Chủ tịch Hồ Chí Minh - Tấm gương đạo đức sáng ngời, cả cuộc đời vì nước vì dân
Mùa hoa Sen nở năm 1890, cậu bé Nguyễn Sinh Cung chào đời trong một gia đình nho học yêu nước, tại Làng Hoàng Trù (xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An) – một miền quê giầu truyền thống cách mạng. Người sinh ra và lớn lên trong bối cảnh đất nước mất độc lập, Nhân dân mất tự do, các phong trào yêu nước chống thực dân Pháp tiêu biểu là phong trào Cần Vương (1885 – 1896), phong trào nông dân Yên Thế (1884 – 1913), phong trào Đông Du (1905 – 1908), phong trào Duy Tân (1907 – 1908),… phát triển mạnh mẽ, nhưng lần lượt thất bại. Sự thất bại của các phong trào yêu nước cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX đã đặt cách mạng Việt Nam đứng trước cuộc khủng hoảng sâu sắc về đường lối cứu nước và tổ chức lãnh đạo.
Tìm ra con đường cứu nước, giải phóng dân tộc cho cách mạng Việt Nam
Trong bối cảnh đó, tháng 6/1911, người thanh niên xứ Nghệ - Nguyễn Văn Ba (Nguyễn Tất Thành), với tư duy độc lập, sáng tạo, kế thừa và phát huy truyền thống của dân tộc đã lên tầu sang phương Tây tìm đường cứu nước, cứu dân. Với hành trang giản dị, lòng yêu nước luôn gắn liền với thương dân, chuyến đi không ồn ào, Người đã xin làm phụ bếp trên con tàu Đô đốc Latouche – Tréville của Hãng Vận tải Hợp nhất, lựa chọn hướng đi hoàn toàn mới - sang phương Tây tìm đường cứu nước cứu dân, với mục đích “xem xét họ làm ăn thế nào, tôi sẽ trở về giúp đồng bào chúng ta”.

Ảnh con tàu Đô đốc Latútsơ Tơrêvin (Amiral Latouche Tréville)
Lựa chọn sang phương Tây để tìm đường cứu nước, cứu dân của Nguyễn Văn Ba chính là sự lựa chọn của lịch sử, phù hợp với triết lý phương Đông mà từ nhỏ Người đã được tiếp thu: “biết người biết ta, trăm trận trăm thắng”. Đồng thời cũng phù hợp với triết lý phương Tây cổ đại: đi tìm “gót chân Asin”, điểm yếu của kẻ thù - muốn thắng thực dân Pháp thì phải hiểu rõ bản chất và điểm yếu của họ.
Vượt qua muôn vàn khó khăn gian khổ, đi khắp “năm châu bốn bể”, đến gần 30 nước và vùng lãnh thổ, làm tới 17 nghề, trực tiếp lao động và sinh hoạt với các tầng lớp Nhân dân nghèo khổ ở các nước, Người đã thấu hiểu cuộc sống khốn khó và ước muốn của họ cũng giống như nhân dân An Nam – đó là làm thế nào để giải phóng các tầng lớp nhân dân khỏi ách áp bức, bóc lột?
Vì vậy, Nguyễn Tất Thành (Nguyễn Ái Quốc, Hồ Chí Minh) rất thận trọng trong việc tìm và lựa chọn con đường cứu nước, cứu dân. Trong suốt 30 năm bôn ba, tìm đường cứu và hoạt động cách mạng, Người đã phải mất 10 năm (1911 – 1920) đến các nước tìm hiểu, khảo sát các cuộc cách mạng điển hình trên thế giới (cách mạng tư sản Anh, cách mạng tư sản Mỹ và cách mạng tư sản Pháp). Từ đó đưa ra nhận xét rằng con đường cách mạng tư sản không phù hợp với cách mạng Việt Nam, bởi vì nó không triệt để, không đem lại nền độc lập hoàn toàn cho dân tộc, tự do, ấm no hạnh phúc cho Nhân dân như Người hằng “ham muốn”: “Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”1.
