Đại diện Bộ Y tế làm việc với UBND tỉnh Lai Châu về công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe Nhân dân trên địa bàn
Tham gia đoàn công tác có ông Matt Jackson, Trưởng đại diện Quỹ Dân số Liên Hợp quốc (UNFPA); PGS.TS. Phan Lê Thu Hằng, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính; Ths.BS. Đinh Anh Tuấn, Vụ trưởng, Vụ Sức khỏe Bà mẹ-Trẻ em; đại diện một số Vụ, Cục thuộc Bộ Y tế, các cán bộ UNFPA tại Việt Nam cùng các đơn vị liên quan.
Tiếp đoàn công tác có đồng chí Tống Thanh Hải, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo: Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Sở Ngoại vụ, Ban Dân tộc tỉnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh; lãnh đạo Sở Y tế và một số phòng, đơn vị liên quan trực thuộc Sở Y tế; đại diện lãnh đạo Văn phòng UBND tỉnh và chuyên viên theo dõi lĩnh vực…
Đoàn công tác của Bộ Y tế do GS.TS.Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế làm trưởng đoàn làm việc với UBND tỉnh Lai Châu về công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe Nhân dân trên địa bàn
Báo cáo tại buổi làm việc, đại diện Sở Y tế tỉnh Lai Châu cho biết: thời gian qua được sự quan tâm của Bộ Y tế, cùng sự nỗ lực của đội ngũ cán bộ y tế của ngành Y tế Lai Châu đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ như: Công tác khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe Nhân dân và phòng, chống dịch bệnh tiếp tục được thực hiện tốt; bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế phục vụ công tác khám, chữa bệnh cho Nhân dân; chú trọng nâng cao chất lượng chẩn đoán, điều trị, chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh tại tất cả các tuyến; phát hiện, xử lý kiểm soát tốt các loại dịch bệnh, không để bùng phát trên diện rộng; duy trì việc tiêm phòng các loại vaccine cho các đối tượng, bảo đảm kịp thời; thực hiện tốt các chương trình phòng, chống bệnh không lây nhiễm như tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn thiếu hụt Iốt.
Ông Matt Jackson, Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam phát biểu
Cụ thể, trong công tác khám, chữa bệnh năm 2023, toàn ngành Y tế tỉnh Lai Châu đã khám cho tổng số 1.133.062 lượt bệnh nhân, tăng hơn 67 nghìn lượt so với năm 2022; số lượt khám, chữa bệnh của người dân đạt 2,3 lượt người/năm. Tổng số bệnh nhân tăng huyết áp hiện đang được quản lý là gần 20 nghìn bệnh nhân, số bệnh nhân hiện đang điều trị trên địa bàn toàn tỉnh là 10.191 bệnh nhân; số bệnh nhân đái tháo đường hiện đang quản lý là 1.787 bệnh nhân; tổng số bệnh nhân bướu cổ hiện đang quản lý là 1.751 bệnh nhân, trong đó số bệnh nhân đang điều trị trên toàn tỉnh là 350 bệnh nhân.
Các đại biểu Bộ Y tế phát biểu tại buổi làm việc
Riêng công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em và kế hoạch hóa gia đình, nhất là chăm sóc sức khỏe bà mẹ trước, trong và sau sinh những năm qua đều đạt và vượt chỉ tiêu giao của ngành. Cụ thể, số phụ nữ đẻ được khám thai ít nhất ba lần trong 3 thời kỳ thai nghén đạt hơn 70%; số phụ nữ đẻ được cán bộ y tế đỡ có kỹ năng đạt hơn 70%; tỷ lệ phụ nữ và trẻ sơ sinh được chăm sóc tại nhà trong vòng 42 ngày sau đẻ đạt hơn 80%...
Đại biểu đại diện tỉnh Lai Châu phát biểu
Công tác phòng, chống suy dinh dưỡng và cải thiện tình trạng dinh dưỡng ở bà mẹ, trẻ em đã được triển khai lồng ghép trong Chương trình “Chăm sóc dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời nhằm phòng, chống suy dinh dưỡng bà mẹ, trẻ em, nâng cao tầm vóc người Việt” tỷ lệ trẻ từ 6 đến 60 tháng tuổi được uống vitamin A năm 2023 đạt 98,9% (tăng 0,7% so với năm 2022); tỷ lệ bà mẹ sau đẻ một tháng được uống vitamin A đạt 93,2%; duy trì cho phụ nữ mang thai và bà mẹ sau đẻ một tháng uống bổ sung viên đa vi chất tại bốn huyện đặc biệt khó khăn là: Sìn Hồ, Phong Thổ, Mường Tè, Nậm Nhùn theo quyết định 275/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đạt hơn 80%.
