Thứ Ba, 3/12/2019 02:20
RSS
Hotline: 0913019054

Đại thắng mùa xuân năm 1975 và kỷ nguyên hòa bình, thống nhất, cả nước quá độ lên chủ nghĩa xã hội

Vào 11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975 lá cờ Cách mạng tung bay trên nóc Phủ Tổng thống ngụy quyền Sài Gòn, báo hiệu sự toàn thắng của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, mở ra kỷ nguyên mới cho dân tộc: Kỷ nguyên cả nước hòa bình, thống nhất, đi lên chủ nghĩa xã hội.
17/04/2025 13:23

Hiệp định Giơnevơ được ký kết ngày 21/7/1954 đã chấm dứt 96 năm xâm lược, đô hộ của thực dân Pháp đối với Việt Nam, từ vĩ tuyến 17 trở ra miền Bắc hoàn toàn giải phóng. Tuy nhiên, với âm mưu hất cẳng Pháp, độc chiếm Đông Dương, biến nơi đây thành thuộc địa kiểu mới, căn cứ quân sự, đế quốc Mỹ tìm cách phá hoại Hiệp định Giơnevơ và từng bước can thiệp trực tiếp vào cuộc chiến tranh Đông Dương.

Để thực hiện mưu đồ đó, bằng sức mạnh kinh tế và quân sự, đế quốc Mỹ đã sử dụng các thủ đoạn về chính trị, kinh tế, quân sự, văn hóa… nhanh chóng thiết lập bộ máy chính quyền tay sai Việt Nam Cộng hòa, viện trợ quân sự, xây dựng lực lượng ngụy quân tiến hành đàn áp, khủng bố phong trào cách mạng miền Nam thông qua chính sách “tố cộng, diệt cộng”, lập “khu trù mật”, “khu dinh điền”,… Từ năm 1958, Mỹ và chính quyền Ngô Đình Diệm đẩy mạnh khủng bố, liên tiếp mở các cuộc hành quân càn quét, dồn dân quy mô lớn vào các trại tập trung. Mỹ - Ngụy đẩy mạnh chính sách phát xít hoá, đàn áp cách mạng miền Nam, ra đạo Luật 10/59 vào ngày 6-5-1959.

Trong 21 năm chiến tranh xâm lược Việt Nam (1954 – 1975), Mỹ và Ngụy đã thực thi 4 chiến lược chiến tranh tại miền Nam Việt Nam: Chiến tranh đơn phương (1954 – 1960); Chiến tranh đặc biệt (1961 – 1965); Chiến tranh cục bộ (1965 – 1968), với việc quân đội Mỹ và chư hầu trực tiếp tham chiến tại chiến trường miền Nam; Việt Nam hóa chiến tranh (1969 – 1973). Đồng thời tiến hành 2 cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc (lần thứ nhất 1964 – 1968 và lần thứ hai năm 1972).

Dưới sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt, Đảng ta đã từng bước đề ra và hoàn chỉnh đường lối cách mạng phù hợp với tình hình mới: Cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và cách mạng dân tộc dân chủ Nhân dân ở miền Nam. Thực hiện đường lối cách mạng của Đảng, miền Bắc đã từng bước phát huy vai trò hậu phương lớn, vừa sản xuất vừa chiến đấu với tinh thần “Mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt”, “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, thanh niên “ba sẵn sàng”, phụ nữ “ba đảm đang”, quân đội “cờ ba nhất”, “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, “Xe chưa qua, nhà không tiếc”... chi viện cho tiền tuyến lớn – miền Nam thông qua 5 còn đường Hồ Chí Minh “huyền thoại” (đường 559, đường trên biển, đường xăng dầu, con đường tiền tệ và con đường hàng không).  Miền Nam phát huy vai trò “tiền tuyến lớn” đã không phụ tình cảm thiêng liêng đặc biệt của hậu phương lớn với các phong trào “Bám đất, giữ làng”, “Một tấc không đi, một li không dời”, “Giết giặc lập công”, “Tìm Mỹ mà đánh, tìm ngụy mà diệt”… Tất cả đều hướng đến mục tiêu độc lập, hòa bình và thống nhất đất nước.

Với quyết tâm đó, quân và dân ta đã từng bước đánh bại 4 chiến lược chiến tranh xâm lược của Mỹ - Ngụy ở miền Nam và 2 cuộc chiến tranh phá hoại ở miền Bắc, tạo đà thắng lợi trên mặt trận ngoại giao để kết thúc chiến tranh, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Sau 4 năm 8 tháng 14 ngày đấu tranh trên mặt trận ngoại giao với 200 công khai, 45 cuộc gặp riêng cấp cao giữa cố vấn Lê Đức Thọ với cố vấn Henry Kissingers, 500 cuộc họp báo, 1.000 cuộc phỏng vấn, đàm phán, ngày 27/1/1973, “Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam” được ký kết tại Paris. Với việc ký kết Hiệp định Paris, chúng ta đã thực hiện được một nửa mong muốn, tâm huyết của Bác Hồ kính yêu: “đánh cho Mỹ cút”. Ngày 29/3/1975, đơn vị quân đội Mỹ cuối cùng đã rút khỏi miền Nam Việt Nam.

