Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong: "TP.HCM có thể tiếp tục ghi nhận nhiều ổ dịch rải rác"

Chủ tịch Nguyễn Thành Phong cho rằng nguy cơ lây nhiễm trong khu công nghiệp, khu chế xuất và nơi làm việc rất cao. Thành phố có thể sẽ còn phát hiện nhiều ổ dịch.
29/05/2021 14:23

Sáng 29/5, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong báo cáo Thủ tướng về tình hình dịch Covid-19 ở thành phố tại hội nghị trực tuyến toàn quốc. Hội nghị diễn ra dưới sự chủ trì của Thủ tướng Phạm Minh Chính, được kết nối trực tuyến đến điểm cầu của UBND 63 tỉnh, thành và tại những huyện có khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế.

Ông Nguyễn Thành Phong cho biết từ đợt dịch thứ 4, TP.HCM ghi nhận 76 ca nhiễm trong cộng đồng. Trong đó, một trường hợp được ghi nhận ngày 29/4 liên quan đến ca nhiễm ở tỉnh Hà Nam và 75 trường hợp được ghi nhận từ ngày 18/5 đến nay với 4 chuỗi lây nhiễm.

BAC5241

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tuyến chống dịch

4 chuỗi lây nhiễm tại TP.HCM

Thứ nhất là chuỗi lây nhiễm trong công ty ở quận 3 với 2 bệnh nhân BN4514 và BN4583 cùng làm việc tại một văn phòng. BN4583 đi Hải Phòng từ 24/4 đến 3/5. Chuỗi lây nhiễm đã được điều tra truy vết khoanh vùng triệt để, đến nay không phát hiện thêm người mắc bệnh từ chuỗi này. Kết quả giải trình gene cho thấy 2 bệnh nhân có cùng nguồn lây từ biến chủng Ấn Độ.

Thứ hai là chuỗi lây nhiễm từ quán bánh canh ở quận 3 gồm 5 trường hợp (BN4780, BN4781, BN4782, BN5329, BN5463). Đến nay, thành phố chưa phát hiện thêm người mắc bệnh liên quan đến mẫu này. Giải trình tự gene cho thấy chuỗi này mang biến chủng Anh.

Thứ ba là chuỗi lây nhiễm ở Hội thánh truyền giáo Phục Hưng. Tối 26/5, ngành y tế phát hiện 3 trường hợp dương tính với nCoV, ba bệnh nhân đều là thành viên của Hội thánh truyền giáo Phục Hưng tại quận Gò Vấp. BN6293 từng ra Hà Nội, đây là vợ của mục sư đứng đầu tổ chức tôn giáo này. Người này ra Hà Nội từ 23/4 đến 29/4 và có triệu chứng bệnh từ 13/5.

Đến 15h ngày 28/5, TP ghi nhận 64 trường hợp dương tính từ chuỗi này. Tổng cộng 16/22 địa phương có liên quan đến các ca bệnh gồm: TP Thủ Đức, quận 1, 3, 4, 5, 10, 12, Bình Thạnh, Gò Vấp, Phú Nhuận, Tân Bình, Tân Phú, Bình Tân, huyện Nhà Bè, Bình Chánh, Hóc Môn.

Tổng số F1 là 958 người, 287 mẫu đang chờ kết quả, còn lại âm tính. F2 là 37.921 người, 11.483 mẫu âm tính, 26.438 mẫu đang chờ kết quả. Kết quả giải trình tự gene của 5 bệnh nhân đầu tiên đều thuộc biến chủng Ấn Độ.

Thứ 4 là chuỗi lây nhiễm phát hiện từ Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn. Hai bệnh nhân đầu tiên là vợ chồng. Ngày 28/5 tiếp tục ghi nhận thêm 2 F1 của họ dương tính. Tổng số F1 của chuỗi này là 14 người, F2 là 100 người. Tất cả đã được lấy mẫu, chờ kết quả xét nghiệm. Hiện, TP mở rộng truy vết xem chuỗi này có liên quan đến Hội thánh truyền giáo Phục Hưng không.

