Chuyện hy hữu: Trẻ 8 tuổi đã phình mạch máu não khổng lồ

Phình mạch máu não là một loại bệnh của dị dạng mạch máu não, gây ra nhiều ảnh hưởng đến sức khoẻ, thậm chí là tử vong.
02/11/2020 16:11

Chia sẻ tại buổi khám và tư vấn miễn phí bệnh lý dị dạng mạch máu não Bệnh viện Việt Đức tổ chức cuối tuần qua, PGS.TS Đồng Văn Hệ - Phó Giám đốc Bệnh viện, Giám đốc Trung tâm Phẫu thuật Thần kinh - cho biết, dị dạng mạch máu não có nhiều loại như: Phình động mạch não, u máu não, u máu não thể hang…

Dị dạng mạch máu não gây ra nhiều vấn đề ảnh hưởng đến sức khỏe của con người, phổ biến nhất là vỡ mạch dẫn đến đột quỵ do xuất huyết não hoặc gây áp suất tiếp giáp lên não dẫn đến động kinh co giật.

tre1604305781_7577

Nhiều người dân tới Bệnh viện Việt Đức để được khám và tư vấn miễn phí bệnh lý dị dạng mạch máu não. Ảnh: BV

Phình động mạch não là mạch máu tại một vị trí bất kỳ bị phồng lên hình túi hoặc hình thoi. Phình động mạch não sẽ nguy hiểm nếu vỡ, hoặc to chèn ép vào các cấu trúc giải phẫu xung quanh (chèn ép vào tổ chức xung quanh).

Còn u máu ở não phần lớn là bẩm sinh, không phải di truyền, bệnh hình thành trong quá trình mang thai, không phải bố mẹ truyền cho con. Tại bệnh viện đã gặp nhiều trường hợp u máu não ở trẻ em, có bệnh nhi 4-5 tuổi đã phình mạch máu não. Có trẻ 8 tuổi ở miền Trung chuyển ra đã mắc phình mạch não khổng lồ.

3–5% dân số bị dị dạng mạch máu não

Theo dịch tễ học, có 3–5% dân số bị dị dạng mạch máu não. Các chuyên gia đánh giá đây là tỷ lệ không nhỏ. Tuy nhiên, hầu hết phình động mạch não không vỡ, không có triệu trứng hay dấu hiệu bệnh. Do đó, nhiều người thường không biết hoặc bỏ qua, gây hậu quả nguy hiểm có thể dẫn đến tàn phế hoặc tử vong. 

PGS.TS Đồng Văn Hệ cho hay có nhiều người đang khỏe mạnh nhưng đột nhiên bị đau đầu dữ dội, bất ngờ vì chủ quan khiến cho việc điều trị muộn…

Phình động mạch não nguy hiểm nếu vỡ hoặc chèn ép các tổ chức xung quanh. Khi bị vỡ phình mạch, máu chảy tràn trong não và người bệnh có nhiều biểu hiện như: đau đầu dữ dội (chưa từng đau như vậy), nôn, buồn nôn, liệt, lơ mơ và hôn mê nếu chảy máu nhiều. 

Khối phình động mạch não lớn dù không vỡ có thể chèn ép gây một số triệu chứng như: đau đầu, chèn ép dây thần kinh số III gây sụp mi mắt, chèn ép dây thần kinh số II gây mờ mắt hoặc mù… 

Hầu hết các trường hợp phình động mạch não nhỏ không gây triệu chứng gì và được chẩn đoán tình cờ khi chụp não.

Để chẩn đoán xác định phình động mạch não, bác sỹ sẽ cho người bệnh chụp cắt lớp vi tính sọ não, cắt lớp vi tính mạch, cộng hưởng từ não, cộng hưởng từ mạch, chụp mạch máu não.

Hai biện pháp tốt trong phát hiện, sàng lọc phình mạch máu não là chụp cắt lớp vi tính và cộng hưởng từ. Các bệnh viện tuyến tỉnh hiện đều được trang bị hai thiết bị này. Vì thế, bệnh phình mạch não đã dễ dàng được các bác sỹ phát hiện từ tuyến dưới.

Theo PGS.TS Đồng Văn Hệ, dị dạng mạch máu dễ vỡ nếu thành mạch yếu. Tuy nhiên một người có dị dạng mạch máu não nhưng có lối sống lành mạnh, thể dục thể thao không hút thuốc lá, kiểm soát huyết áp, mỡ máu sẽ ít bị vỡ hơn những người ít vận động, rối loạn chuyển hóa, lối sống không lành mạnh,…

Do đó, để phòng chống vỡ phình mạch não, người dân nên kiểm soát huyết áp, không hút thuốc lá, giảm bớt rượu, bia, kiểm soát cân nặng, thường xuyên tập luyện đặc biệt là chạy và đi bộ rất tốt cho tim mạch, giảm nguy cơ dị dạng mạch não.

Do tỷ lệ mắc trong cộng đồng cao, ngay cả các nước phát triển cũng không khuyến cáo người dân đi tầm soát, tuy nhiên PGS.TS Đồng Văn Hệ khuyến cáo người có biểu hiện đau đầu nhiều, đau đột ngột, tê bì nửa người, liệt, mờ mắt, sụt mi, đặc biệt co giật nên đến viện. Đặc biệt, người trưởng thành lần đầu tiên bị co giật phải tới bác sỹ ngay để tiến hành tầm soát, tìm nguyên nhân, nếu để lâu dễ vỡ.

Theo ĐSVN

comment Bình luận

largeer