Đại dịch COVID-19 đã tạo ra một nước Mỹ mới

Những kỳ vọng về một tương lai tốt đẹp sau đại dịch COVID-19 tại Mỹ đang bị dập tắt bởi nạn bạo lực súng đạn cùng những thách thức nền kinh tế gặp phải trước sự chuyển đổi bất ngờ.
28/06/2021 10:42

Mỹ dường như đã vượt qua làn sóng COVID-19 tồi tệ nhất. Nỗ lực triển khai tiêm chủng 300 triệu liều vaccine đã đem cuộc sống của hàng triệu người dân quay trở lại bình thường.

Một nhiệm kỳ tổng thống mới đã đặt tầm quan trọng của khoa học lại đúng vị trí của nó. Hơn 600.000 người chết được tưởng nhớ thay vì lãng quên.

Thế nhưng, bất chấp những hy vọng về sự chuyển mình nhanh chóng tại xứ sở cờ hoa, đại dịch kinh hoàng đã làm thay đổi xã hội Mỹ theo những cách không tưởng, CNN đưa tin.

k1

Quán ăn mở lại trên vỉa hè Brooklyn (Ảnh: New York Times)

Nền kinh tế Mỹ đang đứng trước kịch bản về một cuộc khủng hoảng mới khi nguồn cung không đủ đáp ứng cho nhu cầu bùng nổ của người dân sau đại dịch.

Nhiều ngành kinh tế nước này như du lịch, hàng không phải vật lộn trước những chuyển biến nhanh chóng do COVID-19 tác động trên mọi khía cạnh xã hội.

Và trên tất cả, đó là sự trở lại “chói tai” của cơn ác mộng dai dẳng tại Mỹ: Bạo lực súng đạn.

Các thành phố như San Francisco và New York dường như quay lại thời kỳ đen tối trong quá khứ, khi mà “bóng ma” súng đạn là nỗi “ám ảnh” trong tâm trí mỗi người dân.

Câu hỏi đặt ra là liệu những mất mát dồn nén trong nhiều tháng giãn cách xã hội, cùng các vấn đề sức khỏe tâm thần có phải là nguyên nhân dẫn đến một quốc gia ngập trong súng đạn.

Bạo lực gia tăng

Vào thời điểm Mỹ dỡ bỏ lệnh hạn chế COVID-19 và bước vào một mùa hè mới tràn đầy hy vọng, khắp đất nước liên tục ghi nhận sự gia tăng đột ngột về bạo lực súng đạn.

Các vụ xả súng hàng loạt đã được báo cáo từ Oregon, Louisiana cho đến Michigan.

Trong 2 hôm 19-20/6, 10 vụ xả súng hàng loạt đã diễn ra trên khắp 9 bang khiến 7 người thiệt mạng và ít nhất 45 người khác bị thương, theo dữ liệu do CNN và Gunviolencearchive.org tổng hợp.

Chỉ tính riêng trong năm nay, đã có 293 vụ xả súng hàng loạt khiến 4 người trở lên bị thương được ghi nhận tại Mỹ.

Các phòng cấp cứu chứa đầy bệnh nhân COVID-19 tuyệt vọng cách đây một năm, giờ đây đang điều trị cho các nạn nhân của một “đại dịch” khác - bạo lực súng đạn.

k2

Các vụ xả súng hàng loạt tại Mỹ lại gia tăng (Ảnh: Chet Strange)

Tại thành phố New York, các vụ xả súng đã tăng 73% trong tháng 5 so với cùng kỳ năm 2020.

Hôm 14/6, một người đàn ông đã bắn chết nhân viên thu ngân tại siêu thị ở thành phố Decatur, bang Georgia chỉ vì tranh cãi đeo khẩu trang.

Một số cảnh sát nhận định tình trạng này xuất phát từ nhiều yếu tố khác nhau, bao gồm căng thẳng tâm lý, áp lực kinh tế, bùng nổ doanh số bán súng và những bất ổn sau cái chết của người da màu George Floyd.