Chia sẻ về công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe Nhân dân trên địa bàn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lai Châu Tống Thanh Hải cho biết: Bên cạnh những chuyển biến tích cực nêu trên, công tác chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ Nhân dân nói chung, công tác chăm sóc sức khoẻ bà mẹ - trẻ em và kế hoạch hóa gia đình của tỉnh Lai Châu vẫn còn gặp không ít khó khăn, hạn chế cần sự quan tâm chung tay giải quyết của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp Nhân dân trên địa bàn đó là tình trạng tảo hôn, sinh đẻ ở tuổi vị thành niên; hôn nhân cận huyết thống vẫn đang là vấn đề nhức nhối nhất là ở vùng cao, vùng sâu tác động đến chất lượng dân số trên địa bàn.
Ngoài ra, tỷ lệ suy dinh dưỡng, tỷ lệ phụ nữ đẻ tại nhà vẫn cao; tỷ lệ phụ nữ mang thai và trẻ sơ sinh được tầm soát các bệnh còn thấp. So với toàn quốc, chỉ số tử vong mẹ, tử vong trẻ em, suy dinh dưỡng trẻ em tuy đã giảm, nhưng còn cao hơn so với trung bình của toàn quốc, đặc biệt là các huyện nghèo. Cơ sở vật chất, trang thiết bị cho Khoa Sản, Khoa Nhi ở nhiều bệnh viện tuyến huyện còn thiếu thốn, chưa đáp ứng được nhu cầu chăm sóc điều trị cấp cứu sản phụ và trẻ em, trẻ sơ sinh; kinh phí cấp cho hoạt động các chương trình chưa đáp ứng được nhu cầu, một số chương trình không có kinh phí hoạt động, chủ yếu được thực hiện lồng ghép nên chất lượng, hiệu quả chưa cao.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lai Châu Tống Thanh Hải phát biểu tại buổi làm việc
UBND tỉnh Lai Châu mong muốn Bộ Y tế tiếp tục tạo điều kiện, hỗ trợ ngành Y tế tỉnh Lai Châu được tiếp nhận các dự án đầu tư phát triển hệ thống y tế, các nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các đơn vị y tế của tỉnh để nâng cao hơn nữa chất lượng chăm sóc sức khỏe Nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh; hỗ trợ kinh phí tập huấn cập nhật về đào tạo, tập huấn cho cán bộ y tế, cô đỡ thôn bản, y tế thôn bản về kỹ năng đỡ đẻ, chăm sóc sức khỏe bà mẹ - trẻ em. Đồng thời, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lai Châu Tống Thanh Hải đề nghị UNFPA và các tổ chức quốc tế tiếp tục hỗ trợ các nguồn lực để đáp ứng tốt hơn nhu cầu chăm sóc sức khỏe bà mẹ - trẻ em, chăm sóc sơ sinh và chăm sóc trẻ nhỏ, nhất là tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số của tỉnh.
GS.TS. Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế phát biểu tại buổi làm việc
Phát biểu ý kiến tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho rằng: Để triển khai đồng bộ có hiệu quả các mục tiêu, chỉ tiêu, kế hoạch về công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe Nhân dân nói chung và công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em nói riêng, UBND tỉnh Lai Châu Châu tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; Nghị quyết 20-NQ/TW, Nghị quyết số 21/NQ-TW của Ban Chấp hành Trung ương “về tăng cường công tác bảo vệ chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân trong tình hình mới” và “công tác dân số trong tình hình mới”; tăng cường kiểm tra, giám sát việc triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh, tuyệt đối không lơ là, chủ quan, tránh để dịch bệnh bùng phát trên địa bàn, nhất là các dịch bệnh mới nổi; nghiên cứu, tham mưu ban hành các chính sách thu hút nguồn nhân lực y tế chất lượng cao đối với một số chuyên ngành còn thiếu tại địa phương như sản-phụ, nhi khoa, hồi sức tích cực, truyền nhiễm, cấp cứu ngoại viện.