Tháng 7/1920, Nguyễn Ái Quốc đọc bản Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của Lênin đăng trên báo L’Humanité (Báo Nhân Đạo). Qua đó Người đã tìm thấy con đường cứu nước giải phóng dân tộc - con đường cách mạng vô sản: “Luận cương của Lênin làm cho tôi rất cảm động, phấn khởi, sáng tỏ, tin tưởng biết bao! Tôi vui mừng đến phát khóc lên. Ngồi một mình trong buồng mà tôi nói to lên như đang nói trước quần chúng đông đảo: “Hỡi đồng bào bị đọa đầy đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta!”2. Người khẳng định: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”3.
Tháng 12/1920, tại Đại hội lần thứ XVIII Đảng xã hội Pháp, Nguyễn Ái Quốc đã tán thành và ủng hộ Quốc tế Cộng sản, đồng thời tham gia sáng lập Đảng Cộng sản Pháp. Qua đó đánh dấu bước chuyển biến quyết định trong tư tưởng và lập trường chính trị, từ một người yêu nước bình thường trở thành người cộng sản, chiến sỹ quốc tế vô sản.
Người sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam và lãnh đạo Nhân dân tiến hành Cách mạng Tháng Tám thành công
Việc tìm thấy và lựa chọn con đường cứu nước giải phóng dân tộc đánh dấu bước ngoặt quan trọng đối với cách mạng Việt Nam. Nhưng làm thế nào để đưa con đường đó vào thực tiễn cách mạng Việt Nam là một vấn đề lớn và khó? Do vậy, 20 năm tiếp theo của cuộc hành trình tìm đường cứu nước và hoạt động cách mạng, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã làm nốt những phần còn lại mà thực tiễn cách mạng Việt Nam đặt ra: truyền bá lý luận cách mạng, mở lớp huấn luyện cán bộ, chuẩn bị các điều kiện thành lập Đảng, về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng đi đến thắng lợi.
Sau khi trở thành người cộng sản, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã tích cực nghiên cứu, học tập Chủ nghĩa Mác – Lênin, tham gia viết bài cho các báo ở Pháp và Liên Xô, qua đó truyền bá lý luận cách mạng về Việt Nam; Thành lập Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên để huấn luyện và đào tạo đội ngũ cán bộ cách mạng, đồng thời xuất bản báo Thanh niên làm cơ quan ngôn luận, tuyên truyền của Hội.
Năm 1927, trong tác phẩm Đường Kách Mệnh, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã khẳng định cách mạng là sự nghiệp của quần chúng Nhân dân, nhưng Nhân dân phải được giác ngộ, phải được tổ chức và được lãnh đạo bằng một đảng tiên phong với một đường lối chính trị đúng đắn thì mới trở thành lực lượng có sức mạnh to lớn. Bởi vì, cách mạng muốn thắng lợi “trước hết phải có đảng cách mệnh, để trong thì vận động và tổ chức dân chúng, ngoài thì liên lạc với dân tộc bị áp bức và vô sản giai cấp mọi nơi. Đảng có vững cách mệnh mới thành công, cũng như người cầm lái có vững thuyền mới chạy”4.

Mùa xuân năm 1930, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc chủ trì Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam
Nhận thức vai trò quyết định của Đảng đối với thắng lợi của cách mạng, Nguyễn Ái Quốc đã tích cực chuẩn bị về tư tưởng, chính trị, tổ chức để tiến tới thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Cuối năm 1929, trước yêu cầu cấp bách của cách mạng Việt Nam, Người đã từ Xiêm đến Hương Cảng triệu tập Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Sau hơn một tháng tiến hành (từ 6/1 – 7/2/1930), dưới sự chủ trì của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, Hội nghị quyết định hợp nhất các tổ chức cộng sản thành một chính đảng đặt tên là Đảng Cộng sản Việt Nam. Sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam đã chấm dứt cuộc khủng hoảng về đường lối cứu nước và tổ chức lãnh đạo cách mạng, từ đó tạo tiền đề cho những thắng lợi của cách mạng Việt Nam sau này.
