Đăng tâm thảo và những công dụng chữa bệnh

Đăng tâm thảo là vị thuốc có thể chữa các bệnh như: viêm họng cấp, vàng da do thấp nhiệt, chảy máu cam không cầm,... ngoài ra còn nhiều ứng dụng lâm sàng khác.
24/05/2022 12:43

Tên gọi

Tên thường gọi: Đăng tâm thảo, cây bấc đèn.

Xuất xứ: Khai Bảo Bản Thảo.

Tên khác: Hổ tu thảo, Bích ngọc thảo (Bản Thảo Cương Mục), Đăng thảo, Tịch thảo, Xích tu, Cổ ất tâm (Hòa Hán Dược Khảo), Đăng thị, Thần đăng nhị (Trung Quốc Dược Học Đại Từ Điển),  Bấc, Cây Bấc, cỏ Bấc, cỏ Bấc đèn, Tâm Bấc, Tim bấc, Bấc đèn dầu lạc (Dược Liệu Việt Nam).

Tên khoa học: Juncus effusus Linn. (Juncus fujusus Lin. var. Decipens Buch; Juncus prismatocarpus R. Br).

Họ khoa học: Họ Bấc (Juncaceae).

Phần dùng làm thuốc: Ruột lõi (Medul lajunci caulis).

Mô tả

Đăng tâm thảo và cách nhận biết trong tự nhiên

Cây thảo, cao 0,5 – 1m, có thân rễ nằm ngang hay nghiêng, tròn cứng, mọc thành cụm dầy, không có lá, có ruột xốp từ gốc tới ngọn. Lá giảm thành những bẹ ở gốc thân. Hoa đều, lưỡng tính, mọc thành vòng, màu lục nhạt, có lá bắc. Bao hoa khô xác không phân hoá. Nhị 3, ít khi 4 hoặc 6. Bao phấn hình chỉ. Bầu có vòi rất ngắn, đầu nhụy to. Quả nang, hạt nhỏ. Cây ra hoa và đầu mùa hạ.

Phân biệt đăng tâm thảo

Ở Trung Quốc người ta còn dùng các cây Thủy đăng tâm (Juncus decpiens (Buch) Nakai hoặc cây Juncus setchunensis Buch. var. Effusoides Buch, dùng làm Đăng tâm có cùng công dụng với cây trên.

Địa lý, thu hái, sơ chế

Cây mọc hoang dại nơi kín ướt, bãi lầy và được trồng để lấy ruột thân làm bấc đèn dầu ta.

Tháng 9-10 cắt toàn cây về, rạch dọc thân để lấy lõi riêng ra, bó thành từng bó, phơi hay sấy khô tới độ ẩm dưới 11%.

Cây đăng thâm thảo. Ảnh: Internet

Cây đăng thâm thảo. Ảnh: Internet

Mô tả dược liệu

Đăng tâm biểu hiện hình trụ tròn dài, thường hay cắt đoạn dài thành 10cm – 12cm, thô chừng 1,5 – 3,2mm, có màu trắng vàng hơi thô, chất mềm rất nhẹ sau khi đè xẹp có thể phồng trở lại, không có mùi vị.

Bào chế

Đăng tâm rất khó nghiền, muốn tán thành bột, lấy bột gạo nấu hồ hay nước cơm hòa với Đăng tâm phơi cho khô nghiền nhỏ rồi bỏ trong chậu nước, khuấy đều, cái nào nổi trên mặt nước là Đăng tâm. Sau đó lấy phơi khô cất dùng (Bản Thảo Cương Mục). Nếu dùng vào thuốc thang thì sau khi lấy được ruột lõi còn gọi là tủy, ngắt ngắn đi, nhặt cho sạch lá rồi bỏ vào thuốc sắc.

Lấy một ống tre có hai đầu mắt tre, xoi thủng một lỗ, nhét Đăng tâm đầy vào ống, đốt nóng cho ống tre khô đi là được (Phương Pháp Bào Chế Đông Dược).

Bảo quản

Dễ bảo quản, để nơi khô ráo.

Tính vị quy kinh

Tính vị: Vị cam đạm, tính bình hơi hàn.

Quy kinh: Nhập 3 kinh Tâm, Phế, Tiểu trường.

Đặc tính dược liệu:

- Đăng tâm vị nhạt mà lạnh, thể nó nhỏ mà khí yếu, các sách đều nói là giáng tâm hoa, ấy là lấy tâm để trị tâm vậy. Tâm hỏa thanh thì phế kim phải túc giáng. Tâm và Tiểu trường lại tương quan biểu lý nên nhiệt từ tâm theo tiểu trường mà đi xuống. Vả lại, một khi nhiệt đã hết thì huyết cũng được yên lành, nhờ đó mà có thể cầm máu mà thông lâm, thanh được nhiệt ẩn náu ở trên thượng tiêu. Đó là thánh dược trị ngũ lâm, người khí hư, tiểu nhiều không cầm thì không nên dùng.