55% bệnh nhân lây nhiễm từ sinh hoạt tôn giáo

Trước tình hình dịch diễn biến phức tạp, Chủ tịch TP.HCM cho biết thành phố đã dừng nhiều hoạt động không thiết yếu; các nghi lễ tôn giáo, hoạt động lễ hội tập trung từ 10 người trở lên tại nơi tín ngưỡng, thờ tự. Vận hành 69 chốt, trạm kiểm dịch y tế tại các cửa ngõ TP.HCM từ 0h ngày 15/5...

Nhận định về tình hình dịch, ông Phong đánh giá TP.HCM đang lưu hành cả 2 biến chủng siêu lây nhiễm là biến chủng Anh và Ấn Độ. Ca bệnh đã xuất hiện rải rác tại hơn 50% quận, huyện của TP.HCM. Thậm chí, ca bệnh có thể lây lan đến các tỉnh, thành lân cận. Chẳng hạn như: Bệnh nhân ở Long An là nhân viên khách sạn Sheraton; một bệnh nhân khác sống ở Bình Dương nhưng lại bị lây nhiễm ở nơi làm việc là Công ty Concentrix (trong Công viên phần mềm Quang Trung).

Về nơi lây nhiễm, 55% bệnh nhân lây nhiễm từ sinh hoạt tôn giáo, 25% lây nhiễm tại nơi làm việc, 15% lây nhiễm trong gia đình, và 5% lây nhiễm trong quan hệ bạn bè. Như vậy, ngoài sự lây nhiễm từ sinh hoạt đặc biệt của một tổ chức thì nguy cơ lây nhiễm tại những nơi làm việc khá cao.

Thực tế đã ghi nhận bệnh nhân 6296 lây bệnh cho 3 người làm cùng công ty và 1 người làm khác công ty nhưng chung tòa nhà số 30 Đặng Văn Ngữ. Hoặc bệnh nhân 6291 lây bệnh cho 4 người khác cùng làm Công ty Concentrix tại Công viên phần mềm Quang Trung. Đây là mối lo lớn cho trung tâm kinh tế, công nghệ như TP.HCM.

Empty

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong

Về nguy cơ đối với các khu công nghiệp, TP.HCM cũng đã ghi nhận 2 ca bệnh làm việc trong 2 khu công nghiệp lớn là Khu công nghiệp Tân Bình và Khu công nghiệp Tây Bắc Củ Chi. Ngoài ra, có thể có một số người sinh hoạt Hội thánh truyền giáo Phục Hưng cũng làm việc tại các công ty trong khu công nghiệp.

"Điều này cho thấy nguy cơ dịch bệnh lây lan từ cộng đồng dân cư vào khu công nghiệp, hoặc ngược lại thông qua người lao động. TP có thể vẫn tiếp tục ghi nhận các ổ dịch rải rác, chùm ca bệnh trong cộng đồng do có nhiều nguồn lây chưa được phát hiện", ông Phong đánh giá.

TP.HCM có hai kiến nghị với Chính phủ. Thứ nhất, trong bối cảnh phát hiện nhiều chuỗi lây nhiễm từ cộng đồng, TP đề xuất Chính phủ có chỉ đạo về biện pháp giám sát người đến từ những địa phương đang có nhiều ca bệnh trong cộng đồng để các địa phương kiểm soát chặt chẽ nguy cơ nguồn bệnh xâm nhập.

Về cung ứng vaccine, người trên 18 tuổi ở TP.HCM hiện là 7,2 triệu. Các nhóm đối tượng quy định tại Nghị quyết 21 do ngân sách hỗ trợ được TP.HCM đăng ký nhận vaccine với Bộ Y tế là 1,6 triệu người. Như vậy, số người trong diện còn lại phải tiêm từ kinh phí do TP.HCM bố trí gồm ngân sách, nguồn viện trợ, tài trợ, hỗ trợ… là khoảng 5,6 triệu người.

Do đó, Chủ tịch TP.HCM kiến nghị Chính phủ, Bộ Y tế hỗ trợ tìm nguồn cung vaccine (đàm phán, cấp phép) và cơ chế tài chính khi mua nhóm vaccine này.

Thu Hằng

comment Bình luận

largeer