Chính quyền Biden đã kiểm soát COVID-19 như thế nào?

Chính quyền Tổng thống Joe Biden đã vượt qua hàng loạt thách thức để đưa đại dịch COVID-19 vào tầm kiểm soát.
03/07/2021 12:11

 Một ngày cuối tháng 6 tại Cánh Tây Nhà Trắng, Jeff Zients - cố vấn cấp cao của Tổng thống Joe Biden, điều phối viên nhóm công tác ứng phó COVID-19 - cầm lên tay bản sao một tài liệu có tên "Chiến lược quốc gia ứng phó COVID-19 và chuẩn bị cho đại dịch".

"Thứ này chính là cách chúng tôi đã xoay xở vượt qua giai đoạn chuyển giao", ông Zients nói.

Bộ tài liệu mà ông Zients nhắc đến nặng tới 1,5 kg, với các biện pháp nhằm khôi phục lòng tin với chính phủ, thiết lập các điểm tiêm chủng quy mô lớn, mở cửa trường học, ứng phó với bất bình đẳng sắc tộc.

Năm tháng sau ngày Tổng thống Biden nhậm chức, chiến lược ứng phó với COVID-19 của ông Zients và các cộng sự đã mang lại trái ngọt.

Nếu như trong ngày tuyên thệ nhậm chức của ông Bidem hôm 20/1, nước Mỹ ghi nhận 192.292 ca mắc COVID-19 mới, thì tới ngày 25/6, số ca nhiễm virus corona trong 24 giờ chỉ còn 13.265.

Khởi đầu gian nan

Khi đội ngũ của ông Biden bắt đầu giai đoạn chuyển giao quyền lực cuối năm 2020, một trong những ưu tiên là tiếp quản kế hoạch tiêm chủng vaccine COVID-19 từ chính quyền tiền nhiệm.

"Chúng tôi cứ tìm mãi, cố gắng tìm đúng người để liên hệ, ở đúng cuộc họp. Nhưng rồi đến một lúc, chúng tôi hiểu là chẳng có kế hoạch nào để tiếp quản. Nước Mỹ ở giữa cuộc chiến, nhưng họ chẳng có kế hoạch chiến đấu nào", ông Zients cho biết.

Theo Chánh văn phòng Nhà Trắng Ron Klain, việc lựa chọn Jeff Zients đứng đầu nhóm công tác ứng phó COVID-19 của chính quyền Tổng thống Biden là một quyết định "hiển nhiên" sau nhiều cân nhắc chu toàn.

anh2

Jeff Zients là người đứng đầu nhóm công tác ứng phó COVID-19 của chính quyền Tổng thống Biden. Ảnh: AP.

Ông Zients có nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong chính phủ, trong đó có vị trí quyền giám đốc Văn phòng Quản lý và Ngân sách.

Khi được bổ nhiệm vị trí điều phối viên nhóm công tác COVID-19, Zients lựa chọn cấp phó là Natalie Quillian, một nhân viên từng làm việc trong chính quyền Barack Obama. Andy Slavitt, cựu quan chức Trung tâm Dịch vụ Bảo hiểm y tế Mỹ, là một lựa chọn nhân sự khác trong đội ứng phó COVID-19.

Nhóm công tác của ông Zients nhanh chóng xây dựng danh sách các điểm tiêm chủng liên bang, tranh thủ sự giúp đỡ của Cơ quan Quản lý Khẩn cấp liên bang và quân đội Mỹ.

Liên hệ với các công ty dược phẩm được tận dụng triệt để nhằm thiết lập nguồn cung ứng vaccine ổn định, liên tục.

Nhà Trắng đặt ra một mục tiêu khiêm tốn trong tiêm chủng. Ban đầu, Tổng thống Biden cam kết tiêm 100 triệu liều vaccine COVID-19 trong 100 ngày đầu tiên của nhiệm kỳ.

Chính quyền ông Biden sau đó vượt chỉ tiêu khi đạt mốc tiêm chủng 220 triệu liều vaccine ngày 21/4.

"Chúng tôi làm làm những gì mọi người thường nói nhưng ít người làm được: chúng tôi hứa ít nhưng làm nhiều", ông Slavitt viết trong cuốn sách về dịch bệnh có tên "Preventable".

Tìm mọi cách khuyến khích tiêm chủng

Hôm 4/5, Tổng thống Biden đặt mục tiêu tiêm chủng ít nhất 1 liều vaccine cho 70% người trưởng thành cho tới ngày quốc khánh 4/7.

Thời điểm đó, với tốc độ tiêm chủng 2 triệu liều/ngày, mục tiêu mà ông chủ Nhà Trắng đặt ra dường như tiếp tục là một lời hứa khiêm tốn.

Con số 70% không phải là một cột mốc vu vơ. Đội ngũ cố vấn y tế của Tổng thống Biden cho biết tỷ lệ tiêm chủng cần đạt được mức độ nhất định trước khi đất nước có thể hy vọng quay trở lại trạng thái bình thường.

Ông Zients cho biết con số 70% không phải là dự đoán, mà là một mục tiêu để Washington hướng tới.

Thực tế, mục tiêu tiêm chủng 70% người dân cũng là lời hứa đầy tham vọng. Một tháng trước khi ông Biden nhậm chức, chỉ 34% người Mỹ cho biết họ muốn được tiêm vaccine, theo khảo sát của Kaiser Family Foundation.