Sau khi ra đời, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh, Nhân dân ta đã từng bước được trang bị về lý luận cách mạng, xây dựng lực lượng chính trị quần chúng, xây dựng lực lượng vũ trang và căn cứ địa cách mạng, tiến hành tập dượt đấu tranh qua ba cuộc tổng diễn tập (phong trào cách mạng 1930 - 1931, phòng trào dân chủ 1936 – 1939, phong trào giải phóng dân tộc 1939 – 1945 trực tiếp là cao trào kháng Nhật cứu nước). Giữa tháng 8/1945, phát xít Nhật đầu hàng quân đồng minh, kẻ thù duy nhất của cách mạng đã gục ngã, thời cơ cách mạng đã tới, dưới sự nhận định, lãnh đạo sáng suốt kịp thời của Đảng và Hồ Chí Minh, Nhân dân ta đã nhanh chóng vùng dậy tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Trong vòng 2 tuần cuối tháng 8/1945, toàn bộ chính quyền đã về tay Nhân dân ta. Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập, khai sinh Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Ngày 2/9/1945 Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên Ngôn độc lập khai sinh
Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa
Cách mạng tháng Tám thành công đã đập tan xiềng xích nô lệ của đế quốc thực dân Pháp 87 năm, ách thống trị của phát xít Nhật 5 năm, chấm dứt sự tồn tại của chế độ quân chủ chuyên chế hàng nghìn năm. Việt Nam từ xứ thuộc địa nửa phong kiến mất độc lập, trở thành nước độc lập, Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời – Nhà nước cộng hòa đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á. Nhân dân Việt Nam từ thân phận nô lệ trở thành người làm chủ đất nước, có quyền quyết định vận mệnh của mình; Đưa dân tộc Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập tự do.
Lãnh đạo hai cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, bảo vệ độc lập dân tộc
Thực tiễn cách mạng Việt Nam đã khẳng định sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhân tố hàng đầu quyết định thắng lợi trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1946 – 1954) và đế quốc Mĩ xâm lược (1954 – 1975) của dân tộc ta. Trong đó, vai trò của Chủ tịch Hồ Chí Minh là vô cùng to lớn. Cùng với Trung ương Đảng, Người đã hoạch định, tổ chức, lãnh đạo quân dân ta thực hiện thắng lợi đường lối kháng chiến chống Pháp và đường lối kháng chiến chống Mĩ cứu nước. Đó là đường lối kháng chiến “Toàn dân, toàn diện, trường kỳ, tự lực cánh sinh”, vừa kháng chiến vừa kiến quốc; Đường lối cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và Cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam, Đường lối kháng chiến chống Mĩ cứu nước, tiến tới giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước.
Chủ tịch Hồ Chí Minh là người vạch ra chiến lược đại đoàn kết toàn dân và chỉ đạo thực hiện chiến lược đó phát huy hiệu quả to lớn đóng góp vào thắng lợi của sự nghiệp cách mạng. Đồng thời, Người đã có cống hiến lớn trong lĩnh vực vũ trang toàn dân, xây dựng các lực lượng vũ trang Nhân dân, quân đội Nhân dân và tiến hành chiến tranh Nhân dân. Trên cơ sở nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm chiến tranh của nhiều nước trên thế giới, Người đã vận dụng một cách phù hợp vào điều kiện của nước ta để xây dựng lực lượng vũ trang Nhân dân dựa trên sức mạnh của lực lượng chính trị quần chúng đề ra đường lối chiến tranh Nhân dân với nghệ thuật quân sự lấy nhỏ thắng lớn, lấy ít địch nhiều, lấy yếu chống mạnh, lấy chất lượng cao thắng số lượng đông.