Các đơn vị y tế cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý sức khỏe người dân thông qua việc phát triển các ứng dụng như bệnh án điện tử, hồ sơ sức khỏe và sổ theo dõi sức khỏe điện tử; kết nối các nền tảng dữ liệu khám bệnh, chữa bệnh với các phần mềm thống kê y tế, hồ sơ sức khỏe điện tử.
Mặt khác, thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm cải thiện tình trạng sức khỏe và dinh dưỡng của bà mẹ và phụ nữ độ tuổi sinh đẻ; tập trung vào giảm tử vong mẹ, giảm tử vong trẻ em, đặc biệt ưu tiên vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số; thực hiện đầy đủ chính sách phụ cấp, sử dụng hiệu quả đội ngũ cô đỡ thôn, bản để tạo điều kiện thuận lợi cho đội ngũ này hoạt động hiệu quả, tiếp tục góp phần quan trọng trong công tác chăm sóc sức khỏe, giảm tử vong mẹ, tử vong trẻ em ở đồng bào các dân tộc vùng khó khăn.
Đối với các đề nghị của ngành Y tế tỉnh Lai Châu, Thứ trưởng Trần Văn Thuấn đề nghị các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế, cũng như các tổ chức quốc tế tiếp tục nghiên cứu, hỗ trợ các nguồn lực để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các cơ sở y tế tuyến huyện, tuyến tỉnh. Bộ Y tế sẵn sàng đáp ứng các yêu cầu hỗ trợ về chuyên môn, kỹ thuật của từ các Bệnh viện tuyến Trung ương cho các cơ sở y tế tuyến tỉnh, huyện dựa trên nhu cầu thực tế của địa phương để từng bước đưa các dịch vụ y tế chất lượng cao đến người dân trên địa bàn, nhất là tại các khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc ít người.
Sau buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cùng đoàn công tác đã có buổi thăm, tặng quà bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lai Châu.
Một số hình ảnh Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cùng đoàn công tác đã thăm, tặng quà bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lai Châu:
PGS.TS.Phan Lê Thu Hằng, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch-Tài chính (Bộ Y tế), Giám đốc Dự án "Tăng cường tiếp cận công bằng tới thông tin và dịch vụ sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục toàn diện cho các nhóm dân cư dễ bị tổn thương" tham luận tại buổi làm việc
Tham luận tại buổi làm việc, PGS.TS.Phan Lê Thu Hằng, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch-Tài chính (Bộ Y tế), Giám đốc Dự án "Tăng cường tiếp cận công bằng tới thông tin và dịch vụ sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục toàn diện cho các nhóm dân cư dễ bị tổn thương" cho rằng xét về chỉ số thống kê, tuy là tỉnh đặc biệt khó khăn tuy nhiên Lai Châu đã dành nhiều quan tâm chăm lo đầu tư cho hệ thống y tế biểu hiện các chỉ số đầu vào tương đối khá như số bác sĩ/1 vạn dân, điều dưỡng/1 vạn dân, giường bệnh/1 vạn dân, số trạm y tế xã đạt chuẩn quốc gia, số trạm y tế xã có bác sỹ, y sỹ, nữ hộ sinh...
Tuy nhiên, phân tích thực tiễn, theo PGS.TS.Phan Lê Thu Hằng việc tiếp cận dịch vụ y tế tại Lai Châu khó khăn trên cả 3 phương diện địa lý, văn hoá, tài chính. Do đặc thù như vậy ảnh hưởng nhiều đến công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân nên chỉ số sức khỏe cơ bản so với bình quân cả nước còn khoảng cách tương đối xa, như tỷ suất tử vong mẹ, tỷ suất tử vong trẻ em, tỷ lệ suy dinh dưỡng của trẻ em dưới 1 tuổi, dưới 5 tuổi. Để nâng cao hiệu quả công tác chăm sóc và bảo vệ nâng cao sức khỏe người dân Lai Châu, thu hẹp dần khoảng cách so với bình quân cả nước, Lai Châu cần xây dựng mạng lưới y tế cơ sở thực sự vững mạnh.
"Với các địa phương rất khó khăn như Lai Châu, đội ngũ y tế thôn bản, đặc biệt cô đỡ thôn bản cũng như cán bộ trạm y tế xã có vai trò rất quan trọng trong công tác chăm sóc sức khoẻ ban đầu nói chung cũng như chăm sóc sức khoẻ bà mẹ trẻ em nói riêng, do đó tỉnh cần phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của đội ngũ nhân lực y tế này", PGS.TS.Phan Lê Thu Hằng nhấn mạnh.
