Cứu sống bé gái 14 tuổi ở TPHCM bị nguy kịch do uống thuốc trừ sâu

Bé gái được bệnh viện và các y bác sĩ điều trị tích cực, do ngộ độc nặng và có lúc rất nguy kịch, khi uống thuốc trừ sâu.
04/10/2021 17:42

BS CK2 Nguyễn Minh Tiến, Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố (TP.HCM) cho biết vừa qua bệnh viện vừa tiếp nhận một bé gái (14 tuổi, ngụ Tiền Giang) bị ngộ độc thuốc trừ sâu do bệnh viện địa phương chuyển đến.

Khai thác thông tin, các bác sĩ ghi nhận bé uống thuốc trừ sâu Dragomy 585EC (hoạt chất chlorpyrifos ethyl 53% + Cypermethrin 5.5%). Sau uống, bé vật vã nôn ói nhiều, 3 giờ sau được đưa đến bệnh viện huyện sơ cứu rồi chuyển bệnh viện tỉnh.

Tại đây, bé lừ đừ, môi tái thở mệt được cho thở oxy, chi ấm mạch rõ, tim đều, phổi ran ẩm ít, nhiều đàm nhớt ở miệng... Bé được xử trí rửa dạ dày, than hoạt tính, truyền thuốc giải độc, tuy nhiên, tình trạng bé không cải thiện nên được chuyển viện.

8

Bé gái được chăm sóc tại Khoa hồi sức tích cực chống độc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố

Tại Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố, bé gái ở trong tình trạng lơ mơ, khó thở, rung cơ tứ chi, phổi ít ran ẩm, miệng nhiều đàm nhớt, đồng tử 2 mm 2 bên. Bé được hỗ trợ hô hấp, tiếp tục rửa dạ dày để tiếp tục loạt bỏ độc chất, sử dụng than hoạt tính qua ống thông dạ dày để hấp thu độc chất còn lại trong đường tiêu hóa, truyền thuốc giải độc, điều chỉnh rối loạn điện giải.

Tình trạng trẻ diễn tiến phức tạp khi tiếp tục có những cơn rung giật thớ cơ ở chi, ngực, cổ, suy hô hấp, lơ mơ, hôn mê nên được đặt nội khí quản giúp thở, tăng liều thuốc giải độc. Tình trạng trẻ cải thiện lâm sàng một phần nên được tiếp tục điều trị tích cực tại Khoa Hồi sức tích cực Chống độc.

Qua tiếp xúc hỏi thăm gia đình, cậu của bé kể lại bé không bị gia đình la rầy gì mà gần đây có sử dụng điện thoại chơi facebook, nhắn tin, có mâu thuẫn với bạn trai nên giận làm liều. Chai thuốc trừ sâu rầy người nhà mua để pha phun diệt sâu rầy lúa, cây ăn quả.

BS Tiến lưu ý quý phụ huynh cần quan tâm gần gũi với trẻ vị thành niên để hiểu tâm tư nguyện vọng của trẻ, nắm bắt những vấn đề xung đột tâm lý, những hoạt động không lành mạnh, tránh để trẻ có hành động bồng bột.

Gia đình nên làm bạn với trẻ, khuyên răn, giải thích, không áp đặt, không cấm đoán mà hỗ trợ, định hướng để trẻ vị thành niên phát triển tối ưu khả năng, năng lực của trẻ.

Theo Pháp Luật TPHCM

comment Bình luận

largeer