Trong hành trình 30 năm tìm đường cứu nước và hoạt động cách mạng, Hồ Chí Minh đã nhận thức được tầm quan trọng của sức mạnh thời đại, đoàn kết quốc tế đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc thuộc địa. Do vậy, từ rất sớm, Người đã khẳng định: “cách mạng Việt Nam là một bộ phận của các mạng vô sản thế giới”, “giúp bạn là tự giúp mình”. Trên cơ sở đó, Người đã không ngừng xây đắp tình đoàn kết quốc tế trong sáng, thủy chung với các nước xã hội chủ nghĩa anh em và các dân tộc yêu chuộng hòa bình trên thế giới, qua đó đã tranh thủ được sự đồng tình ủng hộ, giúp đỡ của các nước xã hội chủ nghĩa và các lực lượng yêu chuộng hòa bình, dân chủ và tiến bộ trên toàn thế giới, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại tạo thành sức mạnh tổng hợp chiến thắng kẻ thù xâm lược, tăng cường tình đoàn kết giữa nhân dân thế giới và nâng cao vị thế của dân tộc, đất nước Việt Nam.
Tấm gương đạo đức sáng ngời, cả cuộc đời “tận trung với nước, tận hiếu với dân”
Kế thừa quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lênin, từ thực tiễn cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận thức được việc tiến hành cách mạng giải phóng dân tộc, giành độc lập đã khó, việc bảo vệ những thành quả mà cách mạng đã đạt được còn khó hơn. Vì vậy, Người luôn nhắc nhở cán bộ, đảng viên phải thường xuyên tu dưỡng đạo đức cách mạng, thấm nhuần tư tưởng “vì nước quên thân, vì dân phục vụ”, vận mệnh của đất nước gắn liền với vận mệnh của dân tộc, Nhân dân. Độc lập của đất nước phải đi liền với đem lại cuộc sống ấm no hạnh phúc cho Nhân dân. Người nhấn mạnh: “Nước được độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì … Chúng ta phải hiểu rằng, các cơ quan của chính phủ từ toàn quốc cho đến các làng đều là công bộc của dân, nghĩa là để gánh vác việc chung cho dân, chứ không phải để đè đầu dân như trong thời kỳ dưới quyền thống trị của Pháp, Nhật. Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại cho dân, ta phải hết sức tránh.”5

Bác Hồ về thăm quê năm 1961 (Ảnh Tư liệu)
Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên nhắc nhở: người cách mạng, người cán bộ, đảng viên dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, phải luôn “cúc cung tận tụy” phục vụ Nhân dân vô điều kiện. Phục vụ cách mạng, phục vụ Nhân dân phải là mục đích suốt đời của người cách mạng, người cán bộ, đảng viên: “Cả đời tôi chỉ có một mục đích, là phấn đấu cho quyền lợi Tổ quốc và hạnh phúc của quốc dân. Những khi tôi phải ẩn nấp nơi núi non, hoặc ra vào chốn tù tội, xông pha sự hiểm nghèo – là vì mục đích đó. Đến lúc nhờ quốc dân đoàn kết, tranh được chính quyền, ủy thác cho tôi gánh vác việc Chính phủ, tôi lo lắng đêm ngày, nhẫn nhục cố gắng – cũng vì mục đó … Bất kỳ bao giờ, bất kỳ ở đâu, tôi cũng chỉ đeo đuổi một mục đích, làm cho ích quốc lợi dân”6
Trong thực tiễn lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Hồ Chí Minh luôn là tấm gương sáng ngời về sự hy sinh cả cuộc đời vì nước, vì dân. Ngưòi luôn tâm niệm: “Một ngày mà Tổ quốc chưa thống nhất, đồng bào còn chịu khổ là một ngày tôi ăn không ngon, ngủ không yên”. Suốt cuộc đời của mình, Bác luôn hết lòng hết sức phụng sự tổ quốc, phục vụ Nhân dân: “Suốt cuộc đời tôi hết lòng hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Nay dù phải từ biệt thế giới này, tôi không có điều gì phải hối hận, chỉ tiếc là tiếc rằng không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa.”7

Bác Hồ với bà con nông dân xã Đại Thanh - Hà Đông (nay là Hà Nội). Ảnh tư liệu