"Chúng tôi chứng kiến trạng thái tâm lý của nhiều người thay đổi vì thách thức mà đại dịch COVID-19 đặt ra, từ gánh nặng kinh tế cho đến nỗi lo lắng, căng thẳng và sợ hãi", Cảnh sát trưởng Murphy Paul thuộc Sở Cảnh sát Baton Rouge, Louisiana, cho biết.

“Chúng ta phải đối phó với những nguyên nhân gây ra tội ác và việc bắt giữ đơn thuần sẽ không thể giải quyết tận gốc vấn đề này".

Khó có thể quay trở lại

Nền kinh tế Mỹ đang đối mặt với thời kỳ hậu đại dịch theo cách chưa từng có trong lịch sử.

Sự mất cân bằng trong cung và cầu đẩy Mỹ vào một tình thế rất khác so các cuộc khủng hoảng kinh tế trước đây.

Những khách hàng đã được tiêm phòng đổ xô đến các nhà hàng sau khi mở cửa. Nhưng nan giải thay, đôi khi nhà hàng không có đủ bồi bàn và đầu bếp phụ để phục vụ họ.

Một số nhân viên đã rời đi vì đại dịch. Một số khác dựa vào trợ cấp thất nghiệp của chính phủ để trang trải cuộc sống thay vì đi làm.

Hàng triệu người Mỹ cũng quay trở lại bầu trời, nhưng tình trạng thiếu phi công cùng các vấn đề bảo dưỡng máy bay đang khiến mạng lưới hàng không phải “gồng mình".

Tương tự ngành hàng không, các khách sạn đang trải qua một giai đoạn khó khăn vì không kịp chuẩn bị trước sự thay đổi đột ngột.

"Trong 15 tháng, chúng tôi đã cố gắng tìm kiếm khách ở bất cứ đâu có thể", ông Chip Rogers, chủ tịch kiêm giám đốc điều hành của Hiệp hội Nhà nghỉ và Khách sạn Mỹ, cho biết.

“Bây giờ khách hàng đã quay trở lại, du lịch giải trí dần hồi phục. Thế nhưng, chúng tôi lại không có đủ nhân viên ở nhiều nơi quan trọng. Đây là một thách thức rất lớn".

Các chỉ số cho thấy nền kinh tế Mỹ đang trên đà phát triển trở lại với tỷ lệ cơ hội việc làm đầy triển vọng, các ngân hàng phát triển mạnh mẽ và thị trường nhà đất nóng lên.

Tuy nhiên, việc đi tắt đón đầu đại dịch dường như đã làm sâu sắc thêm những bất bình đẳng hiện có. Sự bùng nổ lớn về nhu cầu và những rắc rối trong chuỗi cung ứng do các tuyến thương mại toàn cầu bị gián đoạn đang làm trầm trọng thêm nỗi lo lạm phát tăng vọt.

Nền kinh tế cũng đang dần thay đổi. Nhiều người vẫn làm việc tại nhà và một số có thể không bao giờ muốn trở lại văn phòng sau 16 tháng làm trực tuyến.

Và trong “thời đại Zoom", khi người ta nhận thấy các chuyến công tác có thể dễ dàng thay bằng hội nghị trực tuyến an toàn và dễ dàng, nền kinh tế dựa vào ngành du lịch sẽ phải đối mặt với bài toán khó khăn vì mất một lượng khách hàng lớn.

k3

Ngành hàng không Mỹ đứng trước nhiều thách thức (Ảnh: Bloomberg)

Chính quyền ông Biden đã có những nỗ lực để cải thiện cuộc sống của người Mỹ sau một năm đầy thách thức vì sự quản lý yếu kém của chính phủ cũ khi đối phó đại dịch.

Thế nhưng, những căng thẳng và vấn đề xã hội đang nổi lên trong giai đoạn mở cửa trở lại gần đây là lời nhắc nhở về cú sốc mới có thể đè bẹp mọi chính quyền bất cứ lúc này. Và sớm muộn gì, những vấn đề này cũng sẽ nằm trên bàn nghị sự của tổng thống Mỹ.

(Theo Zingnews)

comment Bình luận

largeer