Chuyên gia khuyến cáo cách phân biệt say rượu bình thường và ngộ độc rượu methanol?

Sau Tết, cơ quan khai xuân, bạn bè gặp gỡ đầu năm, có rất nhiều lý do để chúng ta nâng ly, sử dụng rượu bia. Tuy nhiên, uống quá nhiều và uống rượu không rõ nguồn gốc có thể dẫn đến tình trạng ngộ độc rượu nguy hiểm.
01/02/2023 14:21

Rượu methanol là gì?

Rượu chúng ta thường sử dụng có thành phần chính là ethanol, với công thức hóa học C2H5OH, trong khi rượu methanol thường gọi là cồn công nghiệp. Hai loại rượu này đều được lên men và chưng cất. Thế nhưng, nếu như rượu ethanol lên men từ tinh bột hoặc đường thì rượu methanol lại lên men từ nguyên liệu có chứa cellulose (gỗ). Methanol hay còn gọi là methyl alcohol có công thức hóa học là CH4O hay CH3OH được người Hy Lạp cổ tình cờ phát hiện khi thủy phân gỗ, tuy nhiên sản phẩm methanol lúc đó tồn tại dưới dạng tạp chất, lẫn với các chất khác. Methanol nguyên chất được tổng hợp lần đầu tiên bởi Robert Boyle vào năm 1661 bằng cách thủy phân gỗ Hoàng Dương. Đến nay methanol được sản xuất trong công nghiệp bằng phản ứng hóa học với cơ chất sử dụng phổ biến là carbon monocid (CO), carbon diocid (CO2) và khí hydro (H2).

tai-xuong-jpeg-3938-1648002807

(Ảnh minh họa)

Methanol có trong rượu là một chất cực độc. Methanol thường được sử dụng trong đời sống để làm dung môi trong chất tẩy rửa sơn, nước rửa kính, mực in máy photo,… Rượu methanol dễ dàng hấp thu qua ruột, da vào phổi. Sau khi vào cơ thể, nó sẽ đạt nồng độ đỉnh trong huyết tương sau 30 - 60 phút. Hóa chất này được chuyển hóa chậm ở gan. Khoảng 3% lượng methanol đưa vào cơ thể được đào thải qua phổi hoặc đào thải nguyên vẹn không thay đổi qua nước tiểu. Methanol là một chất có độc tính thấp, thế nhưng sau khi được đưa vào cơ thể, nó sẽ bị oxy hóa tạo thành formaldehyde. Chất này sau đó tiếp tục bị oxy hóa tạo thành acid formic, là thủ phạm gây độc trong các trường hợp ngộ độc rượu methanol. Quá trình oxy hóa xảy ra nhanh chóng dẫn đến acid formic tích tụ trong huyết thanh và gây độc. Sự chuyển hóa methanol và tích tụ acid formic trong võng mạc làm tổn thương võng mạc, tổn thương thần kinh thị giác, dẫn đến mù lòa, tổn thương não bộ và thậm chí có thể dẫn đến tử vong.

Làm sao để phân biệt say rượu và ngộ độc rượu methanol?

Biểu hiện của say rượu bình thường và ngộ độc rượu methanol trong giai đoạn đầu rất khó phân biệt, đặc biệt uống lẫn cả hai thứ rượu, đều có biểu hiện chếnh choáng, nói năng linh tinh rồi nói líu lưỡi, phối hợp cơ thể kém, mất thăng bằng, buồn nôn, nôn, cơ thể vật vã, khó chịu, mất ý thức.

Tuy nhiên khi ngộ độc methanol thì có biểu hiện đặc trưng là tổn thương võng mạc, hệ thần kinh không phục hồi bệnh nhân sẽ có biểu hiện mờ mắt, lơ mơ, thở nhanh và thở sâu giống như khó thở do nhiễm toan chuyển hóa (do có quá nhiều a xít formic được chuyển thành từ methanol), sau vài ngày vẫn co giật, nói ngọng, tiểu tiện, đại tiện ra quần, liệt một bên thân thể, hôn mê và nhiều trường hợp tử vong, có cả tử vong tập thể nếu cùng uống với nhau.

Cách phòng tránh ngộ độc rượu

Để tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra, mỗi người nên hạn chế uống rượu, bia để đảm bảo an toàn sức khỏe của chính mình.

Trong trường hợp phải sử dụng rượu nên lựa chọn những sản phẩm rượu rõ nguồn gốc xuất xứ. Không uống rượu khi đang uống thuốc điều trị bệnh, khi đang đói hoặc đang mệt.

Ngay khi phát hiện người bị ngộ độc rượu methanol cần chuyển đến cơ sở y tế gần nhất để giải độc kịp thời, tránh các biến chứng, di chứng nguy hiểm.

PGS.TS Nguyễn Huy Nga - Nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế

comment Bình luận

largeer