Công nghệ giúp chung sống an toàn cùng COVID-19

COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp khiến nhiều tỉnh, thành phố đang giãn cách xã hội. Trong bối cảnh đó, công nghệ tiếp tục được coi là một trong những mũi nhọn góp phần đảm bảo an toàn, thích ứng, chuẩn bị cho giai đoạn phục hồi, từng bước tái thiết và mở cửa kinh tế xã hội.
15/09/2021 19:17

Tại tọa đàm trực tuyến với chủ đề "Công nghệ giúp chung sống an toàn cùng COVID-19", các chuyên gia đã giải đáp những thắc mắc xung quanh việc thống nhất một ứng dụng và các công nghệ khác liên quan đến phòng chống COVID-19.

Theo ông Nguyễn Tử Quảng - Chủ tịch Tập đoàn Bkav, Kiến trúc sư trưởng Trung tâm Công nghệ phòng, chống dịch COVID-19 quốc gia, cách đây 3 tháng, bộ Thông tin và Truyền thông thành lập Trung tâm công nghệ phòng chống COVID-19 quốc gia, nhằm kết nối các phần mềm với nhau, dựa trên một thiết kế bài bản. Gần gây, Thủ tướng cũng ra quyết định, sắp tới các phần mềm sẽ phải được kết nối với nhau. Đây cũng là kết quả mà các công ty đã tham gia thực hiện trong 3 tháng qua dưới một thiết kế chung. Sắp tới, chúng ta hy vọng sẽ có một phần mềm tham gia phòng chống dịch hiệu quả, người dân có thể sử dụng thuận lợi hơn.

Hiện nay Trung tâm công nghệ phòng chống COVID đã chuẩn bị sẵn các giải pháp để đối phó với COVID-19 trong trạng thái bình thường mới. Chúng ta đang chia các tỉnh thành 2 nhóm, nhóm lây nhiễm nhiều (>100 ca mỗi ngày), và nhóm có vài chục hoặc không có ca nhiễm.

Với các tỉnh có vài chục ca nhiễm, để chúng ta sống chung với COVID-19, cần phát hiện các ca chỉ điểm của các ổ dịch mới. Như một hệ thống radar, cần phát hiện được "địch" để tiến hành các biện pháp tấn công. Đầu tiên là phát hiện các ổ dịch mới.

congnghechongcovid

"Thống kê cho thấy khoảng 15% những người nhiễm COVID sẽ bị nặng. Chúng ta sẽ thực hiện chốt chặn tại bệnh viện. Bất cứ ai có triệu chứng sẽ đều được xét nghiệm. Theo lý thuyết, tại một ổ dịch, cứ 9 người nhiễm thì có 1 người vào viện. Chốt chặn tại các bệnh viện sẽ tìm được những ca "chỉ điểm" này, từ đó truy vết khẩn trương, vét được cả ổ dịch với thời gian tính bằng ngày chứ không phải bằng tuần như trước đây",  ông Nguyễn Tử Quảng cho hay.

Một thống kê khác là khoảng 89% những người từ F1 thành F0 là người rất thân cận với F0 gốc, như người nhà, đồng nghiệp... Nhưng 11% còn lại rất khó, do họ có thể là người tiếp xúc ở nơi công cộng. Vậy có 2 giải pháp để tìm ra 11% này: Thứ nhất, hệ thống QR code: Trong thời gian tới, các địa điểm công cộng có thể đều có mã QR mà người đến phải quét QR code. Việc quét hiện cũng rất tiện; Thứ hai, cài phần mềm phát hiện tiếp xúc gần: Giả thuyết khi phát hiện được ca F0 chỉ điểm và đưa lên hệ thống, có thể tìm ra mọi địa điểm mà F0 này từng đến và quét (gọi là mốc dịch tễ). Đồng thời quét ra ở thời điểm đó, địa điểm đó có những ai cùng đến. Khi đó chúng ta sẽ không cần phải đi tìm, đi loan báo trên các phương tiện truyền thông. Phần mềm phát hiện tiếp xúc gần cũng giúp tìm ra những người đã tiếp xúc trong khoảng cách 2 mét.

Sau khi tìm ra danh sách F1, thông tin đó lại được đưa lệ hệ thống để phân tích, và đẩy về cho các đội truy vết ở các địa phương, kết hợp hợp cả công nghệ với phương thức truy vết truyền thống.

Thêm vào đó, có một điểm khác nhau lớn giữa chủng Delta và chủng gốc. Chủng gốc có chỉ số lây nhiễm hệ số 3, trong khi chủng Delta hệ số 6. Đó là lý do cần dùng công nghệ. Công nghệ giải quyết được vấn đề tốc độ. Tốc độ của virus lớn, nhưng tốc độ của công nghệ còn lớn hơn. Vì công nghệ tính bằng mili giây. Khi phát hiện được các ca chỉ điểm, chỉ cần tính bằng giây là chúng ta có thể tìm được tất cả các trường hợp F1. Tốc độ của công nghệ tạo ra sự thay đổi của loài người. Lúc trước chúng ta chưa hoàn thiện các công nghệ, nhưng nay chúng ta đang hoàn thiện và sẽ làm được.

Là lãnh đạo của công ty công nghệ, ông Nguyễn Thế Trung - Chủ tịch Công ty công nghệ DTT, Giám đốc điều hành đề án ITrithuc ủng hộ công nghệ mở và không độc quyền. Theo ông Trung, chúng ta đã có tầm nhìn rất xa, ngay từ khi làm căn cước công dân điện tử đã yêu cầu gắn mã QR. Việc này đảm bảo tất cả người dân đều được tiếp cận công nghệ công bằng. QR code này có thể cầm tay, mang nhiều hàm lượng thông tin mà bất kỳ người dân nào cũng có thể sử dụng dễ dàng.

QR code là trụ cột quan trọng của quốc gia gần 100 triệu dân, trong đó có những người không có smartphone. App chỉ là công cụ thô sơ, việc khó hơn nhiều là trung tâm công nghệ phần mềm liên thông được với nhau.

Nếu làm như cách đây một năm, chúng ta có thể tìm 100% các F1. Nhưng với chủng mới, truy vết hết F1 là không thể vì nó còn lây không triệu chứng. Con người không thể khống chế theo cách cũ. Đó là lý do chúng ta phải chuyển sang giai đoạn mới là sống chung với COVID-19. Chúng ta phải có tâm thế phù hợp. Bài toán cách đây một năm không còn đúng.

QR code là vấn đề bắt buộc phải dùng. Sau này, không chỉ chống dịch mà để bất kỳ ai cũng có thể tham gia. Hãy dồn 20% công sức để giải bài toán mang lại hiệu quả cho 80%, còn lại cũng phải chấp nhận những rủi ro nhất định. Để giải bài toán 80-20 khó hơn rất nhiều so với bài toán 100%. Ví dụ Israel, Singapore có đầy đủ công nghệ nhưng vẫn đang tìm cách giải quyết, không phải 100% nữa mà là 80-20.

Thu Trang

comment Bình luận

largeer