Điều trị bệnh động mạch vành bằng các bài thuốc đông y

Bệnh động mạch vành hay còn có tên khác là bệnh thiểu năng vành, suy vành, hẹp mạch vành. Triệu chứng thường là đau thắt ngực, khó thở, thậm chí nhồi máu cơ tim gây suy tim cấp, ngừng tuần hoàn dẫn tới tử vong,… Điều trị bệnh động mạch vành bằng các bài thuốc đông y đang là phương pháp điều trị phổ biến và hiệu quả.
03/10/2022 10:51

Nguyên nhân gây bệnh động mạch vành theo đông y

Nguyên nhân gây ra bệnh động mạch vành là do công năng hoạt động của các tạng tâm, can, tỳ, thận bị giảm sút. Kết quả là đàm thấp nội sinh, lại phạm phải hàn tà hoặc ngũ chí quá cực gây khí trệ huyết ứ. Các chứng trạng biểu hiện ra bên ngoài là hiện tượng đau thắt vùng ngực từng cơn, nặng hơn nữa xuất hiện chân tay quyết lạnh, tím tái, mạch vi tế, hư muốn tuyệt (trong trường hợp nhồi máu cơ tim).

Trong cơn đau ngực, bệnh nhân biểu hiện tình trạng khí trệ huyết ứ hoặc nặng hơn là tâm dương hư thoát. Ngoài cơn đau, sự rối loạn công năng các tạng phủ được biểu hiện. Do đó khi điều trị cần tùy thuộc vào từng thể bệnh, từng giai đoạn bệnh.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Đông y chữa bệnh động mạch vành

Theo nguyên tắc “cấp trị tiêu, hoãn trị bản”, điều trị bệnh động mạch vành được chia thành 2 phần:

Điều trị cơn đau vùng tim, nhồi máu cơ tim

Cơn đau vùng tim (Hung tý): Là biểu hiện thường gặp của bệnh động mạch vành. Ban đầu, cơn đau thắt ngực thường là ổn định do sự ổn định của mảng xơ vữa. Các cơn đau thường ngắn, xảy ra khi gắng sức hoặc căng thẳng, và giảm khi nghỉ ngơi, đáp ứng tốt với nitrats. Giai đoạn sau, khi các mảng xơ vữa bất ổn, các cơn đau xuất hiện nhiều và kéo dài hơn, xảy ra cả khi bệnh nhân nghỉ ngơi và thường kém đáp ứng với nitrats.

Triệu chứng: Tức nặng vùng ngực, có khi có cảm giác bóp nghẹt xảy ra thành từng cơn, mỗi cơn kéo dài vài phút. Đau ngực thường lan ra xung quanh, lên bả vai, hàm. Đau ngực thường lan theo mặt trong cánh tay, cẳng tay và ngón tút theo đường đi kinh tâm. Đau ngực thường kèm theo cảm giác khó thở. Chất lưỡi tím, có điểm ứ huyết, mạch trầm tế sác.

Pháp điều trị: Hành khí hoạt huyết, thông dương hóa trọc

Bài thuốc:

Xuyên khung 12g Cát cánh 08g
Sinh địa 12g Sài hồ 12g
Đương quy 12g Trần bì 08g
Xích thược 12g Cam thảo 06g
Đào nhân 16g Phỉ bạch 08g
Hồng hoa 12g Qua lâu 08g
Chỉ xác 08g    

Phương pháp không dùng thuốc:

- Thể châm các huyệt: Nội quan, Đản trung, Hợp cốc có thể phối hợp Cự khuyết, Giản sử, Thông lý.

- Nhĩ châm các điểm: Tâm, Thần môn, Giao cảm.

- Bấm huyệt các huyệt: Nội quan, Tâm du, Quyết âm du.

Nhồi máu cơ tim (Tâm dương hư thoát)

Nhồi máu cơ tim là tình trạng tắc nghẽn đột ngột động mạch vành gây hoại tử cơ tim. Bệnh nhân cần được cấp cứu kịp thời bằng các phương tiện, kĩ thuật hiện đại.

