Cụ giáo già 94 tuổi với những hoài niệm về thời “cầm phấn viết bảng”

Vào một buổi chiều thu cuối tuần, chúng tôi cùng nhau đến thăm nhà cụ giáo già ở Tổ dân phố Hạnh, phường Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội. Cụ ông hiền từ đã có buổi trò chuyện hoài niệm về thời “cầm phấn viết bảng” cho chúng tôi nghe.
10/10/2023 08:22

Cụ ông 2 lần bị bắt đi tù, tra tấn vì tham gia phong trào “Bình dân học vụ”

Bước qua cánh cổng sắt cũ là khoảng sân gạch đỏ, hiện ra trước mắt chúng tôi là căn nhà cổ hơn trăm năm tuổi với mái ngói đã phủ rêu phong. Căn nhà đơn sơ, giản dị như chính chủ nhân của ngôi nhà. Vẫn còn đó chiếc giếng xưa cũ, vẫn còn đó những rặng cây yên bình, cụ giáo già hiền từ ngồi trước hiên nhà ngước mắt ra chào chúng tôi.

Cụ Nghiêm Bá Lý (SN 1929) năm nay đã 94 tuổi nhưng vẫn nhận ra vị khách đến chơi nhà - cô học trò cũ hơn 40 năm trước thầy giáo dạy lớp 2 tại Trường Tiểu học Tây Mỗ. Cụ Lý có 6 người con, trong đó có 3 con trai và 3 con gái. Con trai lớn của cụ đã hơn 70 tuổi, con trai thứ 2 và con dâu thứ 2 của cụ đều làm giáo viên.

Empty

Cụ Nghiêm Bá Lý bên căn nhà hơn trăm năm tuổi

Cụ ngồi bên hiên nhà với ánh chiều tà ghé qua, hiển thị như một bức tranh mộc mạc. Cụ hồi tưởng lại những kỷ niệm ngày xưa cho chúng tôi nghe về một người hiếu học, ham đọc sách, một thầy giáo trẻ với những năm tháng chiến tranh ác liệt cùng 2 lần bị bắt đi tù và những màn tra tấn kinh hãi của quân giặc.

Từng tham gia dạy “Bình dân học vụ” ở những năm tháng chiến tranh, cụ Lý đánh giá phong trào bình dân học vụ là "ánh sáng" mở ra hiểu biết cho người dân, từ đó dân trí được nâng cao, đất nước phát triển. Phong trào cũng để lại nhiều bài học có giá trị đến bây giờ. Bình dân học vụ còn cho thấy sự quan trọng của việc học tập suốt đời, học nữa học mãi.

Cũng như Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời năm 2023 được tổ chức từ ngày 2/10 đến ngày 8/10/2023 vừa qua với chủ đề "Xây dựng năng lực tự học trong kỷ nguyên số" được toàn dân hưởng ứng nhằm tiếp tục đẩy mạnh phong trào học tập sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân, giúp nâng cao nhận thức về năng lực tự học trong kỷ nguyên số; Tăng cường trách nhiệm và huy động được sự quan tâm, tham gia tích cực của các cấp chính quyền, các ngành, các tổ chức, đoàn thể, lực lượng xã hội trong việc tận dụng các nền tảng công nghệ, xây dựng, cung ứng các kênh và công cụ học tập suốt đời đa dạng, đáp ứng nhu cầu học tập của người dân; Đặc biệt là yêu cầu xây dựng năng lực tự học trong kỷ nguyên số góp phần triển khai thành công phong trào thi đua "Cả nước xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời giai đoạn 2023-2030".

Dù cụ tuổi đã cao, sức đã yếu nhưng tinh thần học tập của cụ lại là tấm gương sáng để cho các con, các cháu noi theo. Cụ vẫn thường ngày nghe đài để biết được tình hình chính trị, xã hội của Việt Nam và thế giới. Ở tuổi “xưa nay hiếm” nhưng cụ vẫn sống giản dị bên căn nhà cổ xưa cùng những hoài niệm về thời “cầm phấn viết bảng”…

