Đắk Lắk: Ngộ độc thịt cóc tự làm khiến 1 trẻ tử vong và 1 trẻ nguy kịch

Mới đây, khoa Hồi sức cấp cứu nhi và nhi sơ sinh (Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên) tiếp nhận 2 trẻ vào cấp cứu trong tình trạng ngộ độc sau khi ăn thịt cóc và trứng cóc tự làm.
21/11/2024 08:51

Theo ghi nhận ban đầu, trưa ngày 19/11, Y.T. Niê (11 tuổi, ở buôn Kang, xã Ea Knuếc, huyện Krông Pắc) đã tự làm thịt cóc, nấu lên rồi ăn cùng em gái H.T.L. Niê (5 tuổi). Khi ăn, Y.T. Niê có ăn phần trứng cóc, em gái ăn phần thịt đùi.

Sau khi ăn khoảng 1 giờ, Y.T. Niê đau bụng, nôn ói liên tục, mệt nhiều. Một lúc sau thì em gái H.T.L. Niê cũng đau bụng và nôn ói. Cả 2 trẻ đã được người nhà đưa vào cấp cứu tại khoa Hồi sức cấp cứu nhi và nhi sơ sinh.

daklak

Bé gái H.T.L. Niê đang được theo dõi, điều trị tại khoa Hồi sức cấp cứu nhi và nhi sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên (Ảnh: Báo Đắk Lắk)

Sau khi kiểm tra thăm khám, các bác sĩ chẩn đoán 2 trẻ bị ngộ độc thịt cóc (trứng cóc). Y.T. Niê ăn trứng cóc dẫn đến tình trạng ngộ độc nặng/rối loạn nhịp chậm nặng/theo dõi nhiễm trùng huyết. Các bác sĩ đã xử trí đặt nội khí quản, tiến hành lọc máu liên tục…

Mặc dù được hồi sức tích cực, nhưng tình trạng không phục hồi, Y.T. Niê đã tử vong lúc hơn 23 giờ ngày 19/11. Với trường hợp bé H.T.L. Niê, tình trạng ngộ độc nhẹ hơn anh trai nên sau khi được hồi sức tích cực, hiện sức khoẻ của bé đã ổn định hơn, thở đều không gắng sức, phổi thông khí đều hai bên, không đau bụng, không nôn ói.

Bác sĩ CKII Hoàng Ngọc Anh Tuấn, Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu nhi và nhi sơ sinh khuyến cáo, khi cho trẻ sử dụng thịt cóc, nên dùng những sản phẩm được chế biến từ thịt cóc có chứng nhận của Bộ Y tế để đảm bảo chất độc không bị dính sang thịt. Trường hợp tự làm thịt cóc để ăn, nên chọn những con cóc có màu xám, lột bỏ da cóc và bỏ tất cả nội tạng của cóc chỉ lấy phần thịt, tránh nhựa dính vào thịt cóc, tránh làm vỡ trứng cóc và sót trứng cóc trong thịt.

Theo Báo Đắk Lắk

comment Bình luận

largeer