Nhồi máu cơ tim tương ứng với tình trạng tâm dương hư thoát của y học cổ truyền và y văn có nêu lên biểu hiện, cách điều trị như sau:

Triệu chứng: Đau vùng ngực dữ dội cảm giác như bị bóp nghẹt, thường kéo dài trên 15 phút, đau lan ra sau lưng, lên cổ, ra vai và dọc theo mặt trong cánh tay. Đau ngực thường kèm theo mệt nhiều, vã mồ hôi, khó thở, hồi hộp trống ngực và thường không đáp ứng với nitrats. Toàn thân biểu hiện thần hoảng loạn, sắc xanh tím, vã mồ hôi toàn thân, tay chân quyết lạnh, lưỡi tím tái, mạch vi muốn tuyệt.

Pháp điều trị: Ôn dương cứu nghịch, hoạt huyết, ích khí, phù mạch

Bài thuốc: Lựa chọn 1 trong các bài thuốc dưới đây phù hợp với tình trạng từng bệnh nhân:

- Bài 1: Độc sâm thang: Nhân sâm 8g, sắc uống liên tục

- Bài 2: Sinh mạch tán gia vị

Nhân sâm 08g Mạch môn 08g
Ngũ vị tử 08g Cam thảo 06g

Toàn bài sắc lấy nước uống liên tục hoặc dùng chế phẩm dịch chiết Sinh mạch như trường hợp Hung tý

- Bài 3: Lục vị hồi dương ẩm

Nhân sâm 08g Nhục dung 12g
Phụ tử chế 08g Ba kích 12g
Đương quy 12g Đan sâm 12g
Nhục quế 06g    

Điều trị bệnh động mạch vành thời kì ổn định

Chủ yếu là điều trị dự phòng nhồi máu cơ tim hoặc củng cố kết quả điều trị nhồi máu cơ tim. Việc điều trị tập trung vào việc dùng thuốc kéo dài và căn cứ vào từng thể lâm sàng. Nên chọn các bài thuốc thích hợp bào chế dưới dạng hoàn tán để tiện sử dụng.

Thể can thận âm hư

Triệu chứng: Chóng mặt ù tai, đau lưng mỏi gối, chất lưỡi đỏ, miệng khô, mạch huyền tế sác. Nếu thiên về can dương vượng thì chóng mặt, hoa mắt, tê đầu lưỡi, da tê bì, mạch huyền. Nếu thiên về âm hư hỏa vượng thì lòng bàn tay bàn chân nóng, mộng tinh, lưỡi đỏ, mạch huyền, tế, sác.

Pháp điều trị: Bổ can thận, bình can tiềm dương nếu can dương thượng xung. Bổ can thận, tư âm giáng hỏa nếu âm hư hỏa vượng.

Bài thuốc: Tùy vào tình trạng từng người bệnh

- Bài 1: Thiên ma câu đằng ẩm gia giảm, dành cho trường hợp can dương thượng kháng

Thiên ma 08g Qua lâu nhân 08g
Câu đằng 08g Bán hạ 06g
Chân châu mẫu 20g Phỉ bạch 06g
Thiên môn 08g Sung úy tử 08g
Hoàng tinh 08g Đan sâm 08g
Địa long 06g Hồng hoa 08g

- Bài 2: Thủ ô diên thọ thang gia giảm, nếu bệnh nhân thiên về âm hư hỏa vượng

Hà thủ ô 16g Qua lâu 08g
Trinh nữ tử 12g Phỉ bạch 06g
Cỏ nhọ nồi 12g Uất kim 08g
Củ gai 08g Kê huyết đằng 12g
Tang ký sinh 12g Hồng hoa 08g
Hoàng tinh 12g Tang thầm 12g
Thiên môn 08g    

- Thể tâm tỳ hư

Triệu chứng: Đầu choáng mắt hoa, thở ngắn gấp, hồi hộp, ngủ ít, sắc mặt trắng bệch, môi nhạt, chất lưỡi nhạt, mạch nhỏ, vô lực hoặc kết đại.