Cùng đó, các trạm y tế xã phải được đầu tư hạ tầng kỹ thuật, trang thiết bị y tế cơ bản, thuốc thiết yếu và đặc biệt đủ nhân lực bác sĩ, nữ hộ sinh hoặc y sĩ sản nhi để thực hiện đầy đủ 3 chức năng cốt lõi là dự phòng, khám chữa bệnh và hộ sinh.
Với Trung tâm y tế huyện cùng cần đầu tư phát triển đơn nguyên sản sản nhi, đơn nguyên sơ sinh vì có vai trò quan trọng trong việc giảm tử vong mẹ, tử vong sơ sinh và tử vong trẻ em.
Bên đó, định hướng của Bộ Y tế thời gian tới là từng bước mở rộng khả năng tiếp cận và sử dụng dịch vụ y tế chuyên sâu ở khu vực khó khăn, do đó Lai Châu cần nghiên cứu, có phương án mở rộng qui mô của Bệnh viện Đa khoa tỉnh và thành lập Trung tâm Sản-Nhi nằm trong Bệnh viện Đa khoa tỉnh giúp cải thiện khả năng tiếp cận các dịch y tế tuyến chuyên sâu ngay trên địa bàn tỉnh.
"Và đặc biệt cần tăng cường kết nối giữa cơ sở y tế của Lai Châu với các bệnh viện tuyến Trung ương để có sự hỗ trợ kỹ thuật thường xuyên", PGS.TS.Phan Lê Thu Hằng lưu ý.
Cùng đó, Lai Châu phải đảm bảo nâng cao năng lực của hệ thống y tế dự phòng để đối phó với cả 3 loại dịch bệnh như dịch bệnh truyền thống; các dịch bệnh tái nổi; dịch bệnh mới nổi… cũng như tăng cường liên kết vùng trong phòng, chống dịch bệnh...
Theo Bộ Y tế
- Sản phẩm vì sức khỏe
-
Hội nghị Quốc tế “Cập nhật chẩn đoán và điều trị bệnh lý mũi xoang và đầu – cổ”
Tại Việt Nam, mỗi năm có hơn 20% dân số phải sống chung với viêm mũi xoang mạn tính, trong khi ung thư đầu cổ chiếm tới 10% tổng số ca ung thư - những con số vô cùng đáng báo động. Trước sự gia tăng nhanh chóng của các ca bệnh, việc nâng cao chất lượng chẩn đoán và điều trị bệnh lý mũi xoang và đầu - cổ đã trở nên vô cùng cấp thiết.November 22 at 3:53 pm -
Đau hơn sau khi tiêm tế bào gốc trong điều trị thoái hóa khớp: Điều bình thường và cách xử lý
Liệu pháp tế bào gốc mang lại hy vọng cho người bệnh trên hành trình tìm kiếm giải pháp cải thiện và giảm bớt đau đớn từ chấn thương hoặc các bệnh lý mãn tính.November 20 at 5:33 pm -
Mở khóa thanh xuân, trẻ khỏe toàn diện với liệu pháp tế bào gốc
Lão hóa là một quá trình phức tạp, không chỉ ảnh hưởng đến làn da, mái tóc mà còn tác động đến cấu trúc và chức năng của các cơ quan bên trong cơ thể. Ngày nay với sự phát triển vượt bậc của y học tái tạo, liệu pháp tế bào gốc được ứng dụng toàn diện giúp cơ thể khỏe mạnh từ bên trong, đồng thời duy trì nét tươi trẻ, rạng rỡ bên ngoài, làm chậm quá trình lão hóa.November 20 at 5:33 pm -
Tầm nhìn “Borderless Future” - Định hình tương lai không biên giới tại nơi làm việc tốt nhất Việt Nam
Ngày 19/11/2024, tại Hội nghị Nơi làm việc tốt nhất Việt Nam 2024, khi cái tên Unilever Việt Nam được xướng lên ở vị trí số 1 trong danh sách 100 doanh nghiệp lớn có môi trường làm việc tốt nhất, đó không chỉ là khoảnh khắc đáng tự hào mà còn là sự khẳng định cho tầm nhìn, những nỗ lực bền bỉ của một doanh nghiệp Top 1 ngành FMCG trong hành trình xây dựng môi trường làm việc hiện đại, bền vững.November 20 at 5:20 pm