Chẩn bệnh từ biểu hiện bàn chân

Bàn chân có thể tiết lộ nhiều thông tin sức khỏe cho chủ nhân, do vậy, chúng ta không nên phớt lờ những biểu hiện bất thường sau đây.
31/03/2023 17:34

Biến dạng ở bàn chân và ngón chân cái

Khi chúng ta đi chân trần, phần giữa bàn chân thường lõm vào tạo thành một khoảng trống. Nhưng nếu toàn bộ lòng bàn chân tiếp xúc với sàn nhà, bạn có thể mắc chứng “bàn chân phẳng”. Nguyên nhân gây ra tình trạng này rất nhiều, bao gồm xương bị gãy hoặc sai khớp, viêm khớp dạng thấp hoặc các vấn đề thần kinh. Nguy cơ mắc bệnh gia tăng ở những người bị béo phì, tiểu đường, đang mang thai và lớn tuổi. Các triệu chứng có thể tệ hơn khiến nhiều người bị đau ở vòm bàn chân, sưng, hoặc thậm chí đau lưng và chân.

Trong khi đó, ngón chân cái thay vì nằm thẳng như các ngón còn lại nhưng lại cong vênh và để lộ phần xương ở khớp nối với bàn chân thì đó có thể biểu hiện của chứng vẹo ngón chân cái, thường gây đau đớn, sưng và khó khăn khi đi lại. Nguyên nhân gây ra tình trạng này có thể do di truyền, dị tật bẩm sinh hoặc chấn thương. Nếu nhẹ, người bệnh có thể dùng nẹp để điều chỉnh từ từ, còn nếu nặng hơn, biện pháp chữa trị duy nhất là tiến hành phẫu thuật chỉnh hình.

Ảnh: Daily Mail

Ảnh: Daily Mail

Màu sắc và nhiệt độ đổi khác

Bàn chân thường sẽ đồng màu với phần còn lại của cơ thể, nhưng nếu một bàn chân bị tái nhợt so với bàn chân còn lại thì đó có thể là dấu hiệu của chứng lưu thông máu kém. Tương tự, khi ấn ngón tay vào ngón chân của người khỏe mạnh, da sẽ chuyển sang màu trắng và nó lập tức trở lại màu sắc ban đầu khi rút tay ra. Nhưng nếu tốn nhiều thời gian hồi phục màu da, thì đó cũng là biểu hiện của tuần hoàn máu kém. Ngoài ra, tình trạng bàn chân lạnh thường xuyên có thể cảnh báo cho một vấn đề tuần hoàn và cần được kiểm tra.

Hay bị chuột rút (vọp bẻ)

Chuột rút ở bàn chân thường sẽ biến mất khi bạn duỗi thẳng hoặc xoa bóp bàn chân. Nhưng nếu bị chuột rút nhiều hơn bình thường, thì tình trạng này có thể do lưu thông máu kém gây ra. Khi cơ thể bị thiếu chất lỏng và chất điện giải, các cơ dễ bị co thắt và chuột rút hơn, nên điều quan trọng là phải giữ cơ thể luôn đủ nước. Ngoài ra, việc dung nạp quá ít các khoáng chất như kali, canxi hoặc magiê trong chế độ ăn uống cũng có thể góp phần gây chuột rút. Được biết, magiê đóng một vai trò trong việc dẫn truyền thần kinh cơ và làm co cơ.

Móng chân dày lên và đổi màu

Hãy luôn chú ý tới màu móng chân, bởi bộ phận này bỗng dưng dày lên và vàng ố có thể là dấu hiệu của nhiễm nấm. Các triệu chứng đi kèm là móng giòn, biến dạng và đôi khi tróc khỏi lớp nền, gây đau đớn. Bệnh nấm móng chân ảnh hưởng đến người lớn và tỷ lệ mắc bệnh tăng dần theo tuổi tác. Đối với đa số bệnh nhân, nấm phát triển ở phía trước hoặc cạnh bên của móng chân. Điều này thường xuất hiện nhất ở những người có hệ miễn dịch bị suy yếu nghiêm trọng.

Da khô và nứt nẻ

Nếu đã liên tục dưỡng ẩm mà da chân vẫn khô hoặc nứt, thì đây là vấn đề cần phải lưu tâm. Một lý do có thể giải thích cho tình trạng này là chứng tăng sừng hóa. Đó là một phần của cơ chế bảo vệ bình thường của da trước hành động cọ xát, áp lực và các dạng kích thích khác. Các nguyên nhân khác có thể khiến cho bàn chân tiếp tục khô và nứt mặc dù đã điều trị có thể là nấm da chân, viêm da, bệnh vẩy nến, chàm bội nhiễm hoặc bệnh dày sừng lòng bàn chân.

Bốc mùi hôi

Bàn chân bốc mùi hôi có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng, mà nguyên nhân phổ biến nhất là do nấm da chân. Các triệu chứng của bệnh này bao gồm ngứa ngáy, phồng rộp, nứt  da, hoặc khô rát các kẽ ngón chân và lòng bàn chân. Nguyên nhân gây bệnh là do nhiễm nấm thông qua tiếp xúc trực tiếp với người bị nhiễm bệnh, hoặc chạm vào những bề mặt bị nhiễm nấm.

Nếu mắc bệnh nấm da chân, hãy tập thói quen lau khô các kẽ ngón chân sau khi tắm và dành nhiều thời gian đi chân trần để hong khô bàn chân. Thay vớ thường xuyên và nên ưu tiên chọn loại vớ dệt bằng sợi tự nhiên. Ngoài ra, nên đi gặp bác sĩ để được tư vấn thuốc điều trị dứt điểm nấm. Tuy vậy, bệnh khó chữa khỏi nếu bạn bị tiểu đường hoặc có hệ miễn dịch suy yếu.

Theo Daily Mail

comment Bình luận

largeer