Đề xuất xử phạt tới 200 triệu đồng đối với cá nhân vi phạm về an toàn thực phẩm

Bộ Y tế đang lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Luật An toàn thực phẩm (sửa đổi) với nhiều đề xuất, thay đổi mới, bao gồm việc nâng mức xử phạt tới 200 triệu đồng đối với cá nhân vi phạm hành chính trong lĩnh vực. Mức xử phạt tương ứng với tổ chức là 400 triệu đồng.
23/07/2025 06:57

 Cụ thể, tại dự thảo Luật an toàn thực phẩm, Bộ Y tế đề xuất bổ sung một số hành vi nghiêm cấm khi thực hiện quảng cáo, kinh doanh trên môi trường thương mại điện tử nhằm giải quyết vấn đề bất cập phát sinh trong thực tiễn; tăng cường bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.

Đầu tiên là cấm quảng cáo thực phẩm sai sự thật, gây nhầm lẫn đối với người tiêu dùng; sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, danh nghĩa của các đơn vị, cơ sở y tế, nhân viên y tế, ý kiến của người bệnh, lời nói, bài viết của nhân viên y tế để quảng cáo thực phẩm.

Tiếp đến, Dự thảo Luật cấm người chuyển tải sản phẩm quảng cáo là người có ảnh hưởng không công khai mối quan hệ tài trợ khi quảng cáo thực phẩm chức năng, thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt, sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ dưới 36 tháng tuổi không thuộc trường hợp cấm quảng cáo quy định tại Điều 7 Luật Quảng cáo.

Dự thảo Luật cũng cấm tiết lộ thông tin người mua hoặc không cung cấp đầy đủ thông tin để truy xuất hàng hóa theo quy định khi thực hiện kinh doanh theo phương thức thương mại điện tử.

Dự thảo Luật an toàn thực phẩm siết chặt các quy định trong lĩnh vực với mức đề xuất xử phạt có tính răn đe hơn. (Ảnh minh họa)

Dự thảo Luật an toàn thực phẩm siết chặt các quy định trong lĩnh vực với mức đề xuất xử phạt có tính răn đe hơn. (Ảnh minh họa)

Ngoài ra, Bộ Y tế cũng đề nghị sửa đổi, bổ sung mức tiền phạt cụ thể đối với hành vi vi phạm về thực phẩm tại Dự thảo Luật mới. Về xử lý vi phạm pháp luật về an toàn, chất lượng thực phẩm, dự thảo sửa đổi, bổ sung mức tiền phạt cụ thể đối với hành vi vi phạm hành chính. Theo đó, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường và khắc phục hậu quả theo quy định của pháp luật. Đối với người lợi dụng chức vụ, quyền hạn vi phạm quy định của Luật này hoặc các quy định khác của pháp luật về an toàn thực phẩm thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Mức phạt tiền đối với vi phạm hành chính được thực hiện theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.

Mức phạt tiền tối đa là 200.000.000 đồng đối với cá nhân và 400.000.000 đồng đối với tổ chức, trừ trường hợp áp dụng mức phạt cao nhất theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính mà vẫn còn thấp hơn 7 lần giá trị thực phẩm vi phạm thì mức phạt được áp dụng không quá 7 lần giá trị thực phẩm vi phạm.

Mức đề xuất xử phạt hành chính mới được đánh giá là có tính răn đe hơn so với quy định trước đó.

Nguyên An (tổng hợp)

comment Bình luận