ttxvn0901hc-1578582342-9

Quang cảnh lễ ký Hiệp định Paris, ngày 27/1/1973, tại Trung tâm các Hội nghị quốc tế ở thủ đô Paris (Pháp). (Ảnh: Văn Lượng/TTXVN)

Mặc dù buộc phải rút quân về nước theo quy định tại Hiệp định Paris, nhưng Mỹ vẫn tiếp tục tăng cường viện trợ quân sự, kinh tế, cử cố vấn sang giúp ngụy quyền Sài Gòn, âm mưu tiếp tục dùng ngụy quyền Sài Gòn làm công cụ để thực hiện chủ nghĩa thực dân mới. Dưới sự chỉ đạo của Mỹ, chính quyền Nguyễn Văn Thiệu ngang nhiên phá hoại Hiệp định Paris, liên tiếp mở các cuộc hành quân lấn chiếm vùng giải phóng của ta, tiến hành các cuộc hành quân càn quét, bình định nhằm khủng bố đàn áp, bóp nghẹt các quyền tự do dân chủ, chống lại nguyện vọng hòa bình, hòa hợp dân tộc của Nhân dân miền Nam.

Trước tình hình đó, tháng 7/1973, Hội nghị BCH Trung ương Đảng lần thứ 21 khóa III đã nêu rõ con đường cách mạng của nhân dân miền Nam lúc này là "không còn con đường nào khác là con đường bạo lực cách mạng", trong bất kể tình huống nào cũng phải nắm vững thời cơ, giữ vững đường lối chiến lược tiến công. Nhiệm vụ giành dân, giành quyền làm chủ, phát triển thực lực của cách mạng là yêu cầu bức thiết và cơ bản trong giai đoạn mới với tư tưởng chỉ đạo: “tích cực phản công, chuẩn bị tiến lên hoàn toàn giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc”.

Thực hiện Nghị quyết của Đảng, quân và dân miền Nam từng bước chủ động tiến công, liên tiếp giành được thắng lợi to lớn trên khắp các chiến trường, phá vỡ từng mảng lớn kế hoạch “bình định” của địch, tiêu diệt nhiều cụm cứ điểm, dồn địch vào thế bị động,vùng giải phóng được mở rộng. Đặc biệt, với chiến thắng Phước Long (ngày 6/1/1975) đã chứng tỏ sức mạnh vượt trội quân chủ lực cơ động của ta và khả năng giải phóng hoàn toàn miền Nam đã chín muồi.

Trước những diễn biến tích cực trên chiến trường, từ ngày 30/9 đến 8/10/1974) và đợt 2 (từ ngày 8/12/1974 đến ngày 7/1/1975, Hội nghị Bộ Chính trị đợt 1 đã họp bàn chủ trương giải phóng hoàn toàn miền Nam. Hội nghị nhận định: “Chưa bao giờ ta có điều kiện đầy đủ về quân sự, chính trị, có thời cơ chiến lược to lớn như hiện nay để hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam, tiến tới hòa bình thống nhất Tổ quốc”. Từ nhận định đó, Bộ Chính trị đề ra quyết tâm chiến lược giải phóng miền Nam với kế hoạch 02 năm 1975 – 1976 với tinh thần là: “Năm 1975 tranh thủ bất ngờ tấn công lớn và rộng khắp, tạo điều kiện để năm 1976 tiến hành tổng công kích – tổng khởi nghĩa, giải phóng hoàn toàn miền Nam”. Bộ Chính trị nhấn mạnh: “Nhưng nếu thời cơ đến vào đầu hoặc cuối năm 1975 thì lập tức giải phóng miền Nam ngay trong năm 1975”.

Ngày 18/3/1975, Bộ Chính trị đã quyết định giải phóng miền Nam ngay trong năm 1975.

Thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975 đã diễn ra trên toàn miền Nam. Với tinh thần: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa, tranh thủ từng giờ, từng phút, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng”, quân ta đã mở các đòn tiến công chiến lược lớn: Chiến dịch Tây Nguyên (3/1975) giải phóng Buôn Ma Thuột (10/3); Chiến dịch Huế - Đà Nẵng, giải phóng thành phố Huế (26/3), Đà Nẵng (29/3). Thắng lợi nhanh chóng trong 2 chiến dịch Tây Nguyên và Huế - Đà Nẵng đã củng cố quyết tâm giải phóng hoàn toàn miền Nam trước mùa mưa năm 1975 của Đảng.

Sau khi chọc thủng tuyến phòng thủ từ xa của quân Sài Gòn, 05 cánh quân của ta đã tập kết đầy đủ tại nơi quy định, hình thành thế bao vây Sài Gòn. 17 giờ ngày 26/4/1975, Chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng Sài Gòn – Gia Định bắt đầu.