Cuộc sống bình dị của cụ giáo già ở tuổi 94

Hàng ngày, cứ 6-7h sáng là cụ tỉnh dậy, sau khi vệ sinh cá nhân, cụ tự pha ít sữa uống. Chống chiếc gậy, cụ đi quanh sân, lúc thì tưới cây, nhặt lá sâu, lúc dạo quanh sân cho khuây khoả tuổi già. Sau đó, cụ được con hoặc cháu (con trai thứ hai ở sát ngay bên cạnh) mang đồ ăn sáng sang để ăn, bữa thì phở, bữa thì cháo…

Empty

Cụ thảnh thơi với cuộc sống hàng ngày bên căn nhà cổ xưa

Cụ thảnh thơi với cuộc sống hàng ngày bên căn nhà cổ xưa. Bữa nửa buổi của cụ là một vài miếng bánh ngọt. Bữa trưa đơn giản của cụ là nửa bát cơm cùng vài miếng thịt hoặc cá đã gỡ xương, bát canh nhỏ. Chiều đến cụ lại dạo một vòng quanh sân nhà, khi thì ngồi ghế đá, khi lại ngồi bên hiên nhà. Các cháu thỉnh thoảng lại sang hỏi thăm, trò chuyện với cụ lúc chiều tan học về. Đến tối cụ lại được con cháu đem đồ ăn sang, một bữa tối cùng với cơm, đồ ăn và bát canh gọn nhẹ. Trước khi đi ngủ cụ uống cốc sữa nhỏ.

Thỉnh thoảng các học trò cũ của cụ lại đến nhà thăm cụ. “Mấy ngày trước, có 1 cậu học trò và 2 con trai đã đến thăm tôi từ khi tôi dạy học cách đây 60 năm ở trường cũ”, Cụ vui vẻ với nụ cười móm mém chia sẻ. Niềm vui tuổi già của cụ chắc có lẽ chỉ cần có vậy, mỗi ngày có các con, các cháu sang hỏi thăm, trò chuyện, hay thi thoảng có những người học trò cũ đến thăm là cụ vui vẻ kể chuyện ngày xưa mãi không dứt.

“Gương mặt trò, thầy làm sao nhớ hết

Hình bóng thầy, trò mãi mãi mang theo”

Hình ảnh về người thầy giáo đeo kính trắng năm xưa, ngày ngày đạp xe tới trường phía sau là chiếc cặp sách đen đựng giáo án được chằng cẩn thận bằng dây chun cắt ra từ săm xe đạp hỏng cứ theo mãi bao thế hệ học trò lớn lên cùng năm tháng. Trong sự trưởng thành ngày hôm nay của những cô cậu học trò năm xưa là nhờ ơn dạy dỗ của cụ giáo già ngày ấy.

Empty

Cụ ông hiền hậu, nhân từ ngồi bên hiên nhà trong ánh chiều tà

Cụ được Nhà nước trao Huân chương chống Pháp hạng Nhì, Huy chương Kháng chiến chống Pháp hạng Nhì, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhì. Cụ có chút lương hưu giáo viên và ít phụ cấp cán bộ bị địch bắt tù đày hàng tháng.

Cụ với tuổi trẻ vất vả, bị tù đày, tra tấn và giờ đây tuổi cao, sức khoẻ đã yếu, mắt bị hỏng một bên do ảnh hưởng của việc bị tra tấn thời chiến tranh. Đôi mắt ấy, thân thể ấy có những dấu tích của chiến tranh nhưng cụ vẫn rất minh mẫn, tác phong chỉn chu của một thầy giáo. Ông trời phú cho cụ đến giờ không mắc bệnh gì, không phải bổ sung thực phẩm chức năng mà lại có nước da hồng hào, giọng nói truyền cảm ấm áp.

Qua các câu chuyện của cụ Lý, chúng tôi như hiểu thêm về những thời gian khó của cụ khi xưa, như hiểu thêm về một người hiếu học, ham học và thích kể chuyện. Kết thúc buổi trò chuyện là đã sẩm tối, chúng tôi chào cụ ra về, cụ chống gậy ra tận cổng tiễn chúng tôi. Hình ảnh về cụ ông hiền hậu, nhân từ ngồi bên hiên nhà trong ánh chiều tà với những hoài niệm chuyện xưa như một bức tranh giản dị mà rất đỗi mộc mạc thân thương.

 Dương Hương - Nguyễn Trang

comment Bình luận

largeer