Hà Nội đẩy mạnh phát triển sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao năm 2025

Hà Nội đã và đang nỗ lực phát triển sản xuất lúa hàng hóa, tập trung vào việc nâng cao chất lượng, hiệu quả và giá trị sản phẩm. Thành phố đã xây dựng nhiều vùng sản xuất lúa tập trung, khuyến khích sử dụng các giống lúa chất lượng cao, áp dụng các biện pháp kỹ thuật tiên tiến và xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ. Nhờ đó, sản xuất lúa hàng hóa tại Hà Nội đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân và thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp.
23/07/2025 06:33

Thực hiện Kế hoạch phát triển sản xuất lúa Japonica và lúa chất lượng cao hàng hóa theo tiêu chuẩn xuất khẩu giai đoạn 2021-2025 của thành phố, vụ xuân năm 2025 Trung tâm khuyến nông Hà Nội đã triển khai mô hình sản xuất lúa Japonica và lúa chất lượng cao với quy mô 200 ha tại 4 xã: xã Nam Phong (nay là xã Phú Xuyên); xã Châu Can và xã Chuyên Mỹ (nay là xã Chuyên Mỹ); xã Nguyễn Trãi (nay là xã Thượng Phúc). Mô hình lựa chọn 2 giống lúa chất lượng cao là lúa Đài thơm 8 (160 ha) và lúa Nếp 87 (40 ha).

Mô hình lúa Đài thơm tám tại HTX NN Phú Nghĩa

Mô hình lúa Đài Thơm 8 tại HTX NN Phú Nghĩa

Trong điều kiện thời tiết Hà Nội đầu năm 2025 diễn biến bất lợi – rét kéo dài, độ ẩm cao, ảnh hưởng đến tốc độ sinh trưởng của cây lúa. Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đã kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo hướng dẫn kỹ thuật, phòng trừ sâu bệnh hại lúa và tăng cường công tác chỉ đạo sản xuất, ứng phó với ngập úng. Qua đánh giá vụ xuân cho thấy lúa sinh trưởng phát triển tốt, ít sâu bệnh, năng suất bình quân đạt 65–66 tạ/ha. Tổng sản lượng đạt hơn 13.000 tấn thóc tươi, mang lại giá trị kinh tế 23,5–24,5 triệu đồng/ha.

Theo ông Vũ Văn Đình – Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX NN Phú Chuyên xã Chuyên Mỹ, vụ xuân năm 2025 HTX đã được Trung tâm Khuyến nông Hà Nội hỗ trợ từ giống lúa, vật tư phân bón và hướng dẫn kỹ thuật rất đầy đủ và kịp thời. Bên cạnh đó HTX cũng đã tiên phong áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất như: mạ khay máy cấy, phun thuốc bảo vệ thực vật bằng máy bay không người lái, máy gặt đập liên hoàn… Nhờ đó mô hình lúa Đài thơm 8 của xã sinh trưởng phát triển rất tốt, năng suất bình quân từ 230-250kg/sào cao hơn so với các giống lúa khác trong vùng. Vui mừng với kết quả khả quan, các hộ nông dân trồng lúa và HTX NN Phú Chuyên mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến Nông, Sở NN&MT cũng như chính quyền địa phương để mô hình lúa chất lượng cao hàng hóa ngày càng được mở rộng và phát triển.

Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đã kết nối với Công ty cổ phần Tập đoàn giống cây trồng Việt Nam; Công ty TNHH lương thực Long Vũ; Công ty TNHH lương thực, thực phẩm Khang Long tiêu thụ được gần 300 tấn thóc tươi cho nông dân với giá bán 5.800 - 7.800 đồng/kg. Việc chủ động liên kết với doanh nghiệp ngay từ đầu vụ đã giúp nông dân an tâm sản xuất, không còn nỗi lo bị ép giá sau thu hoạch.

Ông Nguyễn Mạnh Phương - PGĐ Sở NN&MT cùng lãnh đạo Trung tâm Khuyến Nông đi thăm mô hình lúa tại xã Châu Can (nay là xã Chuyên Mỹ)

Ông Nguyễn Mạnh Phương - PGĐ Sở NN&MT cùng lãnh đạo Trung tâm Khuyến Nông đi thăm mô hình lúa tại xã Châu Can (nay là xã Chuyên Mỹ)

Trong giai đoạn 2021–2025, thông qua Kế hoạch phát triển sản xuất lúa Japonica và lúa chất lượng cao hàng hóa đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, thành phố đã phát triển được hàng trăm vùng sản xuất lúa Japonica và lúa chất lượng cao, với tổng diện tích lên đến gần 6.000 ha. Trong đó gồm các giống chủ lực như Đài Thơm 8, J02, HD11, RVT, Nếp cái hoa vàng, Nếp 97… và một số giống lúa mới: lúa Bách hợp, Hồng hương ĐT 128, Vĩnh Hòa 1. Năng suất bình quân đạt 65–72 tạ/ha đối với lúa chất lượng cao và 55– 60 tạ/ha đối với lúa hữu cơ vượt 8–10% so với kế hoạch. Hiệu quả kinh tế cũng tăng vượt bậc: lúa Japonica đạt 27,3–34 triệu đồng/ha/vụ, nếp cái hoa vàng đạt 37–40 triệu đồng/ha, cao hơn 20–30 triệu đồng/ha/năm so với lúa thường, vượt 45-55% so với mục tiêu của Kế hoạch.

Không dừng lại ở phát triển sản xuất, Trung tâm Khuyến Nông Hà Nội đã hỗ trợ xây dựng 4 chuỗi liên kết tiêu thụ lúa gạo bền vững tại HTX NN xã Tam Hưng, HTX sản xuất kinh doanh nông nghiệp Đoàn Kết, HTX NN hữu cơ Nam Phương Tiến và HTXNN hữu cơ Đồng Phú; 2 nhãn hiệu tập thể như “Gạo Japonica hữu cơ Nam Phương Tiến” hay “Gạo chất lượng cao Bình Minh”. Các chuỗi liên kết đã giúp người nông dân yên tâm sản xuất nhờ đầu ra ổn định, giá trị sản phẩm được nâng lên rõ rệt.

Giai đoạn 2026–2030, Hà Nội tiếp tục định hướng phát triển vùng sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ, từng bước áp dụng đồng bộ cơ giới hóa và số hóa trong quy trình sản xuất.

Ông Nguyễn Mạnh Phương – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường cho biết, vụ xuân 2025, Sở đã chỉ đạo sát sao các đơn vị trực thuộc phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương từ khâu chọn giống, kỹ thuật đến các chính sách hỗ trợ, giúp nông dân yên tâm sản xuất. Nhờ đó, năng suất lúa chất lượng cao tăng rõ rệt so với các năm trước, góp phần vào tăng trưởng GDP ngành Nông nghiệp và toàn thành phố. Ông cũng yêu cầu các địa phương tăng cường kiểm tra đồng ruộng, chủ động công tác tưới tiêu, đảm bảo kế hoạch sản xuất vụ Mùa được thắng lợi. Đồng thời tiếp tục thực hiện định hướng của thành phố về việc phát triển lúa chất lượng cao áp dụng cơ giới hóa gắn với nhân rộng chuỗi liên kết tiêu thụ một cách hiệu quả nhất.

Với quyết tâm cao, sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền, doanh nghiệp và nông dân, sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao của Hà Nội không chỉ đáp ứng yêu cầu an toàn thực phẩm trong nước mà còn mở ra cơ hội chinh phục các thị trường quốc tế trong tương lai gần.

Thanh Tùng 

comment Bình luận