Đào tạo nguồn nhân lực dinh dưỡng điều trị đáp ứng nhu cầu phòng và điều trị bệnh không lây nhiễm

Dự án Phát triển nguồn nhân lực dinh dưỡng của Nhật Bản (VINEP) là hoạt động cấp học bổng cho sinh viên nghèo vượt khó nhằm đào tạo nguồn nhân lực dinh dưỡng điều trị đáp ứng nhu cầu phòng và điều trị các bệnh không lây nhiễm. Hiện dự án vẫn đang điều triển khai và phát triển. 
12/04/2018 10:13

Đào tạo nguồn nhân lực dinh dưỡng điều trị đáp ứng nhu cầu phòng và điều trị bệnh không lây nhiễm

Trong những năm gần đây, cùng với sự phát triển và hội nhập kinh tế quốc tế, vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, các bệnh mạn tính không lây liên quan đến dinh dưỡng như béo phì, tim mạch, đái tháo đường, tăng huyết áp, suy thận, bệnh gút…có xu hướng gia tăng. Do vậy, vai trò của chế độ dinh dưỡng, điều trị dinh dưỡng là rất cần thiết và cấp bách. Để thực hiện dinh dưỡng điều trị có hiệu quả nhất, trước hết cần thay đổi cách tiếp cận trong đào tạo và thực hành dinh dưỡng. Đó là cách “tiếp cận cá thể hóa trong dinh dưỡng điều trị”.

Ví dụ với một người bệnh mắc đái tháo đường, trước đây các nhà điều trị thường nghĩ ngay tới “chế độ ăn cho đái tháo đường” và đưa ra chỉ định “chế độ dinh dưỡng 01, 02…”. Nhưng không quan tâm tới người bệnh bao nhiêu tuổi, họ mắc bệnh mới hay cũ, họ sống ở nông thôn hay ở thành thị, họ giàu hay nghèo, họ có biến chứng gì chưa, các xét nghiệm hóa sinh ở mức độ nào, họ có trình độ nhận thức vấn đề dinh dưỡng ra sao, thói quen ăn uống của họ như thế nào...

Đấy là cả một “ma trận” các yếu tố liên quan mà chỉ được giải quyết, điều trị hiệu quả khi cán bộ dinh dưỡng được đào tạo thấm nhuần cách tiếp cận cá thể hóa trong dinh dưỡng điều trị. Hiểu đơn giản hơn, cách tiếp cận cá thể hóa đó là trả lời các câu hỏi nêu trên một cách tường tận và thỏa đáng cho từng người bệnh.

Dao yao nguon luc dinh duong dieu tri dap ung nhu cau phong va dieu tri cac benh khong lay nhiem

Đào tạo nguồn nhân lực dinh dưỡng điều trị đáp ứng nhu cầu phòng và điều trị bệnh không lây nhiễm là việc làm cần thiết hiện nay nhằm nâng cao chất lượng đời sống của người Việt

Một điều cũng cần bàn tới nữa là với một người bệnh, ví dụ người mắc bệnh đái tháo đường thì thời gian nằm viện điều trị trung bình từ 7 - 10 ngày, vậy thời gian còn lại trong cuộc đời của người bệnh, ai sẽ chịu trách nhiệm tư vấn phòng và điều trị một cách tích cực theo hướng cá thể hóa đây, hay chỉ là những buổi tuyên truyền giáo dục cộng đồng là đủ?

Chỉ có một câu trả lời đó là phải đào tạo cán bộ dinh dưỡng tiết chế theo cách tiếp cận cá thể hóa, đó là trang bị cho sinh viên - những cán bộ dinh dưỡng tương lai những kiến thức bệnh học tốt, có nền tảng kiến thức và thực hành tốt. Sinh viên học dinh dưỡng cần hiểu rõ cơ chế bệnh sinh của các bệnh (nội, ngoại, sản, nhi), có hiểu biết sâu sắc về các cơ sở của dinh dưỡng học (dinh dưỡng cơ sở, hóa sinh dinh dưỡng, sinh lý dinh dưỡng, tương tác thuốc và thực phẩm…).

