Cập nhật tình hình dịch bệnh trên thế giới ngày 15/4

Đến sáng 15/4, thế giới có trên 502,72 triệu người mắc COVID-19, trong đó hơn 6,21 triệu trường hợp đã tử vong vì đại dịch này.
15/04/2022 14:44

Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch COVID-19 vẫn là Mỹ với trên 82,21 triệu ca mắc và hơn 1,014 triệu trường hợp tử vong. Trong ngày qua, Mỹ ghi nhận thêm gần 20.300 người nhiễm virus SARS-CoV-2.

Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã quyết định gia hạn quy định đeo khẩu trang đối với hành khách đi máy bay và các phương tiện vận tải công cộng khác thêm 15 ngày. Quy định hiện hành sẽ hết hạn sau ngày 18/4, nhưng quy định mới sẽ có hiệu lực đến ngày 3/5. Cơ quan Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ cho biết đang theo dõi sự lây lan của biến thể Omicron, bao gồm cả nhánh phụ BA.2. Kể từ đầu tháng 4 này, đã có sự gia tăng mạnh số ca nhiễm mới COVID-19 ở Mỹ.

Trước đó, các hãng hàng không Mỹ đã nhiều lần đề nghị bãi bỏ quy định đeo khẩu trang trên máy bay cũng như các biện pháp khác để kiểm soát COVID-19 như phải xét nghiệm trước khi khởi hành đối với tất cả hành khách quốc tế, bao gồm cả công dân Mỹ. Tuy nhiên, sau khi đánh giá tác động tiềm tàng của tình trạng gia tăng số ca bệnh với người bị bệnh nặng cũng như năng lực của hệ thống chăm sóc sức khỏe, CDC Mỹ vẫn quyết định gia hạn quy định đeo khẩu trang trên phương tiện công cộng.

Hãng tin AP dẫn số liệu của CDC Mỹ cho thấy, số người tử vong ở Mỹ trong năm 2021 cao nhất trong lịch sử nước này và nguyên nhân chính là do dịch bệnh COVID-19. Theo CDC Mỹ, trong năm 2021, tại Mỹ có 3,456 triệu ca tử vong, tăng 80.000 trường hợp so với năm 2020. Số ca tử vong do COVID-19 tại Mỹ trong năm 2021 là 415.000 ca, tăng so với con số 351.000 ca trong năm 2020 do sự xuất hiện của nhiều biến thể mới của virus SARS-CoV-2 và nhiều người dân Mỹ không tiêm vaccine hoặc không đeo khẩu trang.

Ngày 14/4, Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo sẽ giảm mạnh số lượng các điểm quốc tế đến được khuyến cáo "không nên đi du lịch" sau khi giới chức y tế nước này công bố thay đổi cách đánh giá về những lo ngại do COVID-19 gây ra. Bộ trên đã đưa gần 120 quốc gia và vùng lãnh thổ vào danh sách "Cấp độ 4: Không nên đi du lịch" trong số  khoảng 215 nước và vùng lãnh thổ được đánh giá. Theo bộ này, danh sách cập nhật mới nhất sẽ giảm khoảng 10% số điểm đến quốc tế được khuyến cáo du lịch cấp độ 4, trong đó có tính tới các yếu tố rủi ro khác, không chỉ dịch COVID-19. Với báo cáo cập nhật, các công dân Mỹ sẽ được tiếp nhận thông tin tốt hơn về các điểm đến an toàn trên thế giới.

Tại tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới Ấn Độ, vào ngày 14/4, nước này ghi nhận tổng cộng trên 43,03 triệu người mắc COVID-19, bao gồm hơn 521.700 trường hợp thiệt mạng vì COVID-19 tại quốc gia Nam Á này.

Brazil hiện là điểm nóng dịch bệnh lớn thứ 3 thế giới với hơn 661.700 bệnh nhân COVID-19 không qua khỏi trong tổng số trên 30,21 triệu người nhiễm bệnh ở quốc gia này.

New Zealand đã hạ mức cảnh báo dịch xuống màu cam (mức cao thứ hai trong Khuôn khổ Bảo vệ COVID-19). Theo mức này, New Zealand không hạn chế số người được tụ tập trong nhà và không còn quy định giãn cách ghế ngồi ở khu vực tiếp đón bệnh nhân ở bệnh viện, trong khi các quán rượu và quán cà phê, nhà hàng được phép đón khách. Tuy nhiên, mọi người vẫn được yêu cầu đeo khẩu trang ở nhiều địa điểm trong không gian kín.