Pháp điều trị: Bổ dưỡng tâm tỳ

Bài thuốc: thường dùng Quy tỳ thang gia giảm

Đảng sâm 12g Uất kim 06g
Hoàng kỳ 08g Táo nhân 08g
Bạch truật 08g Long nhãn 08g
Đương quy 08g Phục linh 08g
Mộc hương 06g Bá tử nhân 08g
Viễn chí 08g Thục địa 12g
Qua lâu nhân 06g Đại táo 12g

Thể tâm thận dương hư

Triệu chứng: Hồi hộp, thở gấp, người mệt mỏi, tự ra mồ hôi, sợ lạnh, tay chân lạnh, lưng gối đau mỏi, sắc mặt trắng bệch, mạch trầm, tế, vô lực

Pháp điều trị: Ôn bổ tâm thận

Bài thuốc:

Phụ tử chế 08g Viễn chí 06g
Nhục quế 06g Thỏ ty tử 08g
Đan sâm 08g Ba kích 08g
Đương quy 08g Bá tử nhân 08g
Bạch thược 08g    

Ngoài ra, trong thời kì này, có thể kết hợp thêm châm cứu các huyệt: Tam âm giao, Thái khê, Thận du, Nội quan, Thần môn. Châm bổ nếu can thận âm hư, cứu nếu tâm thận dương hư.

Một số món ăn hỗ trợ điều trị bệnh mạch vành

Canh nấm rơm – hỗ trợ điều trị bệnh mạch vành

Nguyên liệu: Nấm rơm 100g; Đại táo 5 quả. Nấm rơm rửa sạch bổ đôi, đại táo bỏ hạt, tất cả đun trong 1h, cho gia vị vừa ăn, chú ý ăn nhạt.

Tác dụng: Nấm rơm chứa nhiều protein thực vật, chất xơ, nhiều loại vitamin lại không chứa các chất béo bão hòa, cholesterol trong khi đó đại táo là vị thuốc bổ khí tốt, giúp tăng cường hệ miễn dịch, làm giảm mệt mỏi. Canh nấm rơm đại táo rất đơn giản nhưng có tác dụng cải thiện tình trạng sức khỏe của người mắc bệnh mạch vành, làm giảm mệt mỏi, lo âu. Nên ăn canh hàng ngày. Nếu ăn vào buổi tối trước khi ngủ có thể cải thiện giấc ngủ cho bệnh nhân.

Canh đan sâm sắn dây – hỗ trợ điều trị bệnh mạch vành

Nguyên liệu: Đan sâm 20g; Sắn dây 20g; Cam thảo 6g; Bạch linh 10g. Cho nguyên liệu vào nồi cùng 3 bát nước, đun với lửa vừa tới khi còn 1 bát. Ăn khi còn ấm nóng, ngày 1 lần buổi sáng.

Tác dụng: Món ăn có chứa đan sâm được coi là thần dược hỗ trợ điều trị bệnh mạch vành với khả năng bảo vệ cơ tim, chống oxy hóa, làm bền màng hồng cầu, phòng chống huyết khối, giãn mạch vành và mạch não. Thêm vào đó sắn dây (hay vị thuốc cát căn) có tác dụng giải độc, sinh tân, chỉ khát, trừ nội nhiệt. Theo y học hiện đại, cát căn có tác dụng chống co thắt, cải thiện tuần hoàn vành, hạ huyết áp, điều hòa nhịp tim, hạ đường máu. Bạch linh lợi thủy thẩm thấp, bổ khí kiện tỳ hỗ trợ điều trị hạ huyết áp. Do đó, món canh đan sâm sắn dây nói trên có tác dụng hỗ trợ rất tốt cho người bệnh mạch vành, tăng huyết áp, đái tháo đường, xơ vữa mạch máu.

Cháo đan sâm đào nhân

Nguyên liệu: Đan sâm 20g; Đào nhân 10g; Gạo tẻ 50g. Đầu tiên sắc đan sâm lấy nước sau đó dùng nước nấu cháo gạo tẻ cùng với đào nhân. Hoặc có thể bọc đan sâm trong túi vải và nấu cùng. Ngày ăn 1 lần vào buổi sáng, có thể ăn lâu dài.

Tác dụng: Như trên đã trình bày, đan sâm có tác dụng rất tốt với người bệnh tim mạch. Thêm vào đó khi kết hợp với đào nhân là một vị thuốc hoạt huyết, hóa ứ, nhuận táo có tác dụng điều trị chứng huyết ứ gặp trong bệnh mạch vành. Dược lý học hiện đại cũng cho thấy đào nhân có tác dụng chống viêm, chống đông máu, chống kết tập tiểu cầu nên có tác dụng tốt với tình trạng xơ vữa mạch vành. Món ăn trên rất đơn giản nhưng lại có tác dụng rất tốt, đặc biệt với những bệnh nhân có biểu hiện đau ngực hay có tiền sử nhồi máu cơ tim.

Theo Thaythuocvietnam.vn

comment Bình luận

largeer