Đồng thời, phải được học cách tiếp cận cá thể hóa trong điều trị dinh dưỡng nội khoa, ngoại khoa, sản khoa, nhi khoa và các bệnh không lây nhiễm… Có như vậy thì công cuộc phòng chống các bệnh không lây nhiễm của nước ta mới có hiệu quả, mới đem lại chất lượng lao động, chất lượng sống cho toàn thể nhân dân ta.

Những vấn đề nêu trên đã được Viện Dinh dưỡng Quốc gia và các chuyên gia dinh dưỡng của Nhật Bản bàn bạc, thống nhất và áp dụng mô hình của Nhật Bản trong xây dựng chương trình đào tạo. Đồng thời, biên soạn tài liệu, xây dựng cơ sở thực hành tiêu chuẩn quốc tế, xây dựng trang web tương tác thầy - trò có hiệu quả và tiết kiệm thời gian học trên lớp, đề án cấp học bổng cho sinh viên nghèo vượt khó…

Tháng 11/2013, Viện Dinh dưỡng và Hội Dinh dưỡng Tiết chế Nhật Bản đã phối hợp với Đại học Y Hà Nội mở Khóa Cử nhân Dinh dưỡng đầu tiên. Cho tới nay, đã có bảy trường đại học trên cả nước tiến hành đào tạo cử nhân dinh dưỡng. Đặc biệt, trong đó có mô hình hợp tác đào tạo cử nhân dinh dưỡng hợp tác giữa Viện Dinh dưỡng Quốc gia, Hội Dinh dưỡng Tiết chế Nhật Bản và Đại học Thành Đông - một mô hình tiên tiến, cập nhật, hội nhập quốc tế và tương tác hiệu quả giữa thầy và học trò trong quá trình học tập và giảng dạy.

Trong năm 2017, để hiện thực hóa mô hình này một cách hiệu quả nhất, Viện Dinh dưỡng Quốc gia (phối hợp với Khoa Dinh dưỡng của Đại học Thành Đông) đã mở lớp cử nhân dinh dưỡng hệ vừa học vừa làm đầu tiên với hơn 40 học viên từ các bệnh viện, các trung tâm y tế dự phòng trong cả nước tham dự. Đây là những tín hiệu tích cực phản ánh hướng đi của Viện Dinh dưỡng Quốc gia là rất phù hợp.

Trong năm 2018, Viện Dinh dưỡng Quốc gia sẽ tiếp tục quảng bá và hỗ trợ các hoạt động của dự án này tới các trường thụ hưởng như Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh, Đại học Y Phạm Ngọc Thạch, Đại học Đông Á Đà Nẵng, Đại học Y tế Công cộng Hà Nội…

Đồng thời, để hoàn thiện mô hình đào tạo này hơn nữa, Viện Dinh dưỡng Quốc gia tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Khoa Dinh dưỡng của Đại học Thành Đông mở lớp đào tạo Cử nhân Dinh dưỡng hệ chính qui với sự hỗ trợ của Dự án Phát triển nguồn nhân lực dinh dưỡng của Nhật Bản (Dự án VINEP) với các hoạt động chủ yếu là: cấp học bổng cho sinh viên nghèo vượt khó, xây dựng và sử dụng tài liệu giảng dạy hiện đại cập nhật, sinh viên được thực hành tại cơ sở thực hành hiện đại của Viện Dinh dưỡng, trao đổi giảng dạy của các chuyên gia, giáo sư Nhật Bản, tạo cơ hội thực tập tại Nhật bản cho các học sinh xuất sắc…

Viện Dinh dưỡng tin tưởng rằng mô hình do Viện Dinh dưỡng khởi xướng sẽ thành công và sẵn sàng chia sẻ và hỗ trợ các trường đại học khác trong cả nước, cả đại học công lập và dân lập, góp phần phòng chống bệnh tật, nâng cao sức khỏe và chất lượng cuộc sống cho toàn thể nhân dân Việt Nam trong thời gian tới.

Gs.Ts. Lê Danh Tuyên - Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia

PGS.TS. Nguyễn Đỗ Huy - Giám đốc Trung tâm Đào tạo

Email: [email protected]

Điện thoại: 0983082475; 0988628783; 0913558179; 02439724031

comment Bình luận

largeer