Dù ở bất kỳ hoàn cảnh nào, trong thời chiến hay thời bình, dù bận "trăm công nghìn việc", nhưng Bác vẫn luôn dành sự quan tâm đặc biệt đối với mọi tầng lớp Nhân dân. Người luôn kịp thời đưa ra các chủ trương, quyết định, gửi thư, tặng quà, trực tiếp xuống cơ sở nắm bắt tình hình, động viên thăm hỏi Nhân dân. Hàng năm, mỗi dịp Tết đến, Xuân về, Chủ tịch Hồ Chí Minh không quên gửi lời chúc tết tới Quốc dân đồng bào bằng những vần thơ đầy ý nghĩa. Người thường xuyên viết thư chúc mừng, động viên, thăm hỏi đến các tầng lớp Nhân dân nhân ngày truyền thống: Người cao tuổi, Thanh niên, Thiếu niên, Phụ nữ, Quân đội, Công an… Đồng thời, trực tiếp tham gia các phong trào: Diệt giặc đói “cứ 10 ngày nhịn ăn một bữa, mỗi bữa một bơ…”; Diệt giặc dốt; trực tiếp trồng cây và phát động phong trào Tết trồng cây; ra tiền tuyến động viên bộ đội; vào trại an dưỡng thăm hỏi các thương binh…
Có thể nói, Hồ Chí Minh là một trong số rất ít những lãnh đạo trên thế giới đi thực tiễn về các địa phương nhiều nhất. Theo thống kê, trong khoảng thời gian 15 năm từ năm 1954 đến năm 1969, với cương vị Chủ tịch nước, Chủ tịch Đảng, Bác đã đi về các địa phương khoảng 923 lần, trong đó năm đi nhiều nhất là năm 1958 với 134 lần. Những chuyến đi của Người thường mang tính “bất ngờ”, bởi theo Người, đi như thế mới thấy hết được thực tiễn của Nhân dân, của địa phương, nắm bắt được tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của Nhân dân, từ đó mới có thể đề ra chủ trương chính sách đúng đắn, hợp lòng dân, có lợi cho dân.
Trong con người Hồ Chí Minh hội đủ những phẩm chất cao quý nhất của một vĩ nhân, một thiên tài. Người chính là hiện thân của một nhà lãnh đạo vì dân kiểu mới: vĩ đại nhưng gần gũi; thanh cao mà giản dị, thân thiết, hết lòng hết sức phục vụ Nhân dân. “Chủ tịch Hồ Chí Minh cao mà không xa, mới mà không lạ, to lớn mà không làm ra vĩ đại, mới gặp lần đầu mà như thân thuộc từ lâu”8.
Những đóng góp của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với cách mạng Việt Nam và Thế giới là rất lớn không gì có thể đo đếm được. Nhiều lần Đảng, Nhà nước và các nước bạn bè trên thế giới đề nghị tặng những phần thưởng cao quí cho Người. Tuy nhiên, Người đã từ chối tất cả danh hiệu, phần thưởng cao quí mà Đảng, Nhà nước ta và các nước bạn bè trên thế giới trao tặng vì một lý do: đất nước chưa hoàn toàn độc lập, thống nhất, Nhân dân chưa hoàn toàn được hưởng cuộc sống ấm no, tự do hạnh phúc…
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta một di sản vô cùng quý giá: tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đó là tư tưởng “vì nước quên thân, vì dân phục vụ”, “Trung với nước, Hiếu với dân”, vì Độc lập, tự do, vì chủ nghĩa xã hội với tinh thần “Không có gì quý hơn Độc lập, tự do”, vì Hạnh phúc của Nhân dân nhằm thực hiện ham muốn tột bậc của Người: “Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”. Đó là đạo đức trong sáng, “dĩ công vi thượng”, suốt đời phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân, đạo đức cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Đạo đức trong sáng đó được thể hiện qua hành động cách mạng thực tế “nói đi đôi với làm”, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, không tham ô, tham nhũng, luôn kính trọng dân, gần dân, thương dân, tin dân, hy sinh vì dân với tinh thần: “Việc gì lợi cho dân ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân ta phải hết sức tránh”. Phong cách giản dị, chân thành, khiêm tốn, dân chủ và nêu gương của Người, lòng nhân ái bao la, vị tha đến mức quên mình, hy sinh, dâng hiến và hoá thân vào Dân, vào Nước của Người... thực sự đã trở thành một biểu tượng về văn hoá - đó là văn hoá Hồ Chí Minh, thời đại Hồ Chí Minh - tiêu biểu, kết tinh văn hoá dân tộc và thời đại.
Tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là tài sản tinh thần vô giá mà mọi thế hệ con người Việt Nam hôm nay và mai sau phải luôn ra sức học tập và làm theo, gìn giữ và phát huy, coi đó là kết tinh giá trị tinh thần cao đẹp, trở thành chuẩn mực để xây dựng, chấn hưng văn hóa dân tộc, xây dựng phát triển con người Việt Nam, tạo tiền đề đưa đất nước phát triển, bước vào kỷ nguyên mới – kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Do vậy, việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trọn đời vì nước vì dân đối với mỗi cán bộ, đảng viên nói riêng và với mỗi người dân Việt Nam nói chung luôn là việc làm cần thiết.
Vũ Văn Chương
Tài liệu tham khảo:
- Hồ Chí Minh: toàn tập, tập 4 Nxb CTQG, Hà Nội 2000, tr. 379
- Hồ Chí Minh: toàn tập, tập 10 Nxb CTQG, Hà Nội 2000, tr. 127
- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội. 2002, t.9, tr.314
- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội. 2002, t.2, tr.267-268
- Hồ Chí Minh: toàn tập, tập 4 Nxb CTQG, Hà Nội 2000, tr. 64
- Hồ Chí Minh: toàn tập, tập 4 Nxb CTQG, Hà Nội 2000, tr. 568
- Hồ Chí Minh: toàn tập, tập 12 Nxb CTQG, Hà Nội 2000, tr. 507
- Phạm Văn Đồng: Hồ Chí Minh - một con người, một dân tộc, một thời đại, một sự nghiệp, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1990

- Sản phẩm vì sức khỏe
-
Giải pháp bảo vệ trẻ sinh non, tim bẩm sinh trước nguy cơ viêm phổi do RSV chính thức có mặt ở Việt Nam
Virus hợp bào hô hấp (RSV) là một trong những tác nhân chính gây nhiễm trùng đường hô hấp dưới ở trẻ nhỏ. Với mong muốn đồng hành cùng các bậc phụ huynh và cộng đồng trong hành trình bảo vệ sức khỏe trẻ em, FPT Long Châu mang đến giải pháp mới giúp dự phòng RSV cho trẻ nguy cơ cao.May 2 at 4:48 pm -
Một dòng chữ nhỏ trên hóa đơn nhà thuốc Long Châu – Lời cam kết về sức khỏe và niềm tin
Ngay từ tháng 4/2025, khách hàng khi mua thuốc và thực phẩm chức năng tại hệ thống nhà thuốc FPT Long Châu sẽ luôn biết rõ thông tin về nơi sản xuất thuốc và được hướng dẫn rõ ràng cách thức tra cứu giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm đối với thực phẩm chức năng.April 28 at 10:19 am -
FPT Long Châu cùng AstraZeneca Việt Nam - Đối tác chiến lược trong hành trình bảo vệ sức khỏe cộng đồng
Vừa qua, FPT Long Châu đã tổ chức hội thảo khoa học “Hành trình 10 năm Dapa tại Việt Nam - Đồng hành cùng dược sĩ trong tư vấn và quản lý bệnh nhân tim mạch - thận - chuyển hóa” với sự đồng hành của AstraZeneca Việt Nam.April 28 at 9:17 am -
Thanh Hóa: Rà soát, xử lý nghiêm các sai phạm liên quan đến sản xuất, phân phối sữa giả
Mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã có văn bản yêu cầu các đơn vị, địa phương trên địa bàn rà soát, kiểm tra việc chấp hành quy định về bảo đảm an toàn thực phẩm sản phẩm sữa, báo cáo Bộ Y tế và UBND tỉnh theo quy định; đối với những trường hợp vi phạm xử lý nghiêm theo đúng các quy định của pháp luật.April 26 at 8:32 am