967

New Zealand đã hạ mức cảnh báo dịch bệnh COVID-19

Tại Mexico, Tổng thống Andrés Manuel López Obrador thông báo, Chính phủ nước này đã đề nghị cơ chế phân phối vaccine toàn cầu COVAX cung cấp vaccine ngừa COVID-19 để chuẩn bị tiêm chủng diện rộng cho trẻ em sau khi kết thúc chiến dịch chủng ngừa cho người trưởng thành vào cuối tháng 4/2022. Phát biểu trước báo giới, Tổng thống Obrador cho biết, Mexico đã thanh toán trước một lô vaccine từ COVAX và dự kiến cơ chế toàn cầu này sẽ phản hồi yêu cầu của Mexico trong vài ngày tới. Và Mexico có đủ vaccine để tiêm mũi tăng cường cho người trưởng thành.

Mexico hiện ghi nhận hơn 5,7 triệu ca mắc COVID-19 và 323.800 người tử vong. Trên 85,9 triệu người dân Mexico đã được tiêm phòng, trong đó 93% được tiêm đủ 2 mũi.

Sau hai tuần mở cửa biên giới trở lại và coi COVID-19 là bệnh đặc hữu, tình hình dịch tễ tại Malaysia đã ổn định với số ca nhiễm COVID-19 mới đang giảm dần. Phát biểu trước báo giới ngày 14/4, Bộ trưởng Bộ Y tế Malaysia Khairy Jamaluddin cho biết, trong thời gian tới, Bộ này sẽ triển khai chương trình khuyến khích người cao tuổi có bệnh lý nền tiêm mũi vaccine tăng cường thứ hai phòng COVID-19. Thời điểm tiêm mũi tăng cường này sẽ cách mũi tăng cường thứ nhất từ 4 - 6 tháng.

Những người có nhu cầu đi du lịch, nhằm đáp ứng yêu cầu của nước sở tại sẽ được phép nhận mũi tiêm tăng cường thứ hai. Học sinh trong độ tuổi từ 12 - 17 cũng sẽ được phép tiêm mũi tăng cường.

Tổng số ca tử vong do COVID-19 ở Hàn Quốc hiện vượt ngưỡng 20.000 ca, trong đó 94% là những người trên 60 tuổi. Trước thực tế này, các chuyên gia sở tại đã nhấn mạnh cần sử dụng rộng rãi hơn thuốc ngừa COVID-19 dạng viên uống để ngăn những trường hợp có nguy cơ bệnh trở nặng.

Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) công bố số liệu cho thấy, có 318 bệnh nhân COVID-19 không qua khỏi trong ngày 14/4, nâng tổng số ca tử vong vì căn bệnh này trên cả nước lên 20.352 ca. Tính từ ngày 6 - 13/4, trung bình mỗi ngày có trên 300 người tử vong do virus SARS-CoV-2 và dự kiến con số này sẽ tiếp tục tăng.

Phân tích của KDCA cho thấy, 93,86% số ca tử vong là những người trên 60 tuổi, đa phần có bệnh lý nền như huyết áp cao, tai biến, suy tim... Chỉ tính riêng tuần trước, trong 2.163 ca không qua khỏi, tỷ lệ tử vong ở nhóm trên 60 tuổi chiếm 94,4%. Theo KDCA, trong số các ca mắc mới COVID-19 tại Hàn Quốc từ ngày 3 - 9/4, những bệnh nhân 60 tuổi trở lên chiếm 20%. Do đó, chính phủ nước này thông báo sẽ quyết dành mọi nguồn lực sẵn có để bảo vệ các nhóm dễ tổn thương, nhóm người cao tuổi.

Ngày 14/4, Hàn Quốc ghi nhận 148.417 ca mắc COVID-19 mới. Chính phủ Hàn Quốc công bố kế hoạch tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi 4 cho người cao tuổi. Đối tượng tiêm là người từ 60 tuổi trở lên và đã tiêm mũi 3 được 120 ngày. Thời gian đặt lịch tiêm bắt đầu từ ngày 18/4 và thời gian tiêm phòng từ ngày 25/4.

Thành phố Thượng Hải của Trung Quốc đã báo cáo kỷ lục hơn 27.000 trường hợp nhiễm COVID-19 mới vào ngày 14/4. Thượng Hải đang phải chiến đấu để kiềm chế đợt bùng phát COVID-19 tồi tệ nhất tại Trung Quốc. Hiện phần lớn trong hơn 25 triệu cư dân của thành phố vẫn bị phong tỏa, mặc dù các hạn chế đã được nới lỏng một phần ở một số khu vực trong tuần này.

