Chuyên gia: Giãn cách xã hội 2 tuần sẽ giúp TP.HCM ngăn chặn dịch bệnh lây lan

Theo các chuyên gia, giãn cách xã hội 2 tuần sẽ giúp TP.HCM ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Tuy nhiên, cần có hướng dẫn cụ thể về giãn cách để người dân không lúng túng.
01/06/2021 09:47

Khi dịch diễn biến phức tạp, số ca nhiễm tăng nhanh, TP.HCM quyết định chọn giải pháp giãn cách xã hội trong 2 tuần. GS Nguyễn Thiện Nhân (nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy TP.HCM) và PGS.TS, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng Sự kiện y tế công cộng Trần Đắc Phu (nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng) đều đánh giá cao biện pháp quyết liệt của TP.HCM.

Cả 2 chuyên gia cho rằng hệ thống chống dịch và các biện pháp quản lý phải chuyển giai đoạn, đi trước một bước để ngăn chặn, giảm sự gia tăng và ảnh hưởng của dịch.

Giãn cách xã hội giúp đạt nhiều mục tiêu

Ủng hộ quyết định giãn cách xã hội trong 2 tuần của TP.HCM, GS Nguyễn Thiện Nhân nói trong đợt dịch này, việc bùng phát, lây nhiễm diễn ra trong khoảng thời gian rất ngắn. Chỉ trong 2-3 ngày, nếu thành phố không làm quyết liệt thì 1-2 tuần nữa, mức độ dịch ở TP.HCM là rất lớn.

TPHCM-Quan-Go-Vap-chinh-thuc-cach-ly-xa-hoi-nhieu-nguoi-bat-ngo-khi-bi-chan-luu-thong-anh-1-1622417987-260-width660height436

Chỉ trong 4 ngày từ 26 đến 30/5, số ca nhiễm mới COVID-19 ở TP.HCM đã tăng 143 ca, tức 36 ca/ngày. Nếu xu hướng này tiếp tục 10 ngày nữa thì tổng số ca đang điều trị ở thành phố sẽ hơn 500 người (F0). Như vậy, ngành y tế sẽ phải truy vết và cách ly 120.000 F1 và F2.

“Việc làm chậm lại hoạt động của thành phố trong 2 tuần và cách ly xã hội ở Gò Vấp là một chủ trương rất đúng, không còn con đường nào khác”, ông Nhân nêu ý kiến và cho rằng việc này cần được chuẩn bị và tổ chức triển khai rất khẩn trương. Nếu có thiếu sót phải khắc phục ngay.

Nói về quyết định giãn cách xã hội 2 tuần với một thành phố lớn nhất cả nước, GS Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh “chỉ cần chậm vài ngày thôi, tình thế sẽ rất khác". Đây cũng là bài học đã được rút ra từ các đợt dịch trước và hiện nay ở Việt Nam.

“TP.HCM xác định nếu để xảy ra dịch thì trước sau cũng phải áp dụng biện pháp cực kỳ căng thẳng, mà lúc đó thì hậu quả lớn hơn nhiều. Cho nên phải làm biện pháp hơi căng nhưng sớm để điều kia không xảy ra”, ông Nhân lý giải việc TP.HCM chọn giãn cách xã hội trong 2 tuần.

Theo ông, việc này sẽ đạt được nhiều mục tiêu. Trước hết, giãn cách xã hội 2 tuần sẽ không có di động quy mô lớn của hơn 10 triệu người dân giữa các nơi, cắt đứt sự lây lan dịch. Đây là tác dụng quan trọng nhất.

Thứ hai, 2 tuần giãn cách là thời gian để tổ chức xét nghiệm tầm soát trên diện rộng, có định hướng tùy vào đặc điểm của từng quận, huyện để ước lượng quy mô lây nhiễm cụ thể, phát hiện ổ dịch cụ thể. Từ đó, có biện pháp xử lý tiếp theo. Cùng với đó sẽ xác định rõ các F0, F1, F2 để đưa đi điều trị và cách ly.

Thứ ba, 2 tuần đó cũng là khoảng thời gian để hệ thống y tế và các cơ sở cách ly sẽ được nâng cấp, sẵn sàng đáp ứng yêu cầu chỗ cách ly và điều trị theo kết quả điều tra thực tế.

“Qua 2 tuần rà soát, nếu thấy nguy cơ cao hơn thì đó chính là khoảng thời gian vàng để chuẩn bị phương án cao hơn một cách chủ động, không gây lãng phí”, ông Nhân nói.

Ngoài ra, trong 2 tuần này, ông Nhân cho rằng các đơn vị sản xuất kinh doanh, trường học, giao thông, y tế cần rà soát lại việc thực hiện quy chế hoạt động an toàn dịch đã được thành phố ban hành từ tháng 5/2020.

