ ghi dấu vị thế của văn hóa Việt Nam trên bản đồ thế giới, mà còn khẳng định giá trị đặc sắc, trường tồn của Phật giáo Trúc Lâm – một dòng Thiền thuần Việt mang đậm bản sắc dân tộc.
13/07/2025 08:28

 Di sản văn hóa sống – nơi hội tụ tinh thần dân tộc

Tại Kỳ họp lần thứ 47 của Ủy ban Di sản Thế giới UNESCO tổ chức tại Paris (Pháp), vào lúc 13h02 giờ địa phương (tức 18h02 giờ Việt Nam), Chủ tịch kỳ họp – Giáo sư Nikolay Nenov (Bulgaria) – đã long trọng tuyên bố ghi danh Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử – Vĩnh Nghiêm – Côn Sơn, Kiếp Bạc vào Danh mục Di sản Văn hóa thế giới.

z6798698166399_4aaaac748572874880c72326d3fea875

Kỳ họp lần thứ 47 của Ủy ban Di sản Thế giới UNESCO diễn ra tại Thủ đô Paris (Cộng hòa Pháp)

Với quyết định này, Việt Nam chính thức có Di sản thế giới thứ 9 và đây cũng là Di sản thế giới liên tỉnh thứ hai sau Vịnh Hạ Long – Quần đảo Cát Bà. Quần thể di tích trải rộng trên địa bàn ba tỉnh, thành phố gồm Quảng Ninh, Bắc Giang và Hải Dương (có tài liệu thống kê là Quảng Ninh, Bắc Ninh và Hải Phòng), với tổng diện tích vùng lõi hơn 525 ha và vùng đệm hơn 4.380 ha.

Trung tâm tư tưởng và linh hồn của quần thể di sản chính là Phật giáo Trúc Lâm – dòng Thiền Việt độc đáo do Phật hoàng Trần Nhân Tông sáng lập vào thế kỷ XIII. Đây là thiền phái duy nhất trên thế giới được sáng lập bởi một vị vua đang trị vì, người đã từ bỏ ngai vàng để xuất gia, tu hành và phát triển tư tưởng Trúc Lâm tại núi Yên Tử.

Trúc Lâm – biểu tượng của hòa bình, hòa hợp và trí tuệ

Triết lý Trúc Lâm là sự kết tinh hài hòa giữa từ bi của Phật giáo Đại thừa, đạo đức của Nho giáo, tư tưởng Đạo giáo và tín ngưỡng dân gian Việt Nam. Dòng Thiền này không chỉ là tôn giáo, mà còn là nền tảng tinh thần và triết học, góp phần định hình bản sắc Đại Việt thời Trần và lan tỏa tinh thần nhân văn, hòa giải trong đời sống hiện đại.

z6798698685289_ece88f1d6d697f56603a0a6dcdc54282

Chùa Đồng trên đỉnh Yên Tử

Theo Hòa thượng Thích Thanh Quyết – Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trụ trì Chùa Yên Tử – nét độc đáo của Trúc Lâm chính là sự giao thoa hiếm có giữa quản trị quốc gia, triết học và tôn giáo. Phật giáo Trúc Lâm đề cao tính thực hành, gần gũi với đời sống và khuyến khích con người hướng đến hòa bình, tự do nội tâm và an lạc trong từng hành vi thường nhật.

Hiện nay, ảnh hưởng của Phật giáo Trúc Lâm đã vượt ra khỏi biên giới Việt Nam, với hơn 30 triệu tín đồ, 50.000 tăng ni và khoảng 15.000 ngôi chùa tại hơn 30 quốc gia, trong đó nổi bật có Chùa Trúc Lâm Paris (Pháp), các cơ sở tại Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc…

Cam kết bảo tồn – phát huy giá trị lâu dài

Phát biểu sau lễ công nhận, bà Nguyễn Thị Hạnh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, Trưởng Ban điều hành hồ sơ di sản – khẳng định: Việc quần thể Yên Tử – Vĩnh Nghiêm – Côn Sơn, Kiếp Bạc được vinh danh là kết quả của quá trình nỗ lực chung từ các địa phương, các cơ quan chuyên môn và cộng đồng. Đây là một “cảnh quan văn hóa linh thiêng” được quy hoạch thống nhất với hàng trăm chùa, đền, am, tháp cổ và hàng ngàn di vật có giá trị.

Các tỉnh, thành liên quan cam kết sẽ phối hợp chặt chẽ trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản, gắn kết hài hòa giữa phát triển du lịch với giữ gìn bản sắc văn hóa. Việc tổ chức lễ hội, hành hương, nghiên cứu – giáo dục sẽ được thực hiện đồng bộ, đảm bảo tính bền vững, nghiêm túc và giữ gìn cảnh quan thiêng liêng.

UNESCO ghi nhận Quần thể Yên Tử – Vĩnh Nghiêm – Côn Sơn, Kiếp Bạc theo hai tiêu chí quan trọng: Là minh chứng sống động cho một truyền thống văn hóa – tôn giáo đặc sắc, đồng thời thể hiện sự kết hợp độc đáo giữa Nhà nước, tôn giáo và nhân dân trong quá trình hình thành bản sắc văn hóa dân tộc. Đây là một mô hình tiêu biểu thể hiện vai trò của tôn giáo trong xây dựng xã hội thế tục bền vững, góp phần thúc đẩy hòa bình và đối thoại giữa các nền văn hóa.

Kết nối quá khứ – lan tỏa tương lai

Việc Quần thể Yên Tử – Vĩnh Nghiêm – Côn Sơn, Kiếp Bạc trở thành Di sản Văn hóa thế giới không chỉ là niềm tự hào của riêng ba địa phương, mà còn là di sản tinh thần vô giá của toàn dân tộc Việt Nam. Đó là minh chứng cho sức sống mãnh liệt của văn hóa truyền thống, là điểm tựa tâm linh trong đời sống đương đại, và là nhịp cầu kết nối quá khứ – hiện tại – tương lai trong dòng chảy lịch sử dân tộc.

Thái Bình

comment Bình luận