Sau 4 ngày đêm tiến công dũng mãnh, 10 giờ 45 phút ngày 30/4/1975, các đơn vị xe tăng và pháp binh của Quân đoàn II tiến thẳng vào Dinh Độc lập, bắt sống toàn bộ chính quyền trung ương Sài Gòn, buộc Tổng thống Dương Văn Minh phải tuyên bố đầu hàng không điều kiện.

11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975 lá cờ cách mạng tung bay trên nóc Phủ Tổng thống chính quyền Sài Gòn, báo hiệu sự toàn thắng của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Ngày 2/5/1975, cuộc chiến đấu giải phóng các địa phương còn lại ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và các đảo, quần đảo ở Biển Đông đã kết thúc thắng lợi. Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975 đã hoàn toàn thắng lợi.

xe tang quan giai phong huc do cong dinh doc lap

10h 45 phút ngày 30/4/1975, xe tăng của Quân đoàn 2 húc đổ Cổng Dinh độc lập

Thắng lợi vĩ đại của đại thắng mùa xuân 1975, trực tiếp là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã kết thúc 21 năm chiến tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược, đặt dấu chấm hết cho chiến lược thực dân mới tại Đông Dương (1954 – 1975), 30 năm chiến tranh cách mạng (1945 – 1975), 117 năm chống đế quốc xâm lược (1858 – 1975), giành lại nền độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ cho Tổ quốc. Với thắng lợi này đã kết thúc cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trên phạm vi cả nước, mở ra kỷ nguyên mới cho dân tộc: kỷ nguyên cả nước hòa bình, thống nhất, đi lên chủ nghĩa xã hội. Sức mạnh vật chất và tinh thần, thế và lực của cách mạng, của dân tộc Việt Nam ngày càng tăng; uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao,…

Thắng lợi của Đại thắng mùa xuân năm 1975 đã làm thất bại âm mưu, thủ đoạn của chủ nghĩa đế quốc tiến công vào chủ nghĩa xã hội và cách mạng thế giới; đánh bại cuộc chiến tranh xâm lược quy mô lớn nhất, dài ngày nhất, tốn kém nhất của chủ nghĩa đế quốc kể từ sau đại chiến thế giới thứ hai, làm phá sản các chiến lược chiến tranh thực dân kiểu mới của Mỹ; làm suy yếu trận địa của chủ nghĩa đế quốc, mở ra sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân mới, cổ vũ phong trào độc lập dân tộc và hòa bình thế giới.

Thắng lợi của sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước trước hết là nhờ sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam với đường lối chính trị, quân sự độc lập, tự chủ, đúng đắn, sáng tạo. Thắng lợi đó là kết quả của cuộc chiến đấu đầy gian khổ hy sinh của quân dân cả nước mà trước hết là quân dân miền Nam; kết quả của sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc với vai trò hậu phương lớn chi viện cho tiền tuyến lớn miền Nam; kết quả của việc phát huy cao độ tinh thần đoàn kết, liên minh chiến đấu giữa nhân dân Việt Nam – Lào - Campuchia, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, sự đoàn kết giúp đỡ to lớn của các nước xã hội chủ nghĩa anh em, sự ủng hộ của phong trào công nhân và nhân dân tiến bộ trên toàn thế giới.

h1-1744358296285898696025

Chuẩn bị duyệt binh kỷ niệm 50 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước

Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đã để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý báu, đó là: Đề ra đường lối đúng đắn, sáng tạo, phù hợp với thực tiễn lịch sử của cuộc kháng chiến với đặc điểm của cách mạng Việt Nam; Kết hợp chặt chẽ và giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa hai nhiệm vụ cơ bản vừa kháng chiến vừa kiến quốc, chống đế quốc và chống phong kiến; Từng bước hoàn thiện phương thức lãnh đạo, tổ chức điều hành cuộc kháng chiến phù hợp với đặc thù của từng giai đoạn; Xây dựng và phát triển lực lượng vũ trang ba thứ quân một cách thích hợp, đáp ứng kịp thời yêu cầu của nhiệm vụ chính trị - quân sự của cuộc kháng chiến; coi trọng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao vai trò lãnh đạo toàn diện của Đảng đối với cuộc kháng chiến.

Đánh giá thắng lợi của sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước, Báo cáo chính trị tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng khẳng định: “Năm tháng sẽ trôi qua, nhưng thắng lợi của nhân dân ta trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc ta như một trong những trang chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người, và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ XX, một sự kiện có tầm quan trọng quốc tế to lớn và có tính thời đại sâu sắc”.

 Văn Chương

Tài liệu tham khảo:

  • Lê Mậu Hãn (Chủ biên): Đại cương Lịch sử Việt Nam, tập III, Nxb. Giáo dục, 2005, tr.261.
  • Mệnh lệnh của Đại tướng, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp, ngày 7/4/1975.
  • Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004, t.37, tr.471.
comment Bình luận