Các đơn vị phải tự kiểm tra, báo cáo, sau đó thành phố sẽ có đánh giá. Như vậy, giải pháp phòng chống dịch của các doanh nghiệp và đơn vị sẽ được nâng cao tương ứng với tình hình thành phố có dịch để họ có thể vẫn hoạt động được mà không làm lây lan dịch.

“Kinh nghiệm là 2 tuần đầu tiên nếu làm tốt sẽ có tác dụng mạnh nhất. Nếu không làm bây giờ thì 2 tuần nữa tình hình sẽ khác hẳn”, ông Nhân nêu quan điểm.

Cần hướng dẫn cụ thể về giãn cách xã hội

PGS.TS Trần Đắc Phu (nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng Sự kiện y tế công cộng), đánh giá dịch bệnh ở TP.HCM phức tạp vì việc lây nhiễm diễn ra trong một nhóm người thường sinh hoạt chung trong phòng kín. Những người này có thể lây nhiễm cho nhiều người khác trong quá trình di chuyển, tiếp xúc nên các ca mắc có thể rải rác, không chỉ ở TP.HCM mà còn có thể ở một số tỉnh khác.

Số người nhiễm chưa quá cao và đang trong tầm kiểm soát nhưng lịch trình di chuyển của các ca nhiễm vẫn rất phức tạp và có khả năng lây lan rộng.

Trước mắt, ngoài việc tìm được nguồn lây nhiễm liên quan đến các ổ dịch này, ông Phu cho rằng TP.HCM cần thần tốc tìm tất cả người tiếp xúc gần với các F0 để giải quyết được việc lây lan.

Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng Sự kiện y tế công cộng đánh giá cao việc TP.HCM giãn cách xã hội cũng như phong tỏa khu vực có nguy cơ lây nhiễm cao là quận Gò Vấp. Ngoài ra, TP cũng xét nghiệm diện rộng. Đây là những giải pháp cần thiết để địa phương ngăn chặn được sự lây lan của dịch bệnh, cũng như kiểm soát được lây nhiễm cộng đồng.

Từ thực tế huyện Gò Vấp trong ngày đầu phong tỏa vẫn còn lúng túng, thậm chí phải gỡ bỏ rào chắn đã thiết lập, chuyên gia cho rằng chính quyền TP.HCM cần đưa ra hướng dẫn cụ thể để người dân hiểu thêm về Chỉ thị 15, 16 khi thực hiện giãn cách.

Đó là cho phép người dân được làm gì và không được làm gì để có căn cứ kiểm tra, xử phạt. Bên cạnh đó, lực lượng chức năng khu vực bị phong tỏa cần lên phương án giao thông một cách kỹ lưỡng để không gặp phải sự lúng túng khi áp dụng Chỉ thị 16.

Ông Phu cho rằng chính quyền địa phương có thể lập rào chốt, nhưng cần linh động để cho người ở những khu vực khác đi qua, chỉ ngăn không cho người ở Gò Vấp ra ngoài. Đồng thời, TP cần ban hành yêu cầu không cho xe dừng đón trả khách, không ở lại sinh hoạt tại khu vực đã bị phong tỏa.

Giải pháp trên vừa tránh gây ùn tắc giao thông, vừa phù hợp với quy tắc của dịch tễ học, khi người ở trong khu vực bị phong tỏa là những người có nguy cơ lây nhiễm sẽ không có cơ hội mang mầm bệnh ra ngoài cộng đồng. Trong khi đó, những người ở nơi khác vẫn có thể đi ngang qua khu vực, chỉ cần không tiếp xúc với người đang trong diện phong tỏa.

“TP.HCM cần có phương án bài bản để thực hiện giãn cách hợp lý. Vì khác với ở nông thôn chỉ có một con đường độc đạo, cách ly xã hội ở thành phố lớn sẽ khó hơn nhiều vì các con đường đều giao nhau”, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng nói.

Ngoài ra, người dân cần được tuyên truyền để không đổ xô đi siêu thị, chợ cóc, tích trữ lương thực. Việc này không khác gì tụ tập đông người trong thời điểm giãn cách xã hội. Các phương án về giao thông cũng cần triển khai hợp lý để tránh ùn tắc, tập trung quá đông người trong một thời điểm.

Chuyên gia cho biết tình hình dịch bệnh ở TP.HCM có thể kiểm soát được trong thời gian tới do TP đã áp dụng các biện pháp mạnh. Dù vậy, nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng vẫn rất cao nếu việc phong tỏa, giãn cách không được thực hiện nghiêm ngặt và người dân không có ý thức tuân thủ quy định trong sinh hoạt, giao tiếp.

Hoài Thu

comment Bình luận

largeer