Chế độ dinh dưỡng dành cho người mắc chứng máu khó đông

Máu khó đông, còn gọi là bệnh máu loãng, là một rối loạn đông máu di truyền hiếm gặp khiến máu không đông như bình thường khi bị thương do thiếu các prôtêin hoặc yếu tố đông máu quan trọng. Ngoài uống thuốc, chế độ ăn uống hợp lý có thể giúp người bệnh cải thiện tình trạng đông máu.
30/12/2022 16:58

Chứng máu loãng gồm 3 dạng A, B và C, trong đó dạng A là phổ biến nhất. Phần lớn bệnh nhân bị bệnh do di truyền, song vẫn có 30% trường hợp có tiền sử gia đình không mắc bệnh này. Người mắc chứng bệnh này khó cầm máu khi bị thương, nếu vết thương sâu xảy ra ở đầu gối, mắt cá và khuỷu tay, bệnh nhân có thể mất nhiều máu, tổn thương các cơ quan và mô cơ thể. Một trong những biến chứng nguy hiểm ở những người mắc chứng máu khó đông là béo phì. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) cho biết thanh thiếu niên và trẻ em mắc chứng máu khó đông có nguy cơ bị béo phì gấp đôi so với dân số chung.

Đối với những người mắc chứng máu loãng, bên cạnh dùng thuốc, bảo vệ xương khớp và duy trì cân nặng khỏe mạnh bằng chế độ dinh dưỡng cũng rất quan trọng, đặc biệt chú ý bổ sung các nhóm thực phẩm chứa những dưỡng chất dưới đây:

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Canxi

Theo các chuyên gia, không chỉ giúp xương chắc khỏe, canxi còn hỗ trợ hình thành tiểu cầu, làm đông máu cũng như ngăn vết thương chảy máu quá nhiều. Thực phẩm giàu canxi gồm có sữa, sữa chua, phô mai, sữa đậu nành, đậu hủ, bông cải xanh, cải xoăn, măng tây, cam, hạnh nhân, trái sung…

Chất sắt

Khi bị chảy máu, cơ thể sẽ mất đi một lượng sắt nhất định. Khi đó, chế độ ăn với thực phẩm giàu chất sắt như thịt đỏ (bò, cừu, dê, heo), thịt gia cầm, đậu, nho khô… có thể thúc đẩy hình thành huyết sắc tố trong cơ thể. Để tăng khả năng hấp thu chất sắt, người bệnh được khuyến nghị tiêu thụ những món kể trên chung với rau quả giàu vitamin C.

Vitamin C

Dâu tây, cam, táo, kiwi, cải bó xôi, quả việt quất, dứa, đu đủ và rau mầm là nguồn cung cấp vitamin C dồi dào, có thể giúp cải thiện quá trình đông máu và sản sinh collagen vốn có tác dụng xóa tan các vết bầm tím trên cơ thể.

Vitamin K

Cải bó xôi, bông cải xanh, lá củ cải, bắp cải, măng tây, rau diếp, yến mạch, dầu ô-liu, trà xanh… là những thực phẩm giàu vitamin K thúc đẩy sản sinh prothrombin và glycogen cần thiết cho quá trình đông máu và ngăn ngừa mất máu. Riêng glycogen còn giúp cải thiện chức năng gan - cơ quan tổng hợp hầu hết các yếu tố đông máu.

Vitamin nhóm B

Thực phẩm giàu vitamin B12 và B6 như chuối, đậu Hà Lan, bắp, nước cam, bơ đậu phộng, lòng đỏ trứng, thịt gia cầm, cá, phô mai lên men, ngũ cốc nguyên hạt và đậu nành giúp sản sinh các tế bào hồng cầu. Theo các chuyên gia, tất cả vitamin nhóm B đều giàu riboflavin và niacin, giúp cải thiện sự lưu thông và sản xuất máu trong cơ thể. Tuy nhiên, họ khuyên chỉ tiêu thụ nhóm thực phẩm này ở mức vừa phải, vì ăn quá nhiều cũng có thể làm loãng máu.

Nước

Uống đủ nước có lợi cho sức khỏe những người mắc bệnh máu khó đông, đồng thời giúp cơ thể hoạt động “trơn tru”. Hãy uống từ 8-12 ly nước mỗi ngày.

Thực phẩm cần tránh

Người bị chứng máu loãng cần chú ý tránh tiêu thụ các loại thực phẩm chứa nhiều chất béo bão hòa và đường như bánh ngọt, đồ chiên, nước ngọt, kẹo, đồng thời hạn chế tiêu thụ các sản phẩm sữa béo, nước tăng lực, trà sữa, bơ, pizza…Ngoài ra, người bệnh cũng nên hạn chế bổ sung vitamin E, dầu cá, gừng, tỏi vốn là những thành phần chống đông máu.

Lưu ý, khi bắt đầu kết hợp những thực phẩm trên vào chế độ ăn, người bệnh cần tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng. Điều quan trọng cần nhớ là tuân theo chế độ ăn uống lành mạnh và cân bằng có thể giúp phòng ngừa các biến chứng nguy hiểm.

Theo Boldsky

comment Bình luận

largeer