Đẩy mạnh tích hợp giáo dục bảo tồn đại dương trong chương trình giáo dục tại Việt Nam

Sáng ngày 23/10, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam kết hợp với Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO) tổ chức hội thảo tham vấn kết quả đánh giá tình hình giáo dục bảo tồn đại dương.
23/10/2024 15:57

Hội thảo có sự tham dự của hơn 100 đại biểu tham dự trực tiếp và trực tuyến, là lãnh đạo một số đơn vị thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT), Bộ Tài nguyên và Môi trường và các Bộ, cơ quan liên quan khác; các Sở GDĐT; các chuyên gia về bảo tồn biển và giáo dục môi trường; các cán bộ của UNESCO và Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam…

Hội thảo nhằm tham vấn kết quả khảo sát ban đầu về tình hình bảo tồn biển - đại dương tại hai khu vực Cù Lào Chàm và Cần Giờ, đồng thời trao đổi về vấn đề liên quan đến lồng ghép, tích hợp về nội dung bảo tồn đại dương trong chương trình giáo dục phổ thông 2018; lắng nghe ý kiến từ các chuyên gia và những người trực tiếp tham gia vào quá trình bảo vệ môi trường biển, những nhà giáo dục; trao đổi về phương án và ý tưởng xây dựng bộ tài liệu giáo dục bảo tồn đại dương trong thời gian tới.  

Phát biểu khai mạc hội thảo, GS.TS Lê Anh Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cho biết: Dự án “Giáo dục bảo tồn đại dương” là sáng kiến của UNESCO, được giới thiệu tại Tuần lễ môi trường toàn cầu vào tháng 9/2024, nhằm cung cấp các công cụ và tài liệu giáo dục giúp các nhà giáo dục và học sinh hiểu rõ hơn về tầm quan trọng của bảo vệ môi trường biển.

Trong thời gian qua, dự án đã thực hiện khảo sát tại hai khu vực điển hình là Cù Lao Chàm và Cần Giờ - những địa danh đã được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới. Những kết quả khảo sát này đã mang lại dữ liệu quý giá, giúp hiểu rõ hơn về tình hình thực tế và xây dựng nền tảng vững chắc cho các phương án giáo dục bảo tồn đại dương.

gd

Quang cảnh hội thảo (Ảnh: Trung tâm Truyền thông và Sự kiện)

Theo GS.TS Lê Anh Vinh, hiện nay, chúng ta đang sống trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn ra có nhiều diễn biến khó lường. Những tác động của biến đổi khí hậu, như mực nước biển dâng cao, thời tiết cực đoan và sự xói mòn bờ biển, đang đặt ra những thách thức lớn cho môi trường và cuộc sống của người dân. Đại dương không chỉ cung cấp nguồn tài nguyên quý giá mà còn đóng vai trò thiết yếu trong việc điều hòa khí hậu và bảo vệ sự đa dạng sinh học. Đặc biệt, Việt Nam là đất nước có bờ biển dài và hệ sinh thái phong phú. Trước thực trạng này, bảo vệ đại dương trở thành một nhiệm vụ cấp bách không chỉ dành cho các nhà nghiên cứu và nhà quản lý, mà nội dung này cần được tích hợp vào hệ thống giáo dục.

“Việc trang bị cho thế hệ trẻ những kiến thức và kỹ năng về bảo tồn đại dương sẽ giúp họ nhận thức được tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường và góp phần vào các nỗ lực bảo tồn bền vững trong tương lai”, GS.TS Lê Anh Vinh chia sẻ.

Phát biểu tại hội thảo, bà Miki Nozawa, Trưởng ban Giáo dục, Văn phòng UNESCO tại Hà Nội cho biết: Sáng kiến mới với tên gọi “Bảo tồn Đại dương của Chúng ta: Xây dựng Mối quan hệ lành mạnh với đại dương”, là một phần trong cam kết của UNESCO với tư cách là cơ quan hàng đầu của Liên hợp quốc về Giáo dục vì Phát triển bền vững, với mục tiêu chuyển đổi giáo dục để ứng phó với những thách thức cấp bách mà hành tinh đang phải đối mặt.

Điểm đặc biệt của dự án, đó là nhấn mạnh sự hợp tác giữa các đối tác, các bên liên quan khác nhau từ nhiều tầng lớp xã hội, bao gồm các nhà giáo dục và những người phụ trách công tác bảo tồn đa dạng sinh học và quản lý hệ sinh thái bền vững; thúc đẩy trao đổi và hợp tác quốc tế. Đồng thời, dự án tập trung vào các chương trình giáo dục mang tính trải nghiệm thực tế và phản ánh thực tế, đảm bảo người học không chỉ tiếp thu kiến thức mà còn có khả năng đưa ra quyết định dựa trên hành động cụ thể, phù hợp với cách tiếp cận mới trong chương trình Giáo dục phổ thông 2018.

Tại hội thảo, đại diện nhóm nghiên cứu đã trình bày báo cáo về cơ hội tích hợp giáo dục bảo tồn đại dương trong chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở Việt Nam gồm tích hợp trong chương trình môn học, chương trình giáo dục địa phương, trong các hoạt động trải nghiệm và thực trạng giáo dục bảo tồn khu dự trữ sinh quyển tại Cù Lao Chàm và Cần Giờ.

Đánh giá cao mục đích của dự án, PGS.TS Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết: Kết quả tích cực của dự án sẽ góp phần không nhỏ trong thực hiện Điều 153 Luật Bảo vệ môi trường số 72/2020/QH14 ngày 17/11/2020. Trong đó, quy định rõ trách nhiệm của Bộ GDĐT và Bộ Tài nguyên và Môi trường trong quy định nội dung, chương trình giáo dục, đào tạo về bảo vệ môi trường và phát triển nguồn nhân lực bảo vệ môi trường.

PGS.TS Nguyễn Đình Thọ mong muốn dự án có sự lan tỏa lớn hơn nữa, tìm hiểu sâu về thể chế, thực hiện tốt từng việc nhỏ, làm sao để tạo động lực cho mỗi người tham gia, gắn trách nhiệm của từng cá nhân với nhiệm vụ của toàn cầu, giải quyết 3 vấn đề cấp bách là biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường và suy giảm đa dạng sinh học.

Phó vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Bộ GDĐT Trần Nam Tú đánh giá cao sáng kiến của UNESCO và nhóm nghiên cứu trong việc góp phần bảo vệ môi trường sống của nhân loại. Theo ông Trần Nam Tú, dự án cần mở rộng đối tượng không chỉ là học sinh, sinh viên, mà còn tác động đến giáo viên và phụ huynh, với những phương pháp, nội dung phù hợp để nâng cao hiệu quả và có tác động lâu dài, bền vững. 

Cảm ơn những ý kiến đóng góp, chia sẻ của các đại biểu, GS.TS Lê Anh Vinh cho biết, sự quan tâm của các cán bộ quản lý, các chuyên gia, nhà giáo, cho thấy đây là vấn đề rất quan trọng và sẽ được Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, UNESCO tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện, với mục đích phổ biến những nội dung quan trọng và cốt lõi nhất trong nhà trường, để thuận lợi cho giáo viên và tăng hiệu quả của dự án. Sự chung tay của tất cả các Bộ, ban, ngành sẽ góp phần quan trọng bảo vệ và giữ gìn đại dương xanh cho thế hệ mai sau.

Trung tâm Truyền thông và Sự kiện

comment Bình luận

largeer