7 xét nghiệm máu nên thực hiện hằng năm

Xét nghiệm máu là một trong những xét nghiệm quan trọng, không những giúp chẩn đoán bệnh mà còn hỗ trợ tìm ra giải pháp cải thiện tình trạng sức khỏe. Dưới đây là 7 loại xét nhiệm máu được các chuyên gia sức khỏe khuyến nghị nên làm hằng năm.
31/01/2023 16:44

Xét nghiệm công thức máu toàn phần (CBC)

CBC là một trong những kiểu xét nghiệm máu cơ bản nhất, thường là một phần trong cuộc kiểm tra sức khỏe tổng quát hằng năm. Xét nghiệm này giúp xác định các thành phần khác nhau trong máu, bao gồm các tế bào hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu, huyết sắc tố hemoglobin và hematocrit. CBC được dùng để chẩn đoán bệnh thiếu máu, cũng như dùng làm xét nghiệm tầm soát các vấn đề về hệ miễn dịch và nhiều loại ung thư khác nhau.

Đối tượng nên thực hiện: Tất cả người trưởng thành.

Xét nghiệm chuyển hóa toàn diện (CMP)

Đây là loại xét nghiệm máu cung cấp thông tin về hoạt động trao đổi chất tổng thể trong cơ thể và nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2. Cụ thể, CMP thường bao gồm thông tin về hàm lượng đường huyết trong lúc đói - một chỉ dấu dùng chẩn đoán nguy cơ mắc bệnh tiểu đường hoặc bị mất cân bằng đường huyết, về các chất điện giải như natri, canxi và kali (cho biết cơ thể có bị mất nước hay không), đồng thời là xét nghiệm sàng lọc chức năng gan và thận.

Đối tượng nên thực hiện: Tất cả người trưởng thành.

Các chỉ số về thành phần trong máu giúp chẩn đoán nhiều bệnh nguy hiểm. Ảnh: Independent

Các chỉ số về thành phần trong máu giúp chẩn đoán nhiều bệnh nguy hiểm. Ảnh: Independent

Xét nghiệm hemoglobin A1C (HbA1c)

Theo các bác sĩ, xét nghiệm chỉ số đường huyết lúc đói (một phần của CMP) không phải là chỉ dấu tốt nhất phản ánh tình trạng rối loạn đường huyết. Xét nghiệm HbA1c mới là một trong những cách tốt nhất để đưa ra cảnh báo về các bệnh liên quan đến đường huyết, tình trạng kháng insulin và dấu hiệu tiền tiểu đường trước khi chúng biểu hiện thành bệnh nghiêm trọng.

HbA1c giúp đo tỷ lệ tế bào hồng cầu bão hòa với glucose. Chỉ số HbA1C càng cao thì chỉ số glucose trung bình ước tính càng cao. Kết quả HbA1c thường phản ánh mức độ đường huyết trung bình của một người trong 2-3 tháng qua, chứ không chỉ trong 1 ngày. Ngoài bệnh tiểu đường, chỉ số HbA1C cao cũng báo hiệu nguy cơ mắc bệnh Alzheimer và ung thư.

Đối tượng nên thực hiện: Người trưởng thành, đặc biệt là người bị thừa cân, có nguy cơ tiểu đường, gặp vấn đề về sinh sản, phụ nữ mắc hội chứng buồng trứng đa nang hoặc trên 45 tuổi.

Xét nghiệm lipid cơ bản

Đây là xét nghiệm máu cơ bản, dùng đo hàm lượng cholesterol “tốt” (HDL), cholesterol “xấu” (LDL) và triglyceride trong máu. Theo các chuyên gia, hàm lượng LDL trong máu cao có liên quan với nguy cơ mắc bệnh tim, trong khi tỷ lệ HDL/triglyceride cũng là một trong những chỉ dấu mạnh mẽ nhất giúp dự báo nguy cơ bị bệnh tim.

Đối tượng nên thực hiện: Tất cả người trưởng thành, đặc biệt là người có thân nhân mắc bệnh tim hoặc có các yếu tố nguy cơ khác.

Xét nghiệm máu về chức năng tuyến giáp

Rối loạn tuyến giáp là bệnh cực kỳ phổ biến ở phụ nữ, cứ 10 người thì có 1 người mắc bệnh, trong khi 60% số bệnh nhân không biết tình trạng của mình. Theo đó, suy giáp - đặc biệt là viêm tuyến giáp (Hashimoto) - là một nguyên nhân tiềm ẩn gây vô sinh và sẩy thai nhưng ít được chú ý. Đối với những chị em thuộc diện nguy cơ, các bác sĩ khuyến nghị nên thực hiện xét nghiệm máu về chức năng tuyến giáp, bao gồm 5 loại xét nghiệm về hormone TSH, T4 tự do, T3 tự do, T3 đảo ngược và 2 loại kháng thể tuyến giáp là anti-TPO và anti-thyroglobulin.

Đối tượng nên thực hiện: Tất cả phụ nữ có triệu chứng rối loạn chức năng tuyến giáp (tăng/giảm cân thất thường, mệt mỏi kinh niên, rụng tóc, hay quên, táo bón và cảm thấy buồn chán) hoặc có người thân mắc bệnh tuyến giáp.

Vitamin D trong máu

Thiếu vitamin D có thể là một yếu tố gây ra bệnh tự miễn và một số bệnh ung thư. Nếu bạn hay mệt mỏi, thì nên làm xét nghiệm về nồng độ 25-Hydroxy vitamin D trong máu. Thông thường, người khỏe mạnh có chỉ số 25-Hydroxy vitamin D ở mức trên 50 ng/mL. Nếu thấp hơn, bạn có thể phải bổ sung vitamin D.

Đối tượng nên thực hiện: Người trưởng thành, đặc biệt là người thường thấy mệt mỏi và tâm trạng kém.

Xét nghiệm bệnh thiếu máu (hoặc sắt, ferritin, folate và vitamin B12)

Đây là loại xét nghiệm thường được chỉ định cho những người cảm thấy mệt mỏi và ít năng lượng hoạt động, đặc biệt là phụ nữ. Được biết, ngoài mắc các bệnh tuyến giáp và hàm lượng vitamin D thấp, một nguyên nhân khác khiến người ta uể oải, thiếu sức sống là cơ thể đang thiếu hụt một số dưỡng chất chủ chốt - gồm sắt, ferritin, folate và vitamin B12.

Đối tượng nên thực hiện: Những ai hay thấy mệt mỏi, đặc biệt là phụ nữ trong độ tuổi sinh sản hoặc người ăn chay thuần thực vật.

Theo Mindbodygreen.com

comment Bình luận

largeer