968

Thượng Hải ghi nhận số ca nhiễm COVID-19 mới vào ngày 14/4 cao kỷ lục với hơn 27.000 trường hợp

Ngày 14/4, Thượng Hải đã báo cáo kỷ lục 2.573 trường hợp có triệu chứng, tăng từ 1.189 một ngày trước đó. Trong khi đó, số trường hợp không có triệu chứng lên tới 25.146, tăng từ 25.141 ca. Một quan chức Thượng Hải nói rằng, nguyên nhân số người mắc mới vẫn tiếp tục tăng bất chấp việc phong tỏa một phần là do kết quả xét nghiệm tồn đọng và tình trạng lây nhiễm bệnh liên tục giữa các thành viên trong gia đình.

Chính quyền Hong Kong (Trung Quốc) xác nhận rằng sẽ nới lỏng một số hạn chế nghiêm ngặt chống COVID-19 tại đặc khu hành chính này từ ngày 21/4. Theo đó, chính quyền Hong Kong sẽ cho phép các thẩm mỹ viện, rạp chiếu phim và phòng tập thể dục mở cửa trở lại từ ngày 21/4, khi số lượng ca nhiễm mới tại trung tâm tài chính toàn cầu này dao động dưới 2.000 trường hợp mỗi ngày.

Giới chức Hong Kong cho biết, nhóm tối đa 4 người có thể tụ tập vào bất cứ lúc nào từ ngày 21/4, tăng so với mức 2 người hiện nay. Các nhà hàng có thể mở cửa đến 22h hàng ngày. Những địa điểm ăn uống trên toàn thành phố được kéo dài giờ mở cửa sau 18h. Trường học sẽ nối lại các hoạt động dạy học trực tiếp từ tuần tới. Tuy nhiên, quán bar, bãi biển và địa điểm nướng thịt vẫn phải đóng cửa.

Ủy ban Khẩn cấp của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hoàn toàn nhất trí rằng, hiện nay không phải là thời điểm hạ thấp cảnh giác trước đại dịch COVID-19. Kết luận trên được đưa ra sau cuộc họp của Ủy ban trên cho rằng, đại dịch COVID-19 còn lâu mới chấm dứt, mức độ lây lan của virus SARS-CoV-2 vẫn còn rất mạnh, tỷ lệ tử vong vẫn cao và virus SARS-CoV-2 đang tiến hóa một cách không thể dự đoán được.

Chính vì vậy, thời điểm này không phải là lúc lơ là trước virus gây bệnh COVID-19 hoặc buông lỏng công tác giám sát, xét nghiệm và thông báo, hay sao lãng các biện pháp y tế công cộng. Đồng thời, Ủy ban khẩn cấp của WHO cảnh báo không được phép ngừng chiến dịch tiêm chủng.

Các mũi tiêm bổ sung ngừa COVID-19 có hiệu quả nhất định, đặc biệt đối với người cao tuổi và những người có hệ miễn dịch kém. Đây là kết luận được rút ra từ nghiên cứu của các nhà khoa học Nhật Bản và Israel. Theo đó, một tháng sau khi tiêm mũi thứ 3, mật độ kháng thể bình quân của người được tiêm bằng vaccine của hãng Pfizer cao gấp 52,1 lần so với thời điểm trước khi tiêm. Ba tháng sau khi tiêm, mật độ kháng thể bình quân chỉ còn cao gấp 27,5 lần. Đối với những người được tiêm bằng vaccine của Moderna, mật độ kháng thể vào thời điểm 1 tháng và 3 tháng sau khi tiêm lần lượt cao gấp 70,3 lần và 36 lần so với thời điểm trước khi tiêm.

Trong khi đó, nghiên cứu của các nhà khoa học Israel cho thấy, mũi vaccine ngừa COVID-19 thứ 4 có thể giảm 75% nguy cơ tử vong ở người trên 60 tuổi.

Pfizer đưa ra thông báo rằng hãng này có thể ra mắt vaccine chống lại nhiều biến thể vào cuối năm nay, trong bối cảnh xuất hiện một số biến thể phụ của Omicron làm tăng nguy cơ tái bùng phát dịch.

Giám đốc điều hành hãng dược phẩm Pfizer của Mỹ, ông Albert Bourla thông tin, Pfizer đang nghiên cứu sản xuất một loại vaccine có hiệu quả bảo vệ trong vòng một năm, nghĩa là có thể tiêm nhắc lại hàng năm giống như tiêm phòng cúm. Ông Bourla cho rằng, đây là giải pháp tối ưu để bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Theo VTV

comment Bình luận

largeer