Dấu ấn sinh học máu có thể xác định những người có nguy cơ mắc tiểu đường

Theo nghiên cứu mới được công bố trên Tạp chí Nội tiết Lâm sàng & Chuyển hóa cho biết, dấu ấn sinh học máu có thể được sử dụng để xác định những người có nguy cơ mắc tiểu đường.
18/08/2022 16:53

Thông thường, các bác sĩ sẽ đo lượng đường trong máu của bệnh nhân. Khi lượng đường trong máu tăng cao nhưng dưới ngưỡng tiểu đường loại 2, bệnh nhân có thể được chẩn đoán mắc bệnh tiền tiểu đường.

Tuy nhiên, không phải tất cả bệnh nhân tiền tiểu đường sẽ bị tiểu đường loại 2. Thực tế, khoảng 50% những người bị tiền tiểu đường sẽ tiến triển thành bệnh tiểu đường sau 10 năm.

Một trong những đặc điểm bệnh lý chính của tiểu đường là sự suy giảm bài tiết insulin từ các tế bào beta trong tuyến tụy. Khi bệnh tiểu đường loại 2 tiến triển, các tế bào beta này bị hư hại. Vào thời điểm bệnh có thể được chẩn đoán rõ, bệnh nhân có xu hướng mất khoảng một nửa số tế bào quan trọng đó.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

“Việc xác định quá trình chuyển đổi từ tiền tiểu đường sang tiểu đường rất phức tạp. Bởi, tình trạng của các tế bào bị ảnh hưởng, nằm rải rác với số lượng rất nhỏ trong lõi của cơ quan nằm dưới gan, tuyến tụy”, ông Pierre Maechler - trưởng nhóm nghiên cứu, thuộc Trường Đại học Geneva (Thuỵ Sĩ) giải thích.

Vì vậy, thay vì theo dõi tình trạng tiền tiểu đường chỉ bằng cách xem xét mức đường huyết, Maechler bắt đầu tìm ra một dấu ấn sinh học. Dấu ấn này chỉ ra sự suy giảm của các tế bào beta tuyến tụy.

Nhóm nghiên cứu quét hàng nghìn dấu ấn sinh học phân tử khác nhau trong nhiều mô hình chuột mắc bệnh tiểu đường. Họ đã nghiên cứu trên một loại đường cụ thể được gọi là 1,5-anhydroglucitol.

Các nhà nghiên cứu báo cáo, dấu ấn sinh học thực sự có tương quan với bệnh tiểu đường ở người. Qua một số phân tích khác nhau, nghiên cứu đã chứng minh mức độ 1,5-anhydroglucitol thấp có thể liên quan đến sự thiếu hụt trong tế bào beta tuyến tụy.

Nghiên cứu cho thấy, bệnh nhân tiểu đường có nồng độ 1,5-anhydroglucitol trong máu thấp hơn so với người khác. Các nhà khoa học cũng xác nhận mối liên hệ giữa 1,5-anhydroglucitol và tế bào beta, bằng cách nghiên cứu sự thay đổi nồng độ trong máu ở những bệnh nhân trải qua phẫu thuật cắt bỏ các bộ phận của tuyến tụy.

“Tiểu đường là một căn bệnh phức tạp. Trong đó, có nhiều thay đổi chuyển hóa diễn ra song song. Do đó, điều cần thiết là phải kiểm tra mức độ liên quan của dấu hiệu này ở những người bị mất tế bào beta đột ngột, nhưng không rối loạn chuyển hóa.

Bằng cách nghiên cứu mức độ 1,5- anhydroglucitol ở những người đã được phẫu thuật cắt bỏ 1/2 tuyến tuỵ, chúng tôi có thể chứng minh rằng, 1,5-anhydroglucitol là chỉ số máu về số lượng chức năng của tế bào beta tuyến tụy”, nhà khoa học Maechler cho biết.

Theo New Atlas

comment Bình luận

largeer