Chuyên gia cảnh báo nguy cơ nhiễm sán lá gan từ đồ ăn sống

Bệnh sán lá gan được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) xếp vào danh sách 20 bệnh nhiệt đới ít được người bệnh quan tâm. Tuy nhiên, dấu hiệu của bệnh lại cảnh báo một số bệnh lý nguy hiểm như ung thư, xơ gan do sán.
09/09/2023 10:37

Sán lá gan là một loài ký sinh trùng, nó có thể xâm nhập vào cơ thể người qua đường tiêu hóa, sau đó sẽ gây ra nhiều loại bệnh lý ở các cơ quan trong cơ thể. Khi đi vào cơ thể người, loại ký sinh trùng này chủ yếu sống ở vùng gan và đường mật. Đây cũng được coi là một loại bệnh lý mãn tính, thậm chí có thể kéo dài hàng chục năm.

370042274_861864668952383_658381259525068142_n

Bệnh được phân loại thành sán lá gan lớn và sán lá gan nhỏ. Về đường lây truyền:

- Với sán lá gan lớn: Vật chủ chính là động vật ăn cỏ như trâu, bò; người chỉ là vật chủ phụ, vật chủ trung gian truyền bệnh là ốc họ Lymnanea. Người bị nhiễm bệnh do ăn sống những loài rau mọc dưới nước (rau ngổ, rau rút, cải xoong,…) hoặc sử dụng nguồn nước nhiễm ấu trùng sán lá gan.

- Với sán lá gan nhỏ: Vật chủ chính là người và một số động vật như chó, mèo, hổ, báo, cáo, chồn, chuột. Vật chủ trung gian truyền bệnh thứ nhất là loài ốc Bythinia, Melania, vật chỉ trung gian truyền bệnh thứ hai là cá nước ngọt…Người nhiễm bệnh sán lá gan do ăn cá, ốc nhiễm ấu trùng sán chưa được nấu chín thì sau khi ăn ấu trùng này vào bao tử, xuống tá tràng rồi ngược theo đường mật lên gan, rồi phát triển thành sán lá gan trưởng thành ký sinh và sinh sản trong đường mật.

BSCKI Phạm Công Đức, Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bãi Cháy (Quảng Ninh) cho biết: “Sán lá gan trưởng thành chủ yếu sống ký sinh ở các đường dẫn mật ở trong gan gây nên viêm đường mật, lâu ngày có thể gây nên tình trạng xơ hoá gan, ung thư gan, tắc mật hoặc cổ trướng. Nhưng trước khi vào đường mật, chúng có thể ký sinh ở nhu mô gan và phá huỷ tổ chức gan gây những ổ tổn thương với những tổ chức hoại tử không đồng nhất hay chúng ta thường gọi là áp se gan do sán lá gan. Ngoài các biểu hiện về gan, trong trường hợp sán lá gan di chuyển lạc chỗ có thể ký sinh ở phúc mạc, tuyến vú, tinh hoàn, màng phổi, màng tim, màng bụng gây tràn dịch vào nhu mô phổi có thể gây u; có thể chui vào vú, dưới da, hoặc xuống đầu gối gây phù nề. Biểu hiện của bệnh thì chủ yếu là đau tức vùng gan, đôi khi có thể là đau thượng vị kèm theo nhiễm trùng, nhiễm độc. Bệnh nhân có thể sốt kéo dài, một số có biểu hiện kém ăn, sụt cân, rối loạn tiêu hoá, sẩn ngứa, mề đay. Có một số trường hợp không có triệu chứng chỉ tình cờ phát hiện ra khi khám sức khoẻ định kỳ”.

Hiện nay, để xác định một người có bị sán lá gan không có thể thực hiện bằng nhiều phương pháp như là: Xét nghiệm sinh hoá máu; hút dịch tá tràng, xét nghiệm phân trứng; xét nghiệm bằng kỹ thuật ELISA. Xét nghiệm bằng kỹ thuật ELISA là phương pháp ưu việt, có ưu điểm đơn giản, nhanh chóng và xác định bệnh chính xác. Trong trường hợp sán ký sinh lạc chỗ, cần sử dụng kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh để xác định vị trí sán ký sinh như: chụp cắt lớp vi tính, siêu âm và chụp cộng hưởng từ.

Với điều trị bệnh sán lá gan hiện nay, BSCKI Phạm Công Đức, Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bãi Cháy (Quảng Ninh) chia sẻ: “Hiện nay đã có thuốc điều trị cho từng loại ký sinh trùng khác nhau, trong đó bao gồm cả sán lá gan lớn và sán lá gan nhỏ. Tuy nhiên để bệnh muộn và biểu hiện bệnh nặng thì phải can thiệp các phương pháp như là dẫn lưu ổ áp se, can thiệp ngoại khoa. Còn về thuốc điều trị nội khoa, thí dụ như chúng ta chẩn đoán sán lá gan lớn điều trị bằng thuốc Triclabendazole, còn với sán lá gan nhỏ điều trị bằng thuốc Praziquantel”.

Muốn tiêu diệt sán lá gan phải cắt đứt mắt xích trong chu trình phát triển của sán lá gan, trong đó quan trọng là ngăn ngừa sán lá gan thông qua đường ăn uống mà xâm nhập vào cơ thể người. Để phòng chống sán lá gan ở người phải thực hiện triệt để ăn chín, uống sôi, không ăn các món cá chưa được nấu chín hoàn toàn, đặc biệt là món gỏi cá. Đối với các loại rau mọc dưới nước như rau muống, xà lách xoong, rau cần, ngó sen,... các nang trùng của sán lá gan lớn bám rất chắc vào các loại rau này, nên dù có rửa kỹ bằng nước cũng rất khó loại trừ hoàn toàn nang sán. Để đảm bảo an toàn, các loại rau này cần nấu chín trước khi ăn.

Điều trị đặc hiệu cho người nhiễm sán lá gan cũng là một biện pháp diệt trừ mầm bệnh. Người bệnh sán lá gan nhỏ thường có các triệu chứng như rối loạn tiêu hóa, chán ăn, buồn nôn, người gầy sút. Người bệnh đôi khi sốt thất thường, thiếu máu, sạm da, vàng da, phù nề toàn thân,… Triệu chứng khi mắc sán lá gan lớn cũng tương tự sán lá gan nhỏ, chủ yếu là rối loạn tiêu hóa, gầy sút, đau tức phù nề, viêm mạn tính ống thận, đôi khi có sốt,... Khi có các triệu chứng như trên, người bệnh cần đến các cơ sở y tế có chuyên khoa ký sinh trùng để được khám và điều trị. Khi được điều trị sớm, người bệnh thường đáp ứng tốt với thuốc điều trị và được chữa khỏi hoàn toàn. Điều trị càng muộn, các tổn thương cơ thể do sán gây ra càng nặng nề.

Ngoài ra, giữ gìn vệ sinh môi trường, xử lý tốt nguồn phân, xây dựng nhà vệ sinh đảm bảo vệ sinh, không làm hố xí ở cầu ao hoặc phóng uế vào nguồn nước, không có cá ăn phân người cũng là một biện pháp hiệu quả để phòng ngừa bệnh sán lá gan ở người.

Theo CDC Quảng Ninh

comment Bình luận

largeer