"Chúng tôi đã thuyết phục được người dân chỉ trong chưa đầy 5 tháng", Courtney Row, giám đốc truyền thông nhóm ứng phó COVID-19 của chính quyền Tổng thống Biden, nói.

Để khuyến khích người dân tiêm chủng, nhóm công tác COVID-19 của Washington đã đạt thỏa thuận để Uber cung cấp chuyến đi miễn phí đưa người dân tới các điểm tiêm chủng.

anh5

Đệ nhất phu nhân Jill Biden tới thăm một điểm tiêm chủng ở Arizona. Ảnh: Reuters.

Nhà chức trách hợp tác với các ứng dụng hẹn hò tạo ra huy hiệu "tôi đã tiêm chủng".

Nhà sản xuất bia Budweiser hứa hẹn, khi tỷ lệ tiêm chủng ở Mỹ cán mốc 70%, người từ 21 tuổi trở lên sẽ được nhận bia miễn phí.

Dẫu vậy, Nhà Trắng không thể kiểm soát đa phần các thông điệp phản đối tiêm vaccine COVID-19 trên Internet.

"Nếu các bạn 21 tuổi và hỏi tôi 'có nên tiêm vaccine hay không?'. Tôi sẽ trả lời là đừng tiêm", Joe Rogan, bình luận viên võ thuật nổi tiếng của UFC, nói với hàng triệu khán thính giả trong một chương trình phát thanh hồi tháng 4. Thanh niên là nhóm khó thuyết phục nhất trong nỗ lực tiêm chủng của chính quyền ông Biden.

Tương tự, các chính trị gia bảo thủ cũng tỏ ra hoài nghi với vaccine. Thượng nghị sĩ Cộng hòa Ron Johnson tuyên bố thẳng thừng ông sẽ không tiêm vaccine vì lo ngại tác dụng phụ.

Thành tựu lớn dù không đạt mục tiêu

Bác sĩ Anthony Fauci, cố vấn y tế trưởng của Tổng thống Biden, cho biết việc nâng cao tỷ lệ tiêm chủng lên mức 54% như hiện nay, đồng thời giảm mạnh số người mắc COVID-19 bất chấp những rào cản, là một "thành tựu to lớn" của chính quyền ông Biden.

"Sẽ chẳng có gì gọi là thất bại nếu chúng ta chỉ đạt mức tiêm chủng trung bình là 68%", bác sĩ Fauci nói.

Theo ông Fauci, điều đáng lo ngại hơn lúc này không phải là tỷ lệ tiêm chủng, mà là nước Mỹ đang bị chia đôi, với phần lớn người dân được tiêm chủng và miễn dịch, số còn lại thì không.

Các chuyên gia cảnh báo chính quyền Tổng thống Biden rằng việc áp đặt tiêm chủng bắt buộc hay ban hành hộ chiếu vaccine sẽ là con dao hai lưỡi, khiến những người hoài nghi càng nghi ngờ vaccine hơn.

Thay vào đó, mọi nỗ lực được dành cho xóa bỏ các rào cản, từ đó giúp người dân có thể tiếp cận vaccine dễ dàng và thuận tiện nhất.

Chính quyền ông Biden tìm cách phối hợp chặt chẽ với các nhóm hoạt động bảo thủ, các nhà tổ chức địa phương, các bác sĩ và lãnh tụ tôn giáo, nhằm gửi đi thông điệp kêu gọi tiêm chủng.

ag

Mục tiêu tiêm chủng 70% người Mỹ tới ngày 4/7 khó thành hiện thực. Ảnh: AP.

Nhưng mọi nỗ lực thuyết phục người dân cũng vẫn tồn tại giới hạn.

"Không có cách nào vượt qua phân cực chính trị và chia rẽ đảng phái mà giờ đã ảnh hưởng tới mọi khía cạnh cuộc sống", nhà hoạt động Cộng hòa Frank Luntz cho biết.

Tốc độ tiêm chủng ở Mỹ lúc này đã giảm xuống còn khoảng 500.000 liều/ngày, chỉ bằng 25% thời điểm ông Biden đặt ra mục tiêu cho ngày quốc khánh 4/7.

"Tốc độ tiêm chủng chậm hơn một chút so với chúng tôi tính toán. Bởi số ca nhiễm bệnh đã giảm mạnh, có lẽ những người trẻ tuổi hơn nghĩ rằng việc tiêm chủng không còn là điều quá cấp bách", Chánh văn phòng Nhà Trắng Ron Klain nói.

Về mục tiêu tiêm chủng 70% người dân, ông Klain cho biết sẽ không có vấn đề gì lớn nếu không thể đạt được.

"Chúng ta đã đảo chiều tình thế một cách ngoạn mục trong một thời gian rất, rất, rất ngắn. Lúc này, chúng ta có thể thực sự tận hưởng ngày 4/7 dành cho mọi người Mỹ", ông Klain nói.

Một nghìn giấy mời tham dự lễ kỷ niệm ngày quốc khánh của Nhà Trắng đã được gửi tới các nhân viên y tế, gia đình các quân nhân.

Dù còn cách mục tiêu tiêm chủng 70% người dân hàng triệu liều vaccine, sẽ không có nhiều người quá chú tâm tới lời hứa không thể hoàn thành của Tổng thống Biden. Ngay cả Budweiser cũng cho biết sẵn sàng ăn mừng ngày 4/7 với mục tiêu tiêm chủng "gần đạt được" này bằng cách tặng bia miễn phí cho người Mỹ.

(Theo Zingnews)

comment Bình luận

largeer