Đắk Lắk báo động tình trạng tử vong do bệnh dại ở Krông Pắc

Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk, tính từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh ghi nhận 4 trường hợp bệnh nhân tử vong vì bệnh dại, trong đó, riêng huyện Krông Pắc có tới 3 trường hợp (2 trường hợp tại xã Ea Yông và 1 trường hợp tại xã Hòa An).
13/03/2024 15:01

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Ea Yông, người dân vẫn còn tâm lý chủ quan về công tác phòng, chống bệnh dại trên người và vật nuôi. Cả hai trường hợp tử vong trên địa bàn đều bị chó nuôi hoặc chó thả rông cắn nhưng không tiêm vaccine phòng dại. Ngay sau khi xảy ra trường hợp tử vong do bệnh dại, chính quyền địa phương đã yêu cầu trạm y tế phối hợp với các đoàn thể và hệ thống chính trị ở thôn, buôn tăng cường nắm bắt, tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức phòng, chống bệnh dại. Qua đó, địa phương cũng đã đến tận nhà vận động một trường hợp tại buôn Ea Yông A đi tiêm vaccine phòng dại sau khi bị chó cắn.

Sau khi liên tiếp ghi nhận các trường hợp bệnh nhân mắc bệnh và tử vong vì bệnh dại, Trung tâm Y tế huyện Krông Pắc đã tiến hành điều tra, xác minh ca bệnh, xác định ổ dịch, thông báo cho cơ quan thú y về tình hình bệnh lây truyền từ động vật sang người. Trung tâm cũng đã xây dựng kế hoạch xử lý ổ dịch bệnh dại, tập trung tuyên truyền cho các thành viên trong gia đình bệnh nhân và các hộ xung quanh đi tiêm phòng bệnh dại ngay nếu bị chó, mèo cào, cắn; những người tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân lúc lên cơn bị cắn hoặc cào cũng phải đi tiêm vaccine phòng dại; hướng dẫn trạm y tế xã thông báo trên loa truyền thanh về tình hình bệnh dại tại địa phương để người dân biết.

daklak1

(Ảnh: Báo Đắk Lắk)

Trung tâm cũng phối hợp với Phòng Y tế tham mưu UBND huyện ban hành công văn chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, UBND các xã thị trấn tăng cường công tác phòng, chống bệnh dại. Đặc biệt, phối hợp với các phòng tiêm chủng dịch vụ thường xuyên cập nhật danh sách người dân đi tiêm phòng dại gửi cho Trạm Chăn nuôi – Thú y huyện điều tra, giám sát theo dõi chó đã cắn người nhằm có biện pháp xử trí kịp thời.

Theo Trưởng Khoa Kiểm soát bệnh tật, Trung tâm Y tế huyện Krông Pắc cho biết, hiện nay, tổng số lượng chó trên địa bàn huyện có gần 30.000 con. Tuy nhiên, tỷ lệ tiêm vaccine phòng bệnh dại cho đàn chó chỉ đạt 21%. Tỷ lệ tiêm vaccine phòng bệnh dại cho chó thấp, trong khi đó, chó, mèo thường được nuôi theo đàn và thả rông nên nguy cơ người dân bị chó, mèo cắn rất cao. Cùng với đó, vẫn còn một số người dân chủ quan trong phòng, chống bệnh dại, không chủ động tiêm phòng vaccine cho vật nuôi cũng như không đi tiêm vaccine khi bị chó cắn hoặc cào, dễ dẫn đến mắc bệnh dại và tử vong.

Trưởng Khoa Kiểm soát bệnh tật, Trung tâm Y tế huyện Krông Pắc khuyến cáo: Dại là căn bệnh truyền nhiễm virus cấp tính do vết cắn, cào, liếm từ động vật nhiễm bệnh có thể gây những hậu quả nặng nề ở não và hệ thần kinh. Nguy cơ tử vong là 100% nếu phát bệnh, do đó người dân cần cảnh giác và nâng cao hiểu biết để phòng, chống. Bệnh dại hoàn toàn có thể ngăn ngừa được nếu người bị động vật nghi dại cắn được tiêm phòng vaccine đúng và đầy đủ. Khi bị chó, mèo cắn, cào cần rửa kỹ vết thương bằng nước và xà phòng đặc liên tục trong 15 phút. Sau đó tiếp tục rửa vết thương bằng cồn 70%, cồn iod hoặc Povidone, Iodine; hạn chế làm dập vết thương và không được băng kín vết thương. Tuyệt đối không được dùng thuốc nam, không tự chữa, không nhờ thầy lang chữa bệnh dại mà phải đến ngay trung tâm y tế gấn nhất để được tư vấn và tiêm phòng dại kịp thời.

Theo Báo Đắk Lắk

comment Bình luận

largeer