- Đăng tâm khí vị đều nhẹ, bởi nhẹ nên phù lên trên, chuyên nhập vào tâm phế. Vị của nó rất là nhạt, mà nhạt thì có thể lợi khiếu, làm cho uất nhiệt ở phần trên đi xuống dưới theo đường tiểu mà ra ngoài. Chủ trị của Đăng tâm là ho, đau họng, mắt đỏ, hoa mắt, bí tiểu, phù thủng, tiểu không thông, cảm nắng, tiểu đục, trẻ con dạ đề, đều có công dụng là thành nhiệt vậy. Thời nay, người ta nghi ngờ vật có vị nhạt mà nhẹ thì sức lực kém mà coi thường chứ chẳng biết rằng nhẹ có thể đẩy lùi được cái thực, vì tính nhạt cho nên hay thấm. Vì thế nó mới có thể dẫn nhiệt ở tâm phế từ trên đi xuống dưới thông điều đường tiểu xuống bàng quang.

Tác dụng, chủ trị

Tác dụng: Giáng tâm hỏa, thanh phế nhiệt, lợi tiểu trường.

Chủ trị: Lợi tiểu, an thần,  sốt, ho, họng viêm.

Liều dùng, kiêng kị

Liều dùng: 2g – 12g.

Kiêng kỵ: Tính chuyên thông lợi, người trong mình hàn, trúng hàn tiểu tiện nhiều, không cầm được thì không nên dùng.

Ứng dụng lâm sàng

+ Trị lâm chứng

Nhiệt lâm nói chung: Đăng tâm thảo 9g, Xa tiền thảo, Phượng vĩ thảo, mỗi thứ 30g sắc với nước vo gạo uống  (Lâm Sàng Thực Dụng Trung Dược Học).

Tiểu buốt giắt, nước tiểu đỏ: Đăng tâm thảo 9g, Mộc thông mỗi thứ 6g, Xa tiền tử, Biển súc, Hoàng bá mỗi thứ 9g, Hoạt thạch 6g, sắc uống.

Tiểu đau, tiểu khó: Cam thảo, Mộc thông, Chi tử, Đông quỳ tử mỗi thứ 9g, Hoạt thạch 12g, Đăng tâm 3g. Sắc uống (Tuyên Khí Tán – Lâm Sàng Thực Dụng Trung Dược Học).

Bí tiểu do thực nhiệt: Dùng “Bạch Phi Hà Tự Chế Thiên” 1 viên. Dùng Đăng tâm 10 cân, tẩm với hồ gạo, phơi khô tán bột bỏ vào nước, bột Đăng tâm nổi lên vớt ra phơi khô, lấy 100g. Lấy Phục linh bỏ vỏ 200g, Hoạt thạch (thủy phi) 200g, Trư linh 80g, Trạch tả 120g, Nhân sâm 480g, xắt lát, nấu thành cao, trộn với bột thuốc, làm thành viên to bằng hạt nhãn lớn, dùng Châu sa bọc ngoài làm áo. Mỗi lần dùng 1 viên (Hàn Thị Y Thông).

+ Trị mất ngủ

Trị khó ngủ: Đăng tâm thảo sắc uống thay trà thì ngủ được (Tập Giản Phương).

Trường hợp mất ngủ, bức rức, miệng khát: Đăng tâm thảo 3g, Đạm trúc diệp 9g, hãm với nước như trà.  (Lâm Sàng Thực Dụng Trung Dược Học).

Trị các chứng chảy máu 

Trị bị thương ra máu: Đăng tâm thảo, nhai nhỏ đắp vào nơi vết thương thì cầm (Thắng Kim Phương).

Trị chảy máu cam không cầm: Dùng 40g Đăng tâm tán bột, bỏ vào 4g Đơn sa, uống với nước cơm, lần uống 8g (Thánh Tế Tổng Lục ).

Trị viêm họng cấp

Đăng tâm 1 nắm, dùng 2 tấm ngói đốt Đăng tâm tồn tính, lại sao một muỗng muối,  trộn lại, thổi vào miệng họng nhiều lần thì đỡ (Đoan Trúc Đường Phương).

Hoặc Đăng tâm đốt cháy 6g, trộn bột Bồng sa trộn vào. Phương khác dùng Đăng tâm và lá cọ đốt cháy, mỗi thứ liều dùng bằng nhau thổi vào họng (Đoan Trúc Đường Phương).

+ Trị đậu sang làm cho người mệt như suyễn, tiểu tiện không thông

Dùng 1 nắm Đăng tâm, Miếp giáp 80g, nước 1 thăng rưỡi, sắc 6 chén uống 2 lần (Thương Hàn Luận Phương).

+ Trị vàng da do thấp nhiệt

Dùng Rễ đăng tâm thảo 120g, rượu với nước mỗi thứ 1 nửa bỏ trong bình sứ, sắc nửa ngày, phơi sương một đêm, uống nóng (Tập Huyền Phương).

Ngoài ra theo báo cáo, người ta dùng Đăng tâm thảo kết hợp với Thổ ngưu tất sắc uống trị phù do tim, nếu thuộc phong thấp thì thêm rễ cây Xú ngô đồng 30g 15g. Sắc uống (Trung Dược Học).

Theo Thaythuocvietnam

